Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 14:46 (GMT +7)
Chuyện về bức chân dung huyền thoại Bác Hồ trong bảo tàng Quảng Ninh
Thứ 2, 18/05/2020 | 09:13:33 [GMT +7] A A
Ở Bảo tàng Quảng Ninh, nơi có không gian trưng bày những kỷ niệm về Bác, có một bức tượng Bác Hồ được đúc bằng đồng, vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi, lại khiến người ta muốn tìm hiểu...
Những kỷ vật nhuốm màu thời gian...
Phòng lưu niệm Bác Hồ tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
Chúng tôi có dịp tới thăm phòng lưu niệm Bác Hồ, bảo tàng Quảng Ninh nhân kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác. Bước chân vào căn phòng ấy, một cảm giác quá đỗi thân thương, gần gũi, một nỗi xúc động trào dâng đến nghẹn ngào, bởi những hình ảnh, kỷ vật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã ăn sâu vào tiềm thức của những người con đất Việt.
Giữa không gian ấm cúng ấy là hình ảnh Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân, chiến sĩ, học sinh vùng Mỏ, tái hiện bằng bức tượng đồng trang trọng. Ở góc bên trái, một bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc; một chiếc giường Bác đã từng ngả lưng năm xưa; bộ quần áo kaki Bác mặc. Ở góc bên phải, chiếc mũ hải quân Bác đội khi thăm đảo Titop; chiếc micro Bác nói chuyện ở sân trường cấp III Hòn Gai những năm 60, đó là những kỷ vật chứa đầy ắp yêu thương, trân trọng, những tình cảm nồng ấm, tự hào của người dân vùng Mỏ đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Một góc không gian trưng bày trong phòng lưu niệm Bác Hồ tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
Những kỷ vật nhuốm màu thời gian, dẫu Người đã đi xa nhưng hơi ấm như vẫn còn ở lại... Chúng tôi như lạc vào thế giới của những ngày xưa cũ, qua giọng kể trầm ấm, xúc động của cô thuyết minh viên.
Trong căn phòng ấy, có bức tượng bằng than đá của người công nhân mỏ năm nào vì yêu kính Bác mà tạc nên từ những ngày Bác còn sống. Có bức tượng thạch cao sần sùi, thô ráp nhưng rõ từng đường nét, góc cạnh, như tình yêu vụng về của một người nghệ sĩ xứ lao động dành tặng cho Người, trong nỗi đau buồn khi nghe tin Người đã đi xa.
Bức tượng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê sáng tác đặt tại Bảo tàng Quảng Ninh. |
Bức chân dung huyền thoại...
Bước chân chúng tôi dừng lại trước bức tượng Bác được tạc bằng đồng, đặt trang trọng ở một vị trí dễ nhìn. Thẳm sâu trong đôi mắt, gương mặt toát lên thần thái của vị lãnh tụ năm xưa, dường như chứa đựng biết bao tâm tư, trăn trở vì nước, vì dân của người cha cả đời cống hiến cho sự thống nhất đất nước, cho tự do của nhân dân. Đó thực sự là một tác phẩm hoàn hảo, một đứa con tinh thần đầy tâm huyết, tình cảm, và chỉ có thể được sinh ra bởi lòng kính yêu nhất mực của một nghệ nhân.
Thấy chúng tôi chăm chú vào bức tượng vốn đã rất quen thuộc ấy, chị Nguyễn Thị Xiêm, Trưởng phòng Kiểm kê – Bảo quản, Bảo tàng Quảng Ninh, chia sẻ: "Thật ra, bức tượng này không lạ, bởi đó là mẫu tượng chân dung Bác được trưng bày thống nhất trong các hội trường trên toàn quốc. Thế nhưng, bức tượng này đặc biệt ở chỗ được sáng tác lần đầu bởi một sinh viên chưa từng gặp Bác, mà sau này trở thành một nghệ sĩ cả đời tạc tượng Bác Hồ. Nghệ sĩ ấy hiện đang sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh. Thế nhưng, đã từng có thời điểm, người nghệ sĩ ấy không được công nhận. Mãi về sau này, ông mới tìm lại những gì là tâm huyết mình bỏ ra để sáng tác nên một tác phẩm để đời". Đó là câu chuyện của nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê, cựu cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh.
Nhiều du khách muốn tìm hiểu về bức tượng chân dung Bác Hồ. |
Câu chuyện của chị Xiêm cuốn hút chúng tôi, từ cái cách mà cậu sinh viên năm xưa sáng tác, cho đến chuyện về một người cả đời tạc tượng Bác Hồ dù chưa một lần gặp mặt. Và cuộc hành trình tìm đến tác giả của bức tượng chân dung Bác Hồ đang được sử dụng rộng rãi, thống nhất trên toàn quốc của chúng tôi bắt đầu.
