Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:33 (GMT +7)
Cơ hội cuối cùng để tránh hậu quả thảm khốc từ biến đổi khí hậu
Thứ 7, 23/10/2021 | 13:57:47 [GMT +7] A A
Trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ chệch mục tiêu nếu không tận dụng cơ hội để kiểm soát mức tăng nhiệt độ trái đất. Hậu quả nghiêm trọng ngày một hiện rõ khi các nước có kế hoạch sản xuất nhiên liệu hóa thạch với số lượng nhiều hơn gấp đôi mức được cho là phù hợp để hạn chế làm nhiệt độ trái đất tăng ở mức 1,50C.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các nước cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất từ 1,5 đến 20C thông qua cắt giảm lượng khí phát thải. Tuy nhiên, theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), kế hoạch sản xuất nhiên liệu hóa thạch của chính phủ các nước đang không đồng bộ với mục tiêu nêu trên. Theo kế hoạch được các nước công bố, trong thập niên này, sản lượng nhiên liệu hóa thạch của các nước dự kiến bằng 110% mức phù hợp để giữ nhiệt độ tăng ở mức 1,50C.
Nghiên cứu hằng năm có quy mô lớn nhất của tạp chí Lancet về tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe con người, công bố hôm 21/10, chỉ ra những con số đáng báo động. 134 quốc gia đang đối mặt nạn cháy rừng ở mức độ lớn chưa từng có. Hai tỷ người trên thế giới có nguy cơ mất an ninh lương thực. Các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, dịch tả, sốt rét... bùng phát trên quy mô lớn hơn trong nhiều thập niên trở lại đây. Ðáng chú ý, có tới gần 75% các quốc gia tham gia khảo sát cho biết, không đủ khả năng thực hiện chiến lược tổng thể về khí hậu và sức khỏe.
Dù thống nhất mục tiêu hạn chế sự tăng nhiệt độ trái đất, song các nước vẫn loay hoay tìm hướng hành động. Mục tiêu cắt giảm phát thải được dự đoán sẽ là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị cấp cao G20, nhóm quốc gia phát thải 80% lượng khí thải toàn cầu, diễn ra trong hai ngày 30 và 31/10 tới tại Italia. Tuy vậy, đến nay G20 chưa thống nhất được quan điểm về việc giảm dần sử dụng than đá. Ít nhất bốn nguyên thủ quốc gia của G20 dự kiến không trực tiếp tham dự hội nghị tại Rome, trong đó có Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc. Nga là nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, vẫn còn thời gian để tránh cho COP 26 có kết quả thất bại, song thời gian dần thu hẹp khi chỉ còn hơn một tuần nữa là tới sự kiện quốc tế lớn nhất về khí hậu kể từ hội nghị lịch sử tại Paris năm 2015. Người đứng đầu tổ chức hợp tác lớn nhất hành tinh kêu gọi các nước cùng nắm lấy “cơ hội tốt nhất cuối cùng” để tránh hậu quả thảm khốc từ biến đổi khí hậu.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()