Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:41 (GMT +7)
Chuyện về những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ thầm lặng
Thứ 5, 26/08/2021 | 08:25:26 [GMT +7] A A
Băng qua những đám cháy rực lửa, dầm mình trong dòng nước lũ, xông pha vào những khu vực sạt lở…, là hình ảnh quên mình của những chiến sĩ cảnh sát cứu nạn, cứu hộ. Bất kể ngày đêm, họ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu người, cứu tài sản. Họ chính là những anh hùng giữa thời bình với bao chiến công thầm lặng.
Chạy đua với “tử thần” để cứu người
Đêm 11 rạng 12/8/2021, trời mưa như trút. Sau mấy ngày mưa liên tiếp, nước đổ xuống chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí mỗi lúc một lớn hơn.
Giữa lúc trời vẫn nhá nhem tối, tiếng mưa ào ào, 5h09’, Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 nhận được tin báo từ một người dân: Mưa lớn gây sạt lở bờ kè tại khu vực tổ 8, khu 4, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), vùi lấp một lán tạm của công nhân xây dựng ngay phía dưới, hiện có người bị vùi bên trong.
Những thông tin tai nạn chỉ vỏn vẹn vài dòng ngắn ngủi, vừa được xác thực đã khẩn cấp giục CBCS Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, lên đường. Không chỉ những người trực ca hôm ấy, mà từ lãnh đạo, chỉ huy đến CBCS của Phòng đều lập tức có mặt. Đúng 5h10’, Thượng tá Trần Huy Nghị, Trưởng Phòng, trực tiếp chỉ huy, điều động 50 CBCS cùng các phương tiện có mặt tại hiện trường vụ tai nạn chỉ sau 10 phút.
Thượng úy Phạm Đức Long, Đội trưởng Đội công tác CC&CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH), kể lại: “Thông thường 5h30' đơn vị mới có kẻng báo thức để anh em dậy thể dục, đọc báo buổi sáng, nên khi nhận tin báo, nhiều CBCS vừa thức giấc, còn chưa kịp vệ sinh cá nhân. Nhưng rất nhanh chóng, tất cả đã tập hợp để lên đường làm nhiệm vụ”.
“Hôm ấy không phải ca trực của tôi, nhưng như một thói quen nghề nghiệp bao năm nay, tôi thấy đây là vụ việc khá phức tạp, nên vội lao đi để hỗ trợ đồng đội. Với chúng tôi ngày nghỉ cũng như ngày đi làm, ở nơi nào cần, chúng tôi sẽ có mặt ngay!” - Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng, Đội phó Đội CC&CNCH khu vực trung tâm, chia sẻ.
Tại hiện trường, trời vẫn mưa, một gò đất cao, rộng tới 100m2 vừa được tạo thành với khối lượng gần 200m3 đất đá bờ kè sạt xuống, ở nơi vốn là lán tạm của những công nhân xây dựng. Khi những người lính CNCH có mặt, đã chẳng còn thấy dấu hiệu của người hay lán. Từ thông tin của người dân về việc 4 người bị vùi lấp trong đống đổ nát khi đang say ngủ, và vị trí của các nạn nhân, một tổ trinh sát đã được thành lập nắm bắt thông tin tình hình vụ việc, cũng như tìm kiếm vị trí gặp nạn của các nạn nhân.
“Từ trinh sát hiện trường, chúng tôi phát hiện 1 nạn nhân còn tín hiệu phản hồi qua âm thanh kêu cứu yếu ớt. Một tia sáng lóe lên! Bởi vậy, dù trời mưa vẫn to, dù phía trên bờ kè sạt lở còn 4 ngôi nhà và nhiều mảng tường đá lỏng lẻo có nguy cơ tiếp tục sạt xuống, nguy hiểm cận kề với anh em CNCH ở phía dưới, nhưng có thêm động lực, chúng tôi ngay lập tức lên phương án để tìm cách giải cứu nạn nhân” - Thượng tá Mai Văn Anh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, cho biết.
Lúc này, các anh thực sự phải chạy đua với “tử thần” để cứu bằng được nạn nhân còn sống sót. Rất nhanh chóng, chiến thuật CNCH đã được lên; sơ đồ vị trí các nạn nhân được vạch ra. Như bất kỳ người lính nào ra trận, các anh được chia thành nhiều mũi với các nhiệm vụ khác nhau.
