Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:59 (GMT +7)
Chuyển tiền từ 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt: Biện pháp chống tội phạm lừa qua mạng
Thứ 5, 27/06/2024 | 09:15:52 [GMT +7] A A
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1/7, người dân khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt. NHNN khẳng định, biện pháp này nhằm tăng cường bảo mật cho tài khoản ngân hàng, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận tài chính.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng lừa đảo hoành hành, kẻ gian đánh vào điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị thanh toán là người dