Theo tiến sĩ Qinchun Rao, giáo sư về thực phẩm và dinh dưỡng Đại học bang Florida (Mỹ), một số người rửa cá hồi để loại bỏ bụi bẩn, cát, hay lớp nhớt bên ngoài vì muốn sạch hơn, giảm mùi tanh và ướp gia vị hiệu quả hơn.
Thậm chí, công ty cá hồi Alaska, một thương hiệu lớn trong ngành hải sản, cũng khuyến nghị người tiêu dùng nên rửa nhẹ cá hồi trước khi chế biến, đặc biệt với cá được bảo quản đông lạnh hoặc mua ngoài chợ.
Ngược lại, cả Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đều không khuyến khích rửa cá tươi sống trước khi nấu.
Các tổ chức này cho rằng rửa dưới vòi nước chảy không những không loại bỏ được vi khuẩn mà còn có thể khiến vi khuẩn lan ra các khu vực khác trong bếp như mặt bàn, bồn rửa, dụng cụ nấu ăn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Razieh Farzad, chuyên gia an toàn hải sản tại Đại học Florida, cho rằng không chỉ cá hồi mà bất kỳ loại thịt sống nào cũng đều không nên rửa để giảm nguy cơ lây lan vi khuẩn gây bệnh.
Thực tế, việc rửa cá hồi không mang lại nhiều hiệu quả về mặt vệ sinh như nhiều người lầm tưởng. Các vi khuẩn gây bệnh như salmonella hay listeria chỉ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi cá được nấu chín tới nhiệt độ tối thiểu 63 độ C (tương đương 145 độ F), theo khuyến nghị của USDA.
Không những vậy, việc rửa cá còn có thể làm trôi đi lớp dầu tự nhiên và các hương vị đặc trưng của cá hồi.
"Cá hồi là loại cá giàu omega-3 và các loại dầu tốt cho sức khỏe. Việc rửa có thể khiến món ăn bị nhạt vị và mất độ béo tự nhiên", tiến sĩ Razieh nói.
Ý kiến ()