...Và câu chuyện của người nghệ sĩ cả đời tạc tượng Bác Hồ
Trong con hẻm nhỏ ở trung tâm TP Hạ Long, chúng tôi không khó để tìm đến địa chỉ ông Kiều Sỹ Khuê, bởi, ngay bên dưới tầng 1 có đặt các bức tượng do chính ông điêu khắc. Đón chúng tôi là một người đàn ông gần 80 tuổi, giọng nói trầm ấm, gương mặt toát lên vẻ phúc hậu, ấm áp. Tôi như lạc vào căn phòng chứa nhiều bức tượng được điêu khắc bởi các chất liệu khác nhau, trong đó đa phần là tượng Bác Hồ.
Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê xúc động kể câu chuyện về những bức tượng mình sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Giữa không gian ấy, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và người nghệ sĩ già gốc Hà Tĩnh bắt đầu với những câu chuyện gắn liền với từng sáng tác của ông về Bác. Bắt đầu điêu khắc tượng Bác từ năm 1969, cho đến nay, sau 51 năm, ông đã sáng tác được 25 công trình nghệ thuật, tranh, tượng, phù điêu về Bác. Từ mỗi phôi, khuôn ấy, hàng chục, thậm chí hàng trăm bức tượng Hồ Chủ tịch đã ra đời.
Năm 1969, khi còn là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chàng sinh viên Kiều Sỹ Khuê năm ấy đã sáng tác tác phẩm đầu tiên về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Tôi nhớ hôm ấy, chúng tôi đang đi thực tế xây dựng tượng đài ở Hiệp Hoà (Hà Bắc). Nghe tin Bác qua đời, chúng tôi đều chẳng thể kìm nén được cảm xúc của mình. Trong lúc run rẩy ấy, tôi đã sáng tác bức tượng chân dung Bác Hồ đầu tiên. Chưa từng gặp mặt, những hình dung của tôi về Bác chỉ qua những bức ảnh chụp. Vì thế, cái khó ở chỗ mỗi bức ảnh, mỗi người lại chụp ở những góc, những thời điểm khác nhau. Bởi thế, sản phẩm đầu tay không ưng ý, tôi quyết định tạc bức thứ hai vào năm 1970. Đó cũng là mẫu chân dung được sử dụng nhiều nhất đến tận bây giờ", Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê nhớ lại.
Chân dung Bác Hồ qua đôi tay khéo léo của chàng sinh viên Mỹ thuật năm xưa. |
Bức chân dung vát vai, cao 43cm, chất liệu thạch cao, ngay khi hoàn thành đã được chính các thầy cô, bạn bè và nhiều nghệ sĩ đánh giá cao. Kiều Sỹ Khuê khi ấy được nhà trường giao nhân bản thành 20 bức tượng để dùng làm quà tặng cho các nghệ sĩ. Sau nhiều lần nhân bản, số bức tượng được tạc từ khuôn đầu tiên này đã lên đến 65 bản. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp, ông để lại trường toàn bộ phôi, khuôn mẫu, sau đó bị thất lạc một thời gian, cho đến khi ông đích thân đi tìm lại đứa con tinh thần của mình.
Dường như đã thổi hồn vào tác phẩm, bức tượng do chính tay chàng sinh viên Kiều Sỹ Khuê sáng tác khi ấy đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chọn mua làm mẫu cho việc xây dựng bộ tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để thống nhất đặt tại các hội trường tổ chức các sự kiện chính trị trong toàn quốc. Theo đánh giá của hội đồng thẩm định, tác phẩm này đã thể hiện rõ nét không chỉ chân dung, đường nét, mà còn toát lên được cái thần của Bác, đồng thời đảm bảo bố cục và mang tính nghệ thuật cao.
Khi chúng tôi thắc mắc về bức tượng đồng đặt trong Bảo tàng Quảng Ninh có chữ ký "Kiều Sỹ Khuê" gắn với năm 2015, ông Khuê nói "Lúc đó, theo đặt hàng của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh, chân dung Bác được tạc lại với chất liệu bằng đồng cho phù hợp với không gian trưng bày".
Gần 80 tuổi, nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê vẫn ấp ủ tâm huyết sẽ làm chân dung Bác Hồ qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ với Quảng Ninh. Cả đời ông có đến 51 năm tạc tượng Bác Hồ và chưa hề có ý định dừng lại. Đối với người nghệ sĩ già ấy, chỉ e thời gian không cho phép, bởi tình yêu với Bác, cũng như tâm huyết tạc tượng Bác dường như đã ăn sâu vào máu, khiến ông cả đời trăn trở, cả đời đam mê...
Hằng Ngần
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()