Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:17 (GMT +7)
Có gì trong bộ phim Việt thắng Cannes 2023 dài hơn 3 tiếng?
Thứ 2, 14/08/2023 | 17:06:33 [GMT +7] A A
Suốt thời lượng hơn 3 tiếng, “Bên trong vỏ kén vàng” có nhiều cảnh quay đẹp, được dàn dựng công phu nhưng dễ gây khó hiểu với khán giả đại chúng.
Bên trong vỏ kén vàng (Tựa quốc tế: Inside the Yellow Cocoon Shell) gây chú ý khi là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt tham gia LHP Cannes 2023. Tác phẩm vượt nhiều đối thủ nặng ký để chiến thắng Caméra d'Or (Camera Vàng) – hạng mục dành cho những phim đầu tay xuất sắc.
Sau 3 tháng, phim được nhà phát hành đưa về Việt Nam phục vụ khán giả trong nước. Đây cũng là tác phẩm art-house (phim nghệ thuật) đầu tiên ra rạp năm nay, sau hàng loạt dự án thuần thương mại.
Hành trình đi tìm đức tin
Chuyện phim xoay quanh hành trình của Thiện (Lê Phong Vũ) - một thanh niên chưa vợ, không công ăn việc làm ổn định, đang mất lòng tin vào lẽ sống và trải qua chuỗi ngày hoang mang, vô định trên đường đời.
Một buổi tối, Thiện bất ngờ nhận được tin chị dâu vừa mất sau tai nạn xe máy. Anh bỗng trở thành người thân duy nhất chăm sóc đứa cháu trai 5 tuổi tên Đạo (Nguyễn Thịnh) vì cha nó đã bỏ nhà đi từ lâu.
Trong lúc cháu vẫn chưa biết mẹ mất, Thiện phải tìm cách đưa linh cữu chị dâu về quê và tổ chức tang lễ. Sau đó, nhân vật quyết tâm đi tìm anh trai để Đạo có cơ hội gặp được cha.
Tác phẩm là phim dài đầu tay của Phạm Thiên Ân – đạo diễn từng có kinh nghiệm làm một số phim ngắn trước đó. Kịch bản do anh chấp bút, phát triển dựa trên phim ngắn Hãy thức tỉnh và sẵn sàng (Stay Awake, Be Ready) phát hành năm 2019.
Với thời lượng hơn 3 tiếng đồng hồ, Phạm Thiên Ân lồng ghép nhiều thông điệp về chủ nghĩa hiện sinh. Ngay từ đầu phim, Thiện ngồi nhậu và trao đổi với bạn về mục đích cuộc sống. Trên hành trình, anh cũng gặp gỡ và đối thoại với nhiều nhân vật về sự tồn tại, ý nghĩa kiếp người.
Yếu tố tôn giáo cũng được cài cắm một cách có chủ đích. Các cảnh quay nhà thờ, ma sơ, cảnh cầu nguyện hay lời thoại về Chúa được sử dụng nhiều trong phim. Tất cả biến chuyến đi tìm người thân của Thiện trở thành hành trình tìm lại bản ngã, tìm lại đức tin đã mất.
Vẻ đẹp của sự chậm rãi
Điểm sáng lớn nhất của Bên trong vỏ kén vàng là phần hình ảnh. Đạo diễn tận dụng tốt bối cảnh để tạo ra những thước phim đậm tính duy mỹ, khi chân thật khi lại đẹp mơ màng.
Thông qua hành trình của Thiện, Phạm Thiên Ân dẫn dắt người xem đi từ khung cảnh náo nhiệt của TP.HCM đến vùng cao nguyên yên bình ở Bảo Lộc - cũng là quê hương đạo diễn.
Phong cách của anh gợi nhớ những đạo diễn nổi tiếng của trường phái slow cinema (điện ảnh chiêm nghiệm) như Béla Tarr, Andrei Tarkovsky, Abbas Kiarostami,…
Nhà làm phim chuộng những cú máy dài (long take), quay một lần duy nhất và hạn chế cắt dựng. Phần lớn ống kính được đặt cố định, nếu di chuyển thì chậm rãi để từng phân đoạn giữ được độ chân thật nhất có thể.
Với phong cách đó, kỹ thuật dàn cảnh (mise en scène) trở thành yếu tố then chốt giúp từng cảnh quay đạt được ý đồ mà đạo diễn mong muốn.
Có cảnh dài đến 25 phút là cuộc trò chuyện giữa 2 nhân vật ngồi trong nhà. Song, đạo diễn phá cách khi đặt máy quay ở ngoài, chỉ cho khán giả nhìn thấy hiên nhà gỗ chứ không thấy mặt diễn viên. Cũng có cảnh tối đen như mực, chẳng ai có thể thấy được gì.
Khi xem phim, đôi lúc khán giả sẽ có cảm giác như đang thưởng thức một tác phẩm tài liệu. Nhưng thực chất, đó là kết quả của một quá trình tính toán và thực hành cẩn trọng trước khi chính thức bấm máy.
Món lạ nhưng chưa chắc ngon với khán giả Việt
Sự xuất hiện của Bên trong vỏ kén vàng gợi nhớ Memento Mori: Đất (Marcus Mạnh Cường Vũ đạo diễn) ra mắt năm ngoái. Cả 2 đều thuộc dòng art-house kén khán giả. Nội dung đặt ra nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, lồng ghép các yếu tố về đức tin lẫn tôn giáo.
Trùng hợp là, các đạo diễn đều đan xen những cảnh thực - ảo, ghép cảnh thường nhật với những giấc mơ để làm nổi bật nội tâm nhân vật. Cả 2 đều chứng minh bản thân là người hâm mộ cuồng nhiệt của dòng slow cinema với những cú máy chậm rãi và kỹ thuật làm phim tối giản.
Nhưng nếu Memento Mori: Đất lấy cảm hứng từ sách của tác giả Đặng Hoàng Giang, Bên trong vỏ kén vàng được xây dựng dựa trên những cảm xúc, trải nghiệm rất riêng tư của đạo diễn Phạm Thiên Ân.
Với thời lượng chỉ 85 phút, Memento Mori: Đất đã thất bại trong việc chinh phục khán giả quê nhà. Theo số liệu từ Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), tác phẩm của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chỉ thu về hơn 260.000 triệu đồng. Hiệu ứng trên mạng xã hội cũng không ấn tượng.
Nhờ thành tích từ Cannes, Bên trong vỏ kén vàng nhận được nhiều sự ủng hộ từ truyền thông lẫn giới làm phim khi ra mắt tại quê nhà. Song, thời lượng dài 3 tiếng đồng hồ khiến bộ phim thực sự là món ăn khó nuốt với khán giả đại chúng.
Nhịp điệu chậm rãi trở thành thứ giúp tác phẩm nổi bật, tách biệt với nhiều bom tấn có tiết tấu nhanh, dồn dập. Song, đó cũng là rào cản thách thức sự kiên nhẫn của người xem, nhất là những ai không thích thể loại slow cinema.
Thành công của Phạm Thiên Ân là đã xây dựng được một bầu không khí rất riêng, không trộn lẫn với bất kỳ tác phẩm Việt Nam nào. Nhưng với những người vô thần, tác phẩm của anh có phần mơ hồ và khó cảm. Thậm chí từng thước phim hiện lên chỉ như những bức tranh đẹp nhưng vô hồn.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()