Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:22 (GMT +7)
Có hay không cắt xén tiền ăn của vận động viên bóng bàn trẻ quốc gia?
Thứ 4, 04/10/2023 | 11:10:36 [GMT +7] A A
Ngày 3/10, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao quyết định đưa đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia về Nhổn tập huấn thay vì ở tại Mỹ Đình, sau thông tin vận động viên bị đói ăn.
Trước đó báo Tiền Phong phản ánh vận động viên bị đói ăn, nghi ngờ có thể bị cắt xén tiền ăn dù mỗi ngày vận động viên được nhận 320.000 đồng từ ngân sách nhà nước.
Theo điều tra của báo, bữa ăn của nhóm 8 vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với chi phí 800.000 đồng, nhưng chỉ có đậu rán, cá ba sa kho, nem rán (chả giò), một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua.
Các vận động viên cho biết vì ăn uống không đầy đủ nên thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập.
Rút đội bóng bàn trẻ quốc gia về Nhổn
Cục Thể dục thể thao đã chỉ đạo xác minh thông tin. Các cuộc họp đã được lãnh đạo cục tiến hành với phòng thể thao thành tích cao 2, bộ môn bóng bàn, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Sau cuộc họp chiều 3-10, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao cho biết đã quyết định đưa đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tập luyện tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình về trung tâm Nhổn. Mục đích để đảm bảo tốt điều kiện ăn, ở cho vận động viên. Việc tập luyện tại Nhổn cũng sẽ được bố trí để đảm bảo yêu cầu chuyên môn.
Liên quan các thông tin về việc tiền ăn của vận động viên có thể bị cắt xén khiến đói ăn, Cục Thể dục thể thao cho biết vẫn đang tiếp tục xác minh. Sau khi có đầy đủ thông tin, cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Những năm qua, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia được Cục Thể dục thể thao triệu tập và sau đó giao cho trung tâm Nhổn quản lý. Dù vậy đội này không tập huấn ở Nhổn, mà được đưa về tập luyện tại Mỹ Đình.
Tiền ăn, ở của đội bóng bàn trẻ được trung tâm Nhổn chuyển cho ban huấn luyện đội tuyển và Mỹ Đình để lo cho vận động viên. Không chỉ đội bóng bàn trẻ do Nhổn quản lý nhưng không tập ở Nhổn, mà nhiều đội tuyển khác như bóng đá, đua thuyền, bóng bàn lớn, đấu kiếm... cũng không tập luyện ở Nhổn.
Lý do bởi Nhổn không có đủ địa điểm cho các bộ môn tập, hoặc điều kiện tập ở Nhổn không tốt bằng các nơi khác.
Vận động viên thường xuyên kêu ăn thiếu chất, thiếu thực phẩm bổ sung
Theo thông tư 86 của Bộ Tài chính quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù với vận động viên, huấn luyện viên có hiệu lực từ ngày 1-1-2021: Vận động viên đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/người/ngày.
Vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự SEA Games, Asiad, Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.
Với vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng Asiad, Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.
Kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng cho vận động viên được lấy từ ngân sách nhà nước cấp cho ngành thể thao hằng năm.
Tiền ăn, tiền nước uống hay thực phẩm bổ sung hằng ngày của vận động viên được gói gọn trong số kinh phí này theo thông tư 86. Mức chi này với người bình thường là ổn, nhưng với vận động viên thì chưa đáp ứng được nhu cầu vận động cao, đòi hỏi dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ chất lượng.
Nhiều năm qua, nhiều vận động viên quốc gia tập huấn ở các trung tâm huấn luyện thường xuyên kêu ca về việc họ chưa được ăn đủ chất.
Các vận động viên cũng không được cung cấp thường xuyên thực phẩm chức năng trong quá trình tập huấn và thi đấu. Cộng với việc thiếu trang thiết bị hồi phục, nên sau khi tập nặng, vận động viên dễ chấn thương, khó phát triển thành tích.
Bữa ăn nghèo nàn
Một tuyển thủ quốc gia vừa tham dự Asiad 19 chia sẻ: "Dù có thực hiện ăn 320.000 đồng hay trước đại hội được ăn 480.000 đồng/ngày thì bữa ăn của chúng tôi vẫn rất nghèo nàn. Vận động viên mỗi môn, mỗi hạng cân khác nhau, cần dinh dưỡng phù hợp chứ không thể giống nhau. Tập nặng nhưng chúng tôi hiếm khi được cung cấp thực phẩm chức năng hỗ trợ, tự đi mua thì sợ dính doping. Hằng ngày tập nặng về không có bể bơi để thả lỏng, không có bể đá để ngâm hồi phục, hay mát xa liên tục". |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()