Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:28 (GMT +7)
Chuyện đầu tư thiết bị phát sóng truyền hình
Thứ 7, 13/01/2024 | 13:46:39 [GMT +7] A A
Ngày 2/9/1983, kênh truyền hình Quảng Ninh chính thức được lên sóng, đánh dấu sự hình thành và phát triển các kênh sóng truyền hình Quảng Ninh của Trung tâm Truyền thông tỉnh ngày nay. Để có được dấu mốc quan trọng đó, trong những câu chuyện kể của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và nguyên cán bộ Đài PT-TH Quảng Ninh đều có nhắc đến sự quyết tâm của tỉnh với việc đầu tư mua sắm thiết bị phát sóng truyền hình trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhằm mang đến cho nhân dân những thông tin hữu ích, đáp ứng sự kỳ vọng của quá trình đổi mới của đất nước.
Theo lời kể của ông Phạm Hoành, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, tháng 7/1982, Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn công tác phát triển văn hóa, văn nghệ, phát thanh, truyền hình đã xác định, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, biên giới, miền núi, hải đảo và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, Thường vụ đặt quyết tâm xây dựng Đài truyền hình tỉnh nhằm tuyên truyền, cổ động, khích lệ toàn dân phát triển KT-XH và đảm bảo chủ quyền an ninh Tổ quốc. Thường vụ giao UBND tỉnh lập phương án và có kế hoạch triển khai cụ thể.
Với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh, ông Phạm Hoành đã mạnh dạn lên Thủ đô Hà Nội gặp gỡ, trao đổi, trình bày với ông Trần Lâm, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Trung ương thời bấy giờ và đề nghị có kế hoạch giúp đỡ tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đài truyền hình. Sau khi trao đổi, thống nhất với những người được giao hỗ trợ tỉnh xây dựng Đài truyền hình, ông Phạm Hoành đã về báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, được thống nhất giải quyết 3 vấn đề (máy móc thiết bị, đào tạo cán bộ và ngoại tệ mua thiết bị); đồng thời thống nhất mua máy phát hình của hãng Thomson (Pháp), vừa tốt, vừa thuận lợi hơn, với giá ngoại tệ là 60.000 USD.
Trong cuốn kỷ yếu lịch sử 60 năm Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh được in vào tháng 8/2016, ông Phạm Hoành chia sẻ: Cá nhân tôi cùng ông Trần Lâm, ông Đặng Trung Hiếu (Giám đốc Viện nghiên cứu kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình TP Hồ Chí Minh), cùng nhiều người khác đã tham khảo tài liệu của một số nước có công nghệ truyền hình phát triển, như Nhật, Pháp và Đức. Sau khi bàn bạc, đã thống nhất mua máy phát hình của Pháp, các máy quay camera mua của Nhật.
Theo lời tự sự được ghi chép lại của ông Phạm Xuân Phổ, Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ninh thời bấy giờ, khi đón nhận được thông tin, ban lãnh đạo đài và toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan rất vui mừng, phấn khởi, góp nhiều ý kiến tham gia vào công việc xây dựng trạm phát sóng truyền hình. Việc UBND tỉnh quyết tâm dành kinh phí đầu tư thiết bị phát sóng truyền hình trong bối cảnh nền kinh tế khi đó còn khó khăn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhân dân và vì sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Vì lẽ đó, công tác triển khai mua sắm thiết bị và xây dựng trạm phát sóng được thực hiện rất nhanh.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Phương, nguyên Phó Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ninh, thời điểm những năm 80 của thế kỷ XX, kinh tế cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng còn hết sức khó khăn. Việc đầu tư một máy phát hình mới 1kw của hãng Thomson trị giá 60.000 USD, cùng hệ thống máy dựng hình UMATIC được xem là hiện đại nhất bấy giờ; camera mặc dù chỉ có 3 chiếc DXC1200, DXC1600, DXC1800, nhưng cũng là quyết tâm, cố gắng rất lớn, thể hiện rõ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác tuyên truyền, cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân các dân tộc, LLVT trong tỉnh.
