Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:07 (GMT +7)
Chuyện về nữ doanh nhân xây nhà trọ 0 đồng cho bệnh nhân nghèo
Chủ nhật, 25/02/2024 | 08:33:27 [GMT +7] A A
Hơn 5 năm qua, xóm trọ 0 đồng (tổ 51, khu 4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) đã trở thành ngôi nhà, mái ấm thứ hai đối với những bệnh nhân nghèo bị suy thận. Có lẽ khi đặt chân đến đây, ai ai cũng càng thấm thía câu ca dao, tục ngữ của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Bởi đó đâu chỉ là tình cảm yêu thương, đùm bọc ấm áp giữa những bệnh nhân dành cho nhau mà đó còn là tấm lòng, nghĩa cử đẹp, việc làm tử tế của chị Phạm Thị Thùy Dương (SN 1987) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển MNP, cùng những mạnh thường quân đã cùng xây dựng xóm trọ 0 đồng với mong muốn chung tay sẻ chia khó khăn với những mảnh đời bất hạnh.
Nơi tình người còn mãi
Chiều mùng 6 Tết chúng tôi đến thăm xóm chạy thận - nơi ở của những bệnh nhân suy thận cấp độ 4-5 và đang theo phác đồ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Khác với những khu trọ lân cận, nơi này cho bệnh nhân nghèo ở miễn phí nên mọi người còn gọi là xóm trọ 0 đồng. Sau ít ngày về nhà nghỉ Tết ngắn ngủi, các bệnh nhân đều đã quay lại xóm trọ bởi có lịch chạy thận từ mùng 2-3 Tết. Sống chung với căn bệnh quái ác khiến mọi người đã quen với việc chẳng thể có một cái Tết trọn vẹn với gia đình bởi lịch chạy thận 3 ngày/tuần kéo dài từ năm này sang năm khác.
Chia nhau từng cái bánh chưng, gói bánh, gói kẹo từ nhà mang lên, rôm rả kể cho nhau nghe câu chuyện ăn tết ở nhà mình, quê mình là cách mỗi bệnh nhân nghèo tìm thấy niềm vui, nụ cười sau những giờ chạy thận đầy mệt mỏi, đau đớn.
Là một trong hai người lớn tuổi nhất xóm, được bầu là tổ trưởng xóm trọ, bà Chu Thị Khang (63 tuổi, quê ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) như chất keo gắn kết những người trong xóm trọ. Bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người, hay hỏi han, trò chuyện khiến không khí xóm trọ luôn đầm ấm.
Bà Khang bộc bạch: “Mỗi người một hoàn cảnh, người lớn tuổi nhất đã hơn 60 tuổi, người trẻ nhất mới có 15 tuổi song hầu hết bệnh nhân chạy thận ở đây đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, tại các vùng sâu xa, huyện miền núi của tỉnh. Căn bệnh này khiến chúng tôi chẳng thể làm công việc gì, chỉ trông đợi vào gia đình, người thân nên áp lực kinh tế rất vất vả. Những người ở trong xóm trọ này trước kia thuê trọ ở gần khu trọ bệnh viện với giá khoảng 1 triệu đồng/tháng. May mắn nhờ có xóm trọ 0 đồng hơn 5 năm nay do gia đình chị Dương và các nhà hảo tâm xây dựng hỗ trợ các bệnh nhân nghèo, chúng tôi có một nơi ở miễn phí, giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị”.
Có thời gian chạy thận lâu nhất xóm trọ suốt 12 năm cũng là từng ấy thời gian chị Hoàng Thị Năm (52 tuổi, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) gắn bó với xóm chạy thận này. Sau nhiều năm chạy thận, đôi tay chị chằng chịt nổi gân cục bởi hàng trăm vết kim tiêm chọc vào tĩnh mạch để lọc máu. Cũng giống như bà Khang, chị Năm cũng mất 6 năm ở ghép phòng tại những khu trọ tập thể khác trước khi về với xóm trọ 0 đồng. Chi phí tiền phòng trọ và sinh hoạt, thuốc thang mỗi tháng cũng phải mất hơn 3 triệu đồng.
“Quả thật với chúng tôi - những người ở viện nhiều hơn ở nhà thì có được một mái ấm ở miễn phí, có một nơi để trở về thân quen như gia đình sau những giờ điều trị mệt mỏi, có mọi người cùng quấn túm, đùm bọc như này chẳng còn gì hạnh phúc hơn. Tôi và mọi người ở đây rất thoải mái, không còn đau đầu nghĩ về chi phí thuê trọ, chưa kể điều kiện sinh hoạt trước đây cũng rất hạn chế do chỉ có thể ở những khu trọ giá rẻ. Nhờ có không gian thoáng đáng, yên tĩnh, chúng tôi còn trồng thêm rau, nấu ăn chung vừa giảm được chi phí sinh hoạt, vừa đỡ đi cảm giác nhớ nhà” - chị Năm tâm sự.
Dù những bệnh nhân suy thận biết họ không có phép màu nào trong cuộc sống, dù vẫn hằng ngày đối diện với đau đớn, mệt mỏi, nhưng tình cảm trân quý, sự đùm bọc của những người vốn xa lạ đã giúp họ tìm được một mái ấm khác ngoài gia đình, giúp họ có thêm động lực, niềm tin để vượt lên bệnh tật, lạc quan sống.
