Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:28 (GMT +7)
Có hay không gian lận thực hành lái ô tô?
Thứ 4, 01/03/2023 | 14:56:42 [GMT +7] A A
Một xe lắp nhiều thiết bị, trực tiếp “hack” vào phần mềm để làm sai lệch dữ liệu… được cho là cách thức TT đào tạo lái xe đang dùng để gian lận.
Một nhân bản thành bốn?
Trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh về một chiếc ô tô 4 chỗ màu trắng, gắn bên trong rất nhiều thiết bị điện tử, được cho là công cụ giám sát thời gian và quãng đường (DAT) học lái xe. Trong ảnh, ghế sau của ô tô này đặt nhiều thiết bị có màn hình hiển thị, nối lên nóc xe.
Từ giữa tháng 6/2022, Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT quy định các xe ô tô tập lái đều phải lắp thiết bị DAT để giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe bằng cách ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận thông tin liên quan quá trình dạy và học thực hành.
Với việc truyền dữ liệu trong vòng 5 phút/lần về Cục Đường bộ VN, DAT sẽ giúp kiểm soát đầy đủ thông tin, buộc người học và giáo viên phải hoàn thành chạy đủ tối thiểu 40 giờ với quãng đường 810km, nếu không sẽ không được phép dự sát hạch cấp GPLX. Như vậy, người dạy không thể cắt xén được chương trình đào tạo quy định.
Vì thế, hình ảnh lắp nhiều thiết bị DAT trên 1 xe ô tô tập lái kể trên khiến nhiều người cho rằng, việc này nhằm qua mặt cơ quan chức năng, gian lận quãng đường học viên học lái đường trường.
Để làm rõ vấn đề, PV đã tìm hiểu tại một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ở tỉnh Bắc Ninh. Có mặt tại đây chúng tôi ghi nhận hàng chục xe tập lái được lắp một thiết bị DAT theo quy định.
Lãnh đạo trung tâm cho hay, hoạt động của trung tâm đang vô cùng khó khăn. Từ khi áp dụng thiết bị DAT, quãng đường thực hành được giám sát chặt, học viên không có, doanh thu giảm đến 60%.
“Nhiều học viên so sánh, tại sao trung tâm bắt chạy đủ 800km, trong khi trung tâm khác chỉ phải học 500km? Mình thực hiện nghiêm quy định nên học sinh “chạy” hết. Từ trước Tết đến nay không có hồ sơ nộp xin học và cũng chưa khai giảng được khóa mới nào”, vị này chia sẻ.
Cho biết có tình trạng một số trung tâm gian lận sử dụng dữ liệu thiết bị DAT, vị này “bật mí” trên một xe có 4 người học thì lắp đến 4 thiết bị DAT. Ngoài người lái, mỗi học viên ngồi sau cũng được sử dụng thiết bị DAT để gian lận.
Dữ liệu thiết bị ghi nhận học viên ngồi sau cũng giống như đang lái xe. Từ đây, dù chỉ một người lái nhưng dữ liệu được nhân cho 4 người. Dữ liệu của thiết bị DAT vẫn có nhưng học viên thì không phải học.
“Thậm chí, nhiều trung tâm đào tạo còn “hack” trực tiếp vào phần mềm để gian lận dữ liệu, can thiệp sửa chữa, nhân bản số km học trên đường cho học viên”, vị này nói.
Thu hồi giấy phép, chuyển công an điều tra nếu có vi phạm
Tuy nhiên, theo ông Tống Văn Thuận, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo lái xe ô tô, cùng một thời điểm thiết bị DAT chỉ ghi nhận được một học viên.
Học viên trước khi đi đường trường thì phải lấy dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt để đăng nhập thiết bị. Khi thiết bị nhận diện đúng khuôn mặt của học viên thì mới đồng ý cho thực hiện phiên học của học viên đó.
Vì vậy, khả năng hack thiết bị DAT để gian lận là không có.
Lãnh đạo một đơn vị cung cấp thiết bị DAT cho biết: “Theo quy định, một thiết bị chỉ gắn với một xe. Một xe tập lái mà cùng truyền dữ liệu của nhiều thiết bị DAT là không hợp lý.
Trách nhiệm của nhà cung cấp là phải đảm bảo tính bảo mật thông tin của sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Không nhà cung cấp nào muốn can thiệp vào thiết bị để vi phạm pháp luật”.
Tuy nhiên, vị này cho hay, trên thị trường hiện có 2 dạng quản lý dữ liệu. Dạng thứ nhất là cả trung tâm đào tạo và nhà cung cấp đều quản lý hệ thống dữ liệu, dạng này khó xảy ra can thiệp.
Dạng thứ 2 là nhà cung cấp bàn giao hết hệ thống máy chủ, mật khẩu cho trung tâm đào tạo. Trường hợp này có khả năng trung tâm đào tạo do áp lực kinh doanh, thiếu học viên sẽ can thiệp, sửa dữ liệu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, thông tin phản ánh trên mạng xã hội là không có cơ sở.
Theo ông Thống, hình ảnh từ thiết bị DAT được truyền 30 giây/lần về trung tâm của cơ sở đào tạo. Thiết bị đáp ứng theo Quy chuẩn của Bộ GTVT nên khó can thiệp chỉnh sửa. Trung tâm đào tạo gian dối dữ liệu đào tạo đường trường cũng không giải quyết được vấn đề gì.
“Có thể thời gian đầu triển khai thiết bị DAT có tình trạng đó nhưng ở thời điểm này không ai dám gian lận. Người học cũng không dại gì mất tiền để không được học đầy đủ chương trình.
Khác với thiết bị giám sát hành trình, doanh nghiệp, lái xe tắt thiết bị có thể trốn tránh được sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, với thiết bị DAT thì ngược lại, thiết bị phải hoạt động tốt mới đảm bảo quyền lợi cho học viên. Nếu không có dữ liệu, người học sẽ không được thi nên không dám, không muốn gian lận”, ông Thống nói.
Trả lời câu hỏi có hay không việc gian lận để học viên không phải đóng học phí cao và học nhiều, ông Thống phân tích: “Trường hợp này có thể có, tuy nhiên cơ sở đầu tư lớn thì họ không làm việc nhỏ đó vì bị thu hồi giấy phép ngay nếu có sai phạm”.
Ông Thống cũng khẳng định, Cục Đường bộ VN đã yêu cầu các sở GTVT kiểm tra cơ sở dữ liệu giám sát thời gian và quãng đường của học viên tại các cơ sở đào tạo lái xe và kiểm tra trực tiếp việc lắp, sử dụng thiết bị DAT.
Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý cơ sở đào tạo bằng hình thức thu hồi giấy phép. Nếu phát hiện các cơ sở, giáo viên gian dối sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Về lâu dài, Cục sẽ xây dựng phần mềm để tự động lọc các trường hợp vi phạm, gian lận.
Cục Đường bộ VN cho biết, sau 6 tháng triển khai áp dụng giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên bằng thiết bị DAT, có hơn 38.000 xe tập lái đã lắp đặt và sử dụng thiết bị DAT, giám sát hơn 560.000 học viên với tổng số hơn 11.300 khóa học và hơn 5 triệu phiên học thực hành lái xe.
|
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()