Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:09 (GMT +7)
Khắc phục ngay các sự cố hư hỏng đối với kết cấu hạ tầng giao thông
Thứ 6, 06/01/2023 | 07:20:05 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri thành phố Hạ Long tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Trịnh Quang Vinh, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long chất vấn: Công tác quản lý đường giao thông (vốn ngân sách nhà nước) khi các chủ đầu tư Dự án sử dụng làm đường thi công gây hư hỏng thì xử lý như thế nào?
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hoàng Quang Hải trả lời:
Theo phân cấp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ (vốn ngân sách Nhà nước): Sở Giao thông Vận tải quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ, đường tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã. Để tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý, trong năm 2022, Sở Giao thông Vận tải thực hiện cấp phép 117 công trình thi công trên đường bộ đang khai thác đối với đường tỉnh và đường quốc lộ; thoả thuận 16 phương án vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép thi công hoặc thoả thuận phương án vận chuyển, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp cam kết thực hiện sửa chữa hư hỏng tuyến đường trong trường hợp bị hư hỏng do nguyên nhân vận chuyển của các đơn vị gây ra. Đồng thời, nhằm hạn chế hư hỏng trên tuyến đã cấp phép, thoả thuận Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng thanh tra Sở, Trạm kiểm tra trọng tải xe Quảng Ninh chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát tải trọng xe, nhất là các khu vực có phương tiện vận tải tăng cao.
Trong quá trình thực hiện dự án nếu hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông bị hư hại do các phương tiện vận tải dự án gây ra, Sở Giao thông Vận tải chủ động trao đổi, yêu cầu các chủ dự án, chủ đầu tư thực hiện trách nhiệm sửa chữa theo cam kết (việc chấp thuận phương án vận chuyển do UBND các địa phương thực hiện đều có yêu cầu các chủ dự án, chủ doanh nghiệp đặt cọc, ký quỹ đối với mỗi phương tiện vận tải tham gia phương án, số kinh phí đặt cọc, ký quỹ sẽ được sử dụng để sửa chữa kết cấu hạ tầng khi bị hư hỏng).
Ví dụ như trong một số trường hợp cụ thể:
Dự án Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn đã hoàn thành từ năm 2019, khi cấp phép thi công đối với các nhà thầu thi công cao tốc, do nhà thầu có sử dụng một số cung đường để vận chuyển VLXD, trong quá trình cấp phép Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu đơn vị cam kết khắc phục hư hỏng tuyến ĐT.326. Sau khi cấp phép, Sở Giao thông Vận tải đã cùng nhà đầu tư BOT, các nhà thầu thực hiện kiểm tra, bàn giao hiện trạng tuyến đường và sau khi kết thúc dự án nhà đầu tư đã thực hiện nghiêm túc việc thi công hoàn trả khu vực tuyến đường bị hư hỏng (15 khu vực trên tuyến ĐT.326) theo yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải.
Năm 2022, quá trình thực hiện dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, các phương tiện vận chuyển đất đá từ mỏ đất đến dự án của nhà đầu tư Vingroup, các phương tiện vận chuyển cơ bản đi trên QL.18 (tuyến đường 10 làn xe) khu vực nút giao Minh Khai, theo đó Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ cam kết theo yêu cầu tại Kế hoạch 191/KH-UBND của tỉnh trong quá trình vận chuyển. Khi nhận thấy có dấu hiệu hư hỏng, nhà đầu tư đã chủ động thực hiện sửa chữa để đảm bảo tuổi thọ công trình và an toàn cho nhân dân đi lại, nội dung này trong quá trình triển khai, Sở cùng UBND thành phố Hạ Long thường xuyên kiểm tra nhắc nhở và yêu cầu nhà đầu tư chủ động thực hiện.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương, các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, giám sát chặt chẽ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tại các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn để tăng cường ATGT. Đồng thời, có giải pháp khắc phục ngay các sự cố hư hỏng đối với kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đặng Dung (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()