Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:50 (GMT +7)
Cô đơn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 56%
Thứ 4, 26/06/2024 | 18:16:29 [GMT +7] A A
Những người cảm thấy cô đơn kinh niên trong thời gian dài có nguy cơ đột quỵ cao hơn, theo phát hiện từ một nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này.
Chuyên gia cho rằng sự cô đơn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 56%, đồng thời giải thích tại sao vấn đề này gây ra mối đe dọa sức khỏe lớn trên toàn thế giới.
Cô đơn liên quan đến rủi ro đột quỵ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sự cô đơn là một trong những mối lo ngại lớn nhất về sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh sức khỏe, phúc lợi và sự phát triển. Theo Tổng Y sĩ Hoa Kỳ, tác động gây tử vong của sự cô đơn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.
Dù các nghiên cứu trước đây đã liên kết sự cô đơn với nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch cao hơn, nhưng rất ít nghiên cứu xem xét tác động cụ thể đến nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu do Đại học Harvard dẫn đầu là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra mối liên hệ giữa mức độ cô đơn và nguy cơ đột quỵ theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên từng trải qua tình trạng cô đơn kinh niên có nguy cơ đột quỵ cao hơn 56%, so với những người luôn nói rằng họ không cô đơn.
Nghiên cứu nhấn mạnh những người từng trải qua sự cô đơn trong một tình huống nhất định, nhưng không phải chịu đựng lâu dài không có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, cho thấy tác động của sự cô đơn lên nguy cơ đột quỵ sẽ xảy ra trong nhiều năm liền.
Tác giả chính, tiến sĩ Yenee Soh, cộng tác viên nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết: "Sự cô đơn ngày càng được xem là một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng. Những phát hiện của chúng tôi làm nổi bật thêm lý do tại sao lại như vậy.
"Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy trải qua cô đơn mãn tính có thể đóng vai trò quan trọng trong tỉ lệ bị đột quỵ, vốn đã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tàn tật lâu dài và tử vong trên toàn thế giới". Những phát hiện đã được công bố trên eClinicalMedicine.
Gây hậu quả sâu sắc lên sức khỏe
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ năm 2006 đến 2018 từ nghiên cứu về sức khỏe và hưu trí của Đại học Michigan. Hơn 12.000 người từ 50 tuổi trở lên chưa bao giờ bị đột quỵ đã được hỏi những câu hỏi về sự cô đơn từ năm 2006 đến năm 2008.
Bốn năm sau, khoảng 9.000 người còn lại tham gia nghiên cứu đã trả lời những câu hỏi tương tự. Các nhà nghiên cứu sau đó phân nhóm người tham gia, tùy vào câu trả lời về sự cô đơn của họ qua hai thời điểm.
Các nhóm bao gồm: "luôn ở mức thấp" (những người đạt điểm thấp về mức độ cô đơn ở cả hai điểm), "giảm bớt" (những người đạt điểm cao lúc đầu và thấp ở lần theo dõi sau), "khởi phát gần đây" (những người đạt điểm thấp lúc đầu và cao ở lần theo dõi sau), và "liên tục cao" (những người đạt điểm cao cả ở mức cơ sở và lần theo dõi sau).
Sau khi kiểm soát các yếu tố như sự cô lập với xã hội và các triệu chứng trầm cảm - có liên quan chặt chẽ đến sự cô đơn nhưng khác biệt - các nhà nghiên cứu nhận thấy những người báo cáo sự cô đơn khi bắt đầu nghiên cứu có nguy cơ đột quỵ cao hơn 25% so với những người không cô đơn.
Nhưng trong số những người đạt điểm "liên tục cao" về sự cô đơn ở cả hai thời điểm, họ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 56% so với những người thuộc nhóm "liên tục thấp". "Lặp lại việc đánh giá sự cô đơn có thể giúp xác định những người cô đơn kinh niên và do đó có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn", Soh cho biết.
Mọi người nên được giúp đỡ tùy vào mức độ cô đơn của họ, kể cả cảm giác cô đơn ngay khi được nhiều người vây quanh. Điều này khác với khái niệm cô lập về mặt xã hội, Soh giải thích.
"Nếu chúng ta không giải quyết được cảm giác cô đơn ở quy mô vi mô và cả vĩ mô, thì có thể sẽ có những hậu quả sâu sắc về sức khỏe", cô nói thêm.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()