Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:56 (GMT +7)
Chuyện về cây tùng, cây phong ba và những chú chim nơi đảo xa
Chủ nhật, 02/04/2023 | 14:13:47 [GMT +7] A A
Cô Tô biển xanh, cát trắng, nắng vàng… vốn là thương hiệu du lịch của đảo ngọc tiền tiêu này. Nhưng ở một góc khác, Cô Tô lại có những giá trị về thực vật cũng rất đặc sắc mà chúng tôi đã được nghe các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ trong chuyến khảo sát về đa dạng sinh học, vào dịp trung tuần tháng 3 vừa qua.
Hàng phong ba ở rừng chõi
Đi Cô Tô, hiếm du khách nào chưa nghe tới khu rừng chõi nguyên sinh tại xã Đồng Tiến. Vì thế, TS Nguyễn Thế Cường và TS Nguyễn Quốc Bình là những chuyên gia nghiên cứu về thực vật của Viện đã cùng mấy bạn trẻ trong đoàn tới khu rừng chõi để xem xét thêm. Thực ra, TS Nguyễn Thế Cường đã từng nghiên cứu về cây chõi nên để mặc chúng tôi “tác nghiệp”, còn anh lang thang sang bên kia đường, nơi có bãi cát vàng đang phô ra do triều kiệt.
Đang mải mê ngắm điểm check in độc đáo này với những cây chõi cao lớn, dáng thế vặn vẹo khá độc lạ, thì bất ngờ chúng tôi nghe tiếng reo lên, rõ là sự vui mừng không che giấu của cô nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ Diệu Thuý. Thuý nghiên cứu về ốc cạn, cô đang mê mải nhặt những vỏ ốc nhỏ xíu lẫn trên nền cát và thảm lá khô dưới gốc những cây chõi. Cô cười tươi rói bảo: Em tìm mãi trên đồi không thấy, không ngờ tới đây lại thấy vỏ ốc cạn nhiều như thế. Ít nhất là có tới 3 loài ở đây…
Chúng tôi còn đang vui mừng cho Thuý thì từ bên kia rừng chõi, TS Nguyễn Thế Cường lại vui vẻ khoe: Ra bãi biển thư giãn tí, tình cờ phát hiện ra hàng phong ba rất hiếm nhé… Quả thật, quan sát suốt dọc bãi biển nhìn hút tầm mắt này, những cây phong ba lớn mọc rất nhiều, tán xoè rộng tới cả chục mét. Thân cây cong queo, nhiều chi, nhánh và đều vươn mình hướng ra phía biển...
TS Cường giải thích: Cây phong ba là biểu tượng của Hoàng Sa, Trường Sa vì sức sống mãnh liệt của nó. Nhưng không phải ở đâu cây cũng sống được và còn phân bố thành quần thể như ở Cô Tô. Cây phong ba đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Cây ở đây vươn mình ra hướng biển là nơi có nắng, vì hướng còn lại bị che khuất bởi khu rừng chõi. Cây sống ở bãi cát mặn nên sức sinh trưởng chậm, nhìn những cây này ước được khoảng mấy chục năm tuổi rồi.
Cây tùng ở Cô Tô
Cây tùng La hán được xem là biểu tượng của Cô Tô. Người dân nơi đây tự hào về cây tùng bao nhiêu thì cũng yêu quý mà trồng nhiều cây làm cảnh bấy nhiêu. Không chỉ ở công viên tùng, khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo mà chỉ chạy xe qua những tuyến đường nơi đây, chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy, cây tùng được trồng làm cảnh rất phổ biến trong các gia đình. Cô Tô tự hào là nơi duy nhất được Bác Hồ cho dựng tượng Người khi còn sống, vì vậy trong dịp đầu tháng 2 vừa qua, đoàn cán bộ của Cô Tô đã về dâng hương và trồng 102 cây tùng Cô Tô lưu niệm tại khu di tích K9 Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội) - một trong những địa danh lịch sử đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi qua đời.
Kể như vậy để trở lại câu chuyện với TS Cường. Còn nhớ, dọc đường chúng tôi đến rừng chõi, đột ngột anh dừng xe lại chỉ để vào gia đình bên đường ngắm nghía một cây tùng khá lớn với vô số chùm nón đực (hoa đực) ở đầu cành rồi xin nhà chủ cắt một cành nhỏ về làm mẫu.