Cho đi là còn mãi
Từ nhiều năm nay, vào các dịp cuối tuần hay đôi khi tranh thủ cuối giờ chiều sau khi hết giờ làm việc, vợ chồng chị Phạm Thị Thùy Dương không về nhà ngay mà cùng nhau qua thăm xóm trọ, nắm bắt tình hình sinh hoạt của các bệnh nhân đã trở thành việc làm quen thuộc. Không chỉ hỏi thăm, gửi chút bánh kẹo, hoa quả làm quà, mỗi lần đến thăm vợ chồng chị đều kiểm tra điều kiện ăn ở, sinh hoạt của các bệnh nhân để kịp thời sửa chữa hư hỏng, giúp mọi người có cuộc sống ổn định, thoải mái.
Ông Voòng Tắc Hếnh (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) đã gắn bó với xóm trọ gần 4 năm chia sẻ: Tôi cũng may mắn hơn các bệnh nhân ở đây, khi lên điều trị bệnh được giới thiệu về xóm trọ 0 đồng ở luôn mà không phải lang thang tìm nhà trọ. Trải qua 4 năm khó khăn nhưng luôn thấy tình cảm mọi người dành cho nhau chân tình, ấm áp. Vợ chồng cháu Dương luôn quan tâm các bệnh nhân như người nhà. Dù không ở gần nhưng có việc gì gọi điện, các cháu đều có mặt hỗ trợ kịp thời, chăm lo chu đáo nhu cầu sinh hoạt đến đảm bảo an ninh, an toàn... Không chỉ cho nhà ở miễn phí, các cháu còn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho mọi người ở xóm trọ. Những tình cảm này, chúng tôi luôn cảm kích và trân trọng vô cùng.
Chia sẻ về cơ duyên xây nhà trọ cho bệnh nhân suy thận nghèo ở miễn phí, chị Dương kể: Sau một lần đi từ thiện cho những bệnh nhân suy thận, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh éo le, thấy các bệnh nhân suy thận thật sự khó khăn khi phải trường kỳ sống trong cảnh thuê mướn để duy trì sự sống, tôi đã không ngừng trăn trở suy nghĩ mong muốn có một nơi ở giúp người bệnh cư trú không phải trả phí. Nghĩ là làm, tôi bắt tay vào tìm mua một khu đất gần bệnh viện và cải tạo dành cho bệnh nhân ở và từ đó xóm trọ 0 đồng ra đời. Cũng có không ít những nghi ngại từ nhiều người xung quanh nhưng tôi nghĩ đó là cái duyên với mình khi biết đến và có thể giúp đỡ một phần nào đó những người có hoàn cảnh khó khăn trong khả năng của mình.
“Khi xây dựng nên xóm trọ 0 đồng này, điều tôi thấy vui và hạnh phúc hơn cả không chỉ là hoàn thành được mong muốn giúp đỡ các bệnh nhân nghèo mà việc làm ý nghĩa này được lan tỏa. Tôi được rất nhiều anh chị em, nhà hảo tâm cùng quyên góp, hỗ trợ, mua vật dụng, sơn tường, các đồ dùng sinh hoạt như tivi, tủ lạnh… dành tặng cho các bệnh nhân. Và đến bây giờ, sự hỗ trợ ấy dù ít dù nhiều vẫn được duy trì, mang đến thêm niềm vui nho nhỏ, động lực để các bệnh nhân vượt qua khó khăn, nghịch cảnh” - Chị Dương chia sẻ thêm.
Đây không phải lần đầu vợ chồng chị Dương làm những công việc thiện nguyện như thế này. Từ trước khi có xóm trọ 0 đồng, hằng năm gia đình chị vẫn ủng hộ gạo, nhu yếu phẩm cho các em nhỏ tại Cơ sở bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, tham gia các chuyến thiện nguyện tại các địa phương khó khăn của tỉnh… Chị Dương cũng đang chuẩn bị các điều kiện để sớm triển khai hoạt động nấu cháo dành tặng miễn phí cho các bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời gian tới đây.
Không dừng lại ở đó, khi được hỏi về những mong muốn của mình, chị Dương vẫn đau đáu dự định có thể kết nối, tìm được thêm những công việc phù hợp với điều kiện, tình hình sức khỏe để các bệnh nhân có thể làm tạo thêm thu nhập ổn định cuộc sống tốt hơn. Và xa hơn, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng ở trụ sở mới, chị có thể tìm một vị trí phù hợp để tiếp tục đồng hành, mang đến những xóm trọ 0 đồng dành cho các bệnh nhân khó khăn.
Chia tay xóm trọ, ẩn sau dáng vẻ tiều tụy của mỗi bệnh nhân vẫn là ánh mắt hy vọng, là nụ cười lạc quan bởi họ tin rằng, bên cạnh họ sẽ luôn có những tấm lòng tốt, những việc làm tử tế của chị Dương và những nhà hảo tâm. Còn với chị Dương “chỉ cần thật tâm, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mất đi khi chia sẻ những gì mình có, vì cho đi là còn mãi!”.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()