Để có được ngoại tệ mua thiết bị cũng là vấn đề cần phải bàn bạc khá kỹ trong bối cảnh nền kinh tế biên mậu khi đó chưa phát triển. Tuy nhiên, với quyết tâm của tỉnh, phải sớm xây dựng Đài truyền hình, UBND tỉnh đã giao Công ty Liên hợp xuất khẩu, trích 60.000 USD là tiền do sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà có, chuyển cho ông Đặng Trung Hiếu (Giám đốc Viện nghiên cứu kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình TP Hồ Chí Minh) chuyển sang Pháp đặt mua máy phát hình. Chỉ sau 15 ngày, máy phát hình đã về đến TP Hồ Chí Minh.
Do khối thiết bị phát sóng cồng kềnh nặng khoảng 10 tấn không thể vận chuyển bằng đường bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo vận chuyển về bằng đường thủy, với việc trưng dụng tàu Sông Chanh trọng tải 2.000 tấn của Công ty Vận tải biển. Nhiều người khi ấy băn khoăn, việc sử dụng tàu có trọng tải 2.000 tấn để vào tận miền Nam chở 10 tấn hàng thật sự gây lãng phí, nhưng với mục tiêu sớm có kênh truyền hình phục vụ nhân dân trong tỉnh, phương án này đã được thực hiện, đảm bảo về thời gian, an toàn trong quá trình vận chuyển. Tàu Sông Chanh chở thiết bị phát sóng cập Cảng vật tư than Hồng Gai (khu vực Bến Đoan).
Trong khoảng thời gian này, các công việc phục vụ cho việc xây dựng đài phát sóng đặt ra rất khẩn trương. UBND tỉnh đã huy động lực lượng các ngành: Giao thông, xây dựng, điện lực… tập trung trong 1 tháng phải hoàn thành 2km đường từ QL18 lên đồi Cọc 5, hệ thống điện lưới, xây dựng nhà bảo vệ, nhà làm việc cho cán bộ, nhân viên tham gia trực trạm.
Được biết, trong quá trình thi công các công việc kể trên, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, trong đó trực tiếp ông Phạm Hoành, Chủ tịch UBND tỉnh, đã 5 lần lên kiểm tra, động viên tinh thần làm việc của các bộ phận. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/1983, thời tiết có mưa nhiều, nhưng với tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong một thời gian ngắn, trạm phát sóng truyền hình đồi Cột 5 đã được xây dựng hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.
Ông Trương Quang Vinh, nguyên Phó Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ninh, chia sẻ: Thời điểm đó tôi và 4 công nhân kỹ thuật, phóng viên được cử vào TP Hồ Chí Minh để học tập, nghiên cứu cách vận hành máy phát hình và sử dụng các thiết bị sản xuất truyền hình. Ai cũng thật sự háo hức và tự hào khi được lựa chọn là những người đầu tiên trong cơ quan tiếp cận với hệ thống thiết bị hiện đại bậc nhất về truyền hình. Những ký ức về ngày tháng đó đến nay với tôi vẫn không thể nào quên được.
Trong một buổi chiều mùa thu đẹp trời cuối tháng 8/1983, nhân dân hai bên đường phố TX Hồng Gai hân hoan, đón chào đoàn xe đặc chủng của đơn vị phòng không - không quân đóng tại địa bàn Hà Lầm vận chuyển thiết bị phát sóng truyền hình từ Cảng vật tư than Hồng Gai lên đồi Cột 5. Ai cũng vui mừng, phấn khởi, đan xen sự kỳ vọng, mong ngóng cánh sóng truyền hình Quảng Ninh đầu tiên.
Đúng ngày 2/9/1983, các thiết bị truyền hình do tỉnh Quảng Ninh đầu tư đã được hoàn tất công đoạn lắp ráp và chính thức phát sóng, chuyển tải thông tin đầy đủ, kịp thời sự kiện mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Hội trường Cột 8. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của miền Bắc lúc bấy giờ có Đài truyền hình.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()