Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:34 (GMT +7)
Tìm hướng đi cho bóng đá Than Quảng Ninh
Thứ 7, 18/09/2021 | 14:03:06 [GMT +7] A A
Câu chuyện CLB bóng đá Than Quảng Ninh (TQN) dừng hoạt động, thanh lý hợp đồng nhiều trụ cột gần đây đang trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với người hâm mộ, nhất là vấn đề quản lý, vận hành bền vững đội bóng về sau.
Phát triển từ phong trào bóng đá Vùng mỏ những năm 50 của thế kỷ trước, bóng đá Quảng Ninh giành được những thành tích đáng nể với nhiều tên tuổi vang bóng một thời. Tháng 7/1997, theo Quyết định của UBND tỉnh, đội bóng đá TQN ra mắt người hâm mộ Vùng mỏ, tham gia Giải hạng Nhì quốc gia.
Thi đấu “ngụp lặn” ở giải hạng Nhì, hạng Nhất, năm 2005 đội được chuyển giao cho Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) quản lý trực tiếp và liên tục thi đấu tốt, thăng hạng V-League 2014. Giai đoạn này, Công ty CP Bóng đá Than Quảng Ninh được thành lập do Tập đoàn (giữ 51% vốn) cùng các công ty thành viên tham gia quản lý đội bóng.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không thể quản lý đội bóng, năm 2014, sau khi được thăng hạng V-League, CLB bóng đá TQN được chuyển giao cho Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang và Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh quản lý, TKV là đơn vị tài trợ chính.
Khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, câu chuyện những ông bầu nhiệt huyết tiếp quản giúp các đội bóng đổi thay, nổi danh không hiếm trong làng bóng đá Việt Nam. Và câu chuyện các ông bầu chán nản, hết nguồn lực, không còn nhiệt huyết, hoặc mục đích đặc biệt trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh... mà bỏ đội, bỏ giải cũng xảy ra nhiều, như chuyện của ông bầu bỏ CLB Navibank Sài Gòn năm 2012, CLB Sài Gòn Xuân Thành năm 2013 và gần đây là FLC trả CLB Thanh Hoá...
Việc quản lý, vận hành tốt đội bóng ở mô hình bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam là câu chuyện không hề đơn giản. Chuyện nợ lương, cầu thủ trụ cột tìm bến đỗ mới, thậm chí giải tán đội bóng cũng không phải là hiếm. TQN cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Vấn đề được quan tâm hàng đầu chính là hướng đi, tìm nguồn từ các hợp đồng tài trợ, đề án quản lý, vận hành đội bóng.
Thời gian qua, Sở VH&TT và các ngành chức năng của tỉnh đã nhiều lần vào cuộc tháo gỡ, tìm giải pháp. Một trong số đó là đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về mô hình các đơn vị doanh nghiệp tỉnh chung tay, phối hợp cùng TKV tạo nguồn thu từ hoạt động kinh tế để hỗ trợ đội bóng. Giải pháp hướng tới sự chung tay của cộng đồng các doanh nghiệp trong tỉnh để có sự quan tâm, hỗ trợ, giám sát, quản lý các nguồn lực hỗ trợ đội bóng tốt hơn.
Có thể thấy, ngoài việc quản lý tốt, khoa học, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam luôn gắn với những nhà tài trợ, doanh nghiệp. Một trong những nhà tài trợ lớn của bóng đá TQN những năm qua là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Trong 5 năm (2015-2019), TKV đã tài trợ đội bóng thông qua các hợp đồng quảng cáo với trị giá khoảng 165 tỷ đồng (30-35 triệu đồng/mùa giải). Tại các buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng cho biết: Cùng với giải pháp được đề xuất trên, cộng đồng các doanh nghiệp sẵn sàng kêu gọi, chung tay hỗ trợ, động viên đội bóng trong quá trình thi đấu.
Câu chuyện nhà tài trợ gợi nhớ tới chuyện tương tự ở Thai Premier League. Một CLB hàng đầu luôn có được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, gắn bó với hàng chục nhãn hàng, tập đoàn và nghiệp đoàn kinh tế lớn.
Được biết, trong những năm qua, theo cơ chế đặt hàng 3 năm (2018-2020), tỉnh đặt hàng cho Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đào tạo bóng đá trẻ từ U11 đến U17 với kinh phí trung bình 18-20 tỷ đồng/năm, để tạo nguồn cầu thủ trẻ. Năm 2018, tỉnh đã đầu tư 163,159 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để cải tạo, nâng cấp SVĐ Cẩm Phả thành SVĐ cấp tỉnh, quy mô khán đài từ 8.762 chỗ lên 16.000 chỗ, nâng cấp, bổ sung nhiều phòng chức năng, hệ thống bảng điện tử...
Không chỉ vậy, trong lúc đội bóng khó khăn, không có tiền trả lương cho cầu thủ, nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân và rất nhiều người hâm mộ đã vào cuộc hỗ trợ. Hội cổ động viên, những cá nhân, thậm chí có cả những cổ động viên nhiều tuổi cũng tham gia hỗ trợ từ đồng lương hưu của mình.
Như vậy, có thể thấy sự đoàn kết, chung tay của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, thông qua những hợp đồng tài trợ, quảng cáo... sẽ là sự gợi mở, tạo một nguồn lực lớn, sức mạnh tập thể cho đội bóng khi được chuyển giao, duy trì hoạt động trở lại, hoặc cả khi có "ông bầu" mới.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()