Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:36 (GMT +7)
Có chỉ tiêu cụ thể, doanh nghiệp sẽ nhanh nhận hỗ trợ
Thứ 5, 19/08/2021 | 11:10:46 [GMT +7] A A
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn tất Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Lần đầu tiên, chỉ tiêu doanh nghiệp nhận hỗ trợ được đặt ra.
Giao chỉ tiêu hỗ trợ
Mục tiêu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản trong Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch không dừng lại là một thông điệp.
Lý do là đi cùng với đó là những chỉ tiêu rất cụ thể cho năm 2021, như lũy kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất...
Giải trình về các chỉ tiêu thực thi rất cụ thể, lần đầu tiên được đặt ra trong một nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chỉ tiêu được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả và dự kiến thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tín dụng, tài khoá đến tháng 6/2021 của các bộ, ngành liên quan.
Nhưng một cách thẳng thắn, với thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều và những khó khăn của doanh nghiệp đang đội lên hàng giờ, việc đặt ra chỉ tiêu cũng tạo áp lực, thúc đẩy việc tổ chức thực hiện và cả tốc độ thực thi, không chỉ ở các bộ, ngành, mà cả sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Yêu cầu tốc độ thực thi
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các đề xuất giải pháp đều rất cần, nhiều nội dung đã có, nhưng đòi hỏi từ doanh nghiệp lúc này là tốc độ.
“Tôi vừa làm việc với một số doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Họ nói chấp nhận chịu lỗ, thậm chí lỗ nhiều, để tiếp tục sản xuất, giữ được đơn hàng, giữ được thị trường. Nếu các giải pháp hỗ trợ đến kịp thời, các doanh nghiệp này sẽ không rơi vào thế đứt dòng tiền, không phải dừng hoạt động...”, ông Kiên nói.
Lý do lỗ của các doanh nghiệp đến từ chi phí tăng cao, gồm cả chi phí sản xuất khi công suất giảm tới 50% do các quyết định giãn cách để phòng, chống dịch của nhiều địa phương, chi phí thiết bị phòng, chống dịch... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn đường hàng không để xuất hàng, thay vì đường biển, với chi phí cao hơn 4-5 lần để kịp thời gian giao hàng theo yêu cầu của đối tác.
Trong tình thế này, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh mà Dự thảo Nghị quyết đặt ra ở hàng ưu tiên số 1 cần phải được thực hiện với tốc độ cao nhất, từ cấp trung ương đến địa phương. Tiếp ngay sau là nhóm nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn...
Hai nhóm giải pháp còn lại là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh và nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Các bộ, ngành và địa phương đều có nhiệm vụ rất cụ thể. Ví dụ, Chính phủ giao Bộ Y tế ban hành quy định hướng dẫn doanh nghiệp mua dụng cụ, thực hiện tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2021.
Bộ Giao thông - Vận tải được giao hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất luồng xanh vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi...
Dự thảo Nghị quyết cũng ghi rõ, không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, vật tư, nguyên liệu sản xuất, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Về việc xây dựng và áp dụng phương án, mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh an toàn phù hợp với diễn biến đại dịch - vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp đang rất quan tâm, Dự thảo Nghị quyết giao các địa phương và doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất, quyết định và chịu trách nhiệm về phương án, điều kiện tổ chức sản xuất - kinh doanh an toàn phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp đang rất chờ việc thực hiện giải pháp này, nhất là y tế tại chỗ, mô hình sản xuất phù hợp..., đặc biệt là khi TP.HCM đã có quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới ngày 15/9”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản chia sẻ.
Sẽ có 2 nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp
Nội dung của Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là một phần của Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trước đó.
Trong dự thảo xin ý kiến lần 1, các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm hai nhóm. Một là, nhóm các chính sách, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy
sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hai là, nhóm các chính sách, giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 (thay thế cho Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các vấn đề hỗ trợ trước mắt và dài hạn nếu để chung trong một nghị quyết sẽ khó thể hiện tính cấp bách, kịp thời của các chính sách, giải pháp cần thực hiện ngay. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh theo hướng trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết riêng. Trong đó, Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP sẽ được tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 9/2021 theo Chương trình công tác của Chính phủ năm 2021.
Theo baodautu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()