Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:05 (GMT +7)
CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân - Mô hình cần nhân rộng
Thứ 7, 30/07/2022 | 14:34:04 [GMT +7] A A
Đầu tháng 5/2022, CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân đã được ra mắt, đưa vào hoạt động thí điểm tại 5 phường trên địa bàn TP Hạ Long. Hoạt động của CLB nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, kịp thời quan tâm, hỗ trợ, động viên các nạn nhân, chung tay đẩy lùi tệ nạn.
Cùng với các CLB tại phường Hùng Thắng, Cao Xanh, Bạch Đằng, Hồng Gai, ngay sau khi ra mắt, CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phường Tuần Châu đã xây dựng kế hoạch hoạt động, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Bên cạnh đó, CLB cũng thường xuyên thăm hỏi các nạn nhân, kịp thời tư vấn cho đối tượng có nguy cơ cao, tổ chức sinh hoạt định kỳ.
Chị Đồng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân phường Tuần Châu, cho biết: Nhận thức được vai trò quan trọng của CLB, trong năm, chúng tôi sẽ tiếp cận tư vấn cho 20-120 lượt người là đối tượng đích (nạn nhân bị mua bán, người di cư trái phép từ nước ngoài trở về, người có nguy cơ trở thành nạn nhân...); mỗi thành viên vận động 2 đối tượng đích tham gia các hoạt động tuyên truyền; 50% đối tượng đích được chuyển gửi đến dịch vụ phù hợp. CLB cũng lập danh sách khảo sát, đánh giá về tình hình nạn nhân bị mua bán, người có nguy cơ bị mua bán tại phường, kết hợp tư vấn; lập sổ theo dõi, quản lý đối tượng đích; đánh giá kết quả thường xuyên.
CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là một hoạt động thuộc mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”. CLB nhằm tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người di cư trái phép từ nước ngoài trở về, người có nguy cơ trở thành nạn nhân, người có nhu cầu, dự định đi xuất khẩu lao động ở các nước phát triển; người thân của nạn nhân mua bán người. Đồng thời, từng bước tạo sự chuyển biến trách nhiệm mạnh mẽ của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; tạo cơ hội cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng bền vững; giảm thiểu tác hại của hoạt động mua bán người đối với đời sống xã hội.
Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, Ban chủ nhiệm CLB đều là người có uy tín tại tổ dân, khu phố, hoặc tham gia công tác đoàn thể ở phường. Các thành viên tham gia CLB là cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ tổ dân, khu phố; nạn nhân bị mua bán; người di cư trái phép từ nước ngoài trở về... Hằng năm, các CLB phấn đấu tư vấn cho 100-150 lượt người là nạn nhân bị mua bán, người di cư trái phép từ nước ngoài trở về; người có nguy cơ trở thành nạn nhân; người có nhu cầu, dự định đi xuất khẩu lao động ở các nước phát triển; người thân của nạn nhân mua bán người.
CLB cũng thường xuyên duy trì sinh hoạt Ban chủ nhiệm và các thành viên; đánh giá kết quả hoạt động trong tháng, phân công nhiệm vụ thống nhất nội dung hoạt động của tháng tiếp theo, nắm tình hình mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn. Đồng thời, tiếp cận, tư vấn cung cấp thông tin về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Vận động đối tượng đích tham gia các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hội thảo giúp nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người để không bị mua bán và di cư trái phép. Đồng thời, chuyển gửi đối tượng đích đến các dịch vụ phù hợp như tư vấn pháp luật, sinh kế, học nghề để họ ổn định cuộc sống.
Nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, nhận thức, các CLB cũng được tham gia nhiều hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng tiếp cận, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, đánh giá nhu cầu hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa nạn nhân bị tái mua bán hoặc trở thành tội phạm mua bán người.
Từ các CLB thí điểm được triển khai tại 5 phường của TP Hạ Long, tỉnh sẽ đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và nhân rộng tại địa bàn khác, qua đó, góp phần quan trọng vào việc phòng chống nạn mua bán người, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, giữ vững ổn định an ninh trật tự.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()