Do đường đi tiếp cận khu vực xảy ra sự cố dốc, ngõ hẹp, xe CNCH và các phương tiện CNCH có kích thước lớn không thể tiếp cận, nên chỉ huy CNCH đã huy động 1 máy xúc cỡ nhỏ của nhà dân gần đó để tiến hành kéo lớp đất, đá phía trên khu vực bị vùi lấp, nhằm tiếp cận các nạn nhân nhanh hơn.
Cứ thế, dưới cơn mưa tầm tã, khi máy xúc cào hết lớp đất đá phía trên sát đến phần mái tôn của lán, các chiến sĩ tiếp tục lội mưa và bùn đất để cuốc, xúc đất; đồng thời cũng phải rất khéo léo để đỡ tác động lên nạn nhân phía dưới. Thiết bị banh cắt thủy lực, máy cắt kim loại để cắt khung thép và mái tôn nhằm mở lối tiếp cận nạn nhân đã được sử dụng. Không những thế, để tiếp oxy cho nạn nhân, các chiến sĩ đã bằng mọi cách luồn ống dẫn của bình dưỡng khí vào đúng vị trí nạn nhân gặp nạn.
Sau khi tiếp cận được nạn nhân còn sống, với nỗ lực hết mình, CBCS sử dụng những thiết bị cần thiết nhất để nâng các vật nặng, tạo khoảng không, giảm tải trọng đè lên nạn nhân; người thì trực tiếp dùng tay để gỡ những viên đá, những mảnh tôn. Và rồi, giữa đống đổ nát của đất đá, khung thép, mái tôn sắc lẹm, người đàn ông duy nhất sống sót trong trận sạt lở đã từ từ được đặt lên cáng, đưa ra ngoài đi cấp cứu. Hơn 3 tiếng đồng hồ trôi qua cũng là những giờ phút cực kỳ căng thẳng với bất kỳ người lính CNCH nào, bởi người cần cứu vẫn dưới đất đá và nguy hiểm thì vẫn “treo” ngay bên cạnh các anh. Nhưng đến giây phút này, niềm vui như vỡ òa trong cơn mưa nặng hạt.
“Tìm được thi thể nạn nhân đầu tiên lúc 7h28’, anh em chúng tôi không khỏi buồn, xót xa! Nhưng đến khi cứu được nạn nhân thứ hai còn sống, ai cũng mừng vô cùng. Một chiến sĩ đã cởi bỏ mũ bảo hộ để nhường cho nạn nhân đội tránh đất đá rơi vào đầu. Giờ phút đó dù mệt, dù đói, người ướt sũng nước nhưng anh em lại có thêm hy vọng để tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân tiếp theo” - Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng tâm sự.
Đến gần 9h sáng, 2 nạn nhân cuối cùng đã được đưa ra khỏi khu vực sạt lở trong sự nỗ lực vượt hiểm nguy, khó khăn của lực lượng CNCH. “Không thể cứu thêm người nào còn sống, nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để họ không phải chịu “đau” thêm một lần nữa”.
Những chiến công quả cảm
Nhiều năm qua, các chiến sĩ PCCC&CNCH của Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm nên những chiến công mà không phải ai cũng biết tới. Công cuộc chạy đua với thời gian, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết để cứu người, chưa bao giờ là đơn giản. Các anh đã có mặt tại nhiều điểm nóng cháy nổ, mưa lũ, sự cố thiên tai… để giúp dân khắc phục hậu quả, bảo vệ tính mạng và di chuyển tài sản của người dân đến nơi an toàn.
Còn nhớ, năm 2015, đợt mưa lụt lịch sử tại Quảng Ninh đã khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều tài sản bị cuốn trôi; trong đó, có những vụ sạt lở đất đá khiến nhiều nạn nhân trong một gia đình phải bỏ mạng. Cũng chính các anh đã có mặt trong những giây phút nguy hiểm nhất, băng qua dòng nước lũ, đất đá, bùn lầy để tìm kiếm các nạn nhân.