Chia sẻ với chúng tôi, anh bảo ở đây rất nhiều gia đình trồng tùng La hán làm cảnh, ai cũng bảo là tùng Cô Tô. Tuy nhiên, khi hỏi người dân là ở trên rừng có cây tùng La hán không thì nhiều người đều bảo không còn, nếu có thì bà con đã đào về trồng làm cảnh rồi(?) Hiện nay, cây tùng La hán tương đối có giá trên thị trường, như vậy, nguy cơ về việc cây tùng La hán ở Cô Tô tuyệt diệt trong tự nhiên là rất cao. Cùng với đó thì nhận định rằng cây tùng La hán là cây bản địa ở Cô Tô cũng không có cơ sở...
Trăn trở mãi với câu hỏi này, ngày hôm sau, anh cùng đồng nghiệp tiếp tục hỏi thăm những người dân thông thạo về rừng ở Cô Tô. Hy vọng le lói là có người bảo còn những cây con ở trên rừng, thế là lập tức các anh chạy xe cùng đến tận cuối đảo để kiểm chứng.
Gặp chúng tôi, anh hồ hởi chia sẻ: Chúng tôi đã tìm thấy 3 cây tùng La hán con mọc ở trong rừng và chụp ảnh lại. Anh cũng cho biết thêm là qua quan sát thực tế giữa cây tùng La hán Cô Tô và cây tùng La hán nhập khẩu (Trung Quốc) trồng tại Cô Tô thì thấy có sự khác biệt. Lá cây tùng Cô Tô nhỏ hơn, bản dầy hơn so với cây tùng nhập khẩu. Như vậy đã có thể khẳng định, cây tùng La hán là cây bản địa ở Cô Tô, vẫn còn phân bố trong tự nhiên.
Đôi điều trăn trở
Qua trò chuyện, các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho hay, việc khảo sát, nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Cô Tô những năm qua được thực hiện tương đối ít. Vì vậy đợt này, đoàn dành khoảng 5 ngày để khảo sát về chim, thú nhỏ, thực vật trên cạn, các loại côn trùng, bò sát, ếch nhái và các loại thuỷ sinh ở 2 đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân.
Do đặc thù công việc, chúng tôi phải rời đoàn trở về đất liền sớm hơn. Không lâu sau thì thông tin, hình ảnh về tấm lưới giăng dài để bẫy chim trời đã được TS Lê Mạnh Hùng, một chuyên gia nghiên cứu về chim hoang dã của Viện, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam, chia sẻ.
Quan sát đoạn video anh gửi, chúng tôi nhận thấy, tấm lưới lớn được chăng ngang khu bãi triều dài tới cả trăm mét và cao gần chục mét để bẫy chim. Anh xót xa bảo: Họ giăng lưới chủ yếu bắt mấy con cuốc, giẽ giun, gà nước để bán làm mồi nhậu là chính. Trên lưới có cả chục con chim bị mắc lưới nhưng vì nhỏ quá, họ không thèm gỡ, đã chết khô. Nhóm cố gắng cắt lưới, cứu được một con hoét lưng xám mới vào lưới còn sống thôi…
Nhớ lại hôm trước, khi chúng tôi đến nơi anh đang quan sát chim ở khu vực bãi triều thuộc xã Đồng Tiến để tìm hiểu, anh đã chia sẻ nỗi trăn trở về vấn nạn săn bắt chim trời làm mồi nhậu trong các quán ăn ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay, khiến cho nhiều loài chim rơi vào nguy cơ biến mất. Ở Cô Tô, anh đã chụp được hình ảnh chú sẻ đồng ngực vàng là loài chim di cư từ phương Bắc và chỉ có khoảng 5 chục cá thể chim này di cư tới Việt Nam hàng năm. Anh cũng chụp được con diều hâu lớn đang giang cánh trên bầu trời Cô Tô.
Anh bảo, đây vốn là loài chim xưa kia thấy rất nhiều ở các làng quê nước ta nhưng hiện nay cũng rất hiếm hoi vì đồng ruộng sử dụng chất bảo vệ thực vật nhiều nên nguồn thức ăn của nó (chim, cò, ếch, nhái, chuột, rắn…) không còn nhiều…
Như vậy, mặc dù không quá đặc biệt về đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim, nhưng trong rừng hay trên biển ở Cô Tô đâu đó vẫn nghe lảnh lót những tiếng chim. Ngăn chặn việc săn bắt các loài chim trời, nhất là việc giăng lưới tận diệt chúng như kể trên rất cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời, góp phần cho một Cô Tô đảo xanh từ xanh trời, xanh biển, xanh cả những tiếng chim…
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()