Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:06 (GMT +7)
Có được ăn ngọt thoải mái khi không bị đái tháo đường?
Thứ 7, 04/02/2023 | 14:57:59 [GMT +7] A A
Người bệnh đái tháo đường thường được khuyến cáo không nên ăn đồ ngọt để tránh làm tăng đường huyết. Nhưng người không mắc bệnh lý này có được ăn đồ ngọt thoải mái không?
Đường tự nhiên được tìm thấy trong trái cây, rau củ quả (đường fructose) và các thực phẩm từ sữa (đường lactose). Trong khi đó, một loại đường khác được gọi là đường tinh luyện thường được thêm vào và tìm thấy nhiều trong các loại đồ ngọt (cả đồ ăn và thức uống) để làm tăng thêm hương vị và cảm giác ngon miệng. Đường tinh luyện được cho là có liên qua đến nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe hơn đường tự nhiên.
Các loại đường thường được tìm thấy trong các món ăn khi chế biến, bánh nướng, các loại nước sốt, đồ ăn chế biến sẵn, nước ép trái cây, sinh tố, nước ngọt có gas, nước tăng lực…
Mặc dù đồ ngọt chứa nhiều đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường type 2, nhưng bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh nếu bị thừa cân, béo phì. Thói quen ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động chính là những yếu tố dễ dẫn đến tình trạng này.
Tóm lại, việc ăn quá nhiều đường tinh luyện, đồ ngọt không phải là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường, nhưng chúng sẽ gây hại cho sức khỏe về lâu dài.
Ăn quá nhiều đường gây thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng như các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim và đột quỵ. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều đường cũng có hại cho răng miệng.
Lượng đường được khuyến nghị dùng hàng ngày là 30 gram đối với người lớn (khoảng 7 muỗng cà phê mỗi ngày).
Lấy một ví dụ đơn giản: Một muỗng canh tương cà chứa khoảng một muỗng cà phê đường, một chiếc bánh quy socola lại có chứa đến hai muỗng đường. Nếu ăn uống không kiểm soát các loại đồ ngọt kém lành mạnh, thì rất có thể bạn sẽ nạp vào người một lượng đường vượt quá nhu cầu hàng ngày và từ đó dễ dẫn đến thừa cân. Vì vậy, cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho mình.
Để cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống, nên tăng cường trái cây và rau quả tươi, không nên uống nước ép trái cây hoặc sinh tố. Bởi vì nước ép trái cây nguyên chất cũng có chứa một hàm lượng đường nhất định từ trái cây, tuy nhiên lại bị loại bỏ đi lượng chất xơ cần thiết.
Nếu uống nước ép trái cây, chỉ nên uống một ly nhỏ khoảng 150ml/ngày. Bên cạnh đó là tự nấu ăn, hạn chế đồ uống có đường, đọc bảng thành phần dinh dưỡng in trên bao bì và tránh loại nhiều đường, ăn vặt lành mạnh (thay socola, đồ ngọt, bánh ngọt hay bánh quy... bằng sữa chua không đường, các loại hạt không ướp muối, trái cây)...
Theo suckhoesoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()