Nhiều năm trong nghề, Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng kể: "Thời điểm đó, vì mưa lũ nhiều ngày, anh em chiến sĩ tham gia CNCH nhiều lúc đuối sức, nhưng vẫn cố gắng giúp đỡ người dân mắc kẹt trong lũ và tìm kiếm các nạn nhân. Cái tâm nghề nghiệp không cho phép chúng tôi bỏ cuộc. Có những chiến sĩ trẻ vừa mới về đơn vị được mấy ngày, đang trong thời gian huấn luyện nghiệp vụ, vụ việc đầu tiên chính là trực tiếp tìm thi thể các nạn nhân xấu số, không tránh khỏi cảm giác “sợ”. Nhưng là những người đi trước, chúng tôi liên tục động viên, hướng dẫn kỹ năng và “truyền lửa” cho các em chuyên tâm thực hiện nhiệm vụ”.
Thống kê trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 27 sự cố, tai nạn được lực lượng công an tổ chức CNCH. Trong đó có 1 vụ TNGT, 11 vụ tai nạn đuối nước, 5 vụ tai nạn cháy nổ, 3 vụ tai nạn mắc kẹt trong nhà, 4 vụ tai nạn có người bị mắc kẹt trên cao, dưới sâu, 1 vụ sạt lở đất đá, 2 sự cố, tai nạn khác. Trong các sự cố, các anh đã hướng dẫn thoát nạn an toàn cho 48 người, trực tiếp cứu sống được 5 người cùng nhiều tài sản của nhân dân, tìm được 15 xác nạn nhân. Những con số biết nói ấy chính là minh chứng cho thấy công việc vất vả và sự nỗ lực không mệt mỏi của những chiến sĩ CNCH quả cảm trong cuộc chiến giành lại sự sống, sự an toàn cho người dân.
Mỗi tai nạn, sự cố nguy hiểm xảy ra là mỗi tình huống khác nhau; đồng nghĩa với việc các anh phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp. Với chiến sĩ CNCH, bản lĩnh, lòng quả cảm và sự linh hoạt, mưu trí là yếu tố vô cùng cần thiết khi làm nhiệm vụ. Đặc thù công việc nguy hiểm, độc hại, đặt ra yêu cầu rất cao, buộc họ phải nắm bắt được từ kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân, kỹ năng sử dụng thiết bị chuyên dùng, đến kỹ năng thoát hiểm… và có được sức khỏe dẻo dai. Không chỉ CNCH trên bờ, với các sự cố, tai nạn dưới nước lại càng khó khăn hơn nhiều lần. Để đối mặt với những hiểm nguy, vất vả ấy, mỗi người lính CNCH đều đã phải đổ mồ hôi, cả những giọt nước mắt trên thao trường tập luyện.
Thiếu tá Vương Đức Thọ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, chia sẻ: “Theo nghề CC&CNCH, mỗi CBCS đều phải ít nhiều hy sinh những nhu cầu, sở thích cá nhân, bởi môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại, lịch trực dày đặc, thậm chí cả ngày nghỉ cũng phải sẵn sàng có mặt khi có vụ việc xảy ra. Yêu cầu trong nghề của chúng tôi là chỉ sau 2 phút người được phân công nhiệm vụ phải lên đường. Do đó, mỗi người đều phải rèn luyện thường xuyên, hằng ngày để có được kỹ năng đa dạng và rèn luyện cả tinh thần để chịu được sức ép công việc; để có được bản lĩnh, sự bình tĩnh. Không có trường lớp nào đào tạo bài bản nghề CNCH, trường học duy nhất giúp CBCS giỏi nghề chính là va chạm thực tiễn, người đi trước dìu dắt, dạy người đi sau. Để trong những lúc khó khăn nhất, chiến sĩ CNCH luôn bên nhau vượt qua gian nguy, bằng mọi giá đưa được nạn nhân trở về bên gia đình”.
Ở những nơi nguy hiểm, khi người gặp nạn cố gắng thoát ra thì những chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH phải lao vào biển lửa, dòng nước lũ, đất đá sạt lở… Không ít lần họ “chạm mặt với tử thần”, mệt mỏi, kiệt sức.
Dẫu biết nghề CNCH lắm hiểm nguy, dẫu còn những thiếu thốn khi nhiều CBCS chưa có đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn, song các anh - những người lính CNCH luôn sẵn sàng lên đường, sẵn sàng xả thân, cố gắng hết sức mình vì sự bình yên, an toàn của nhân dân!
Ngọc Linh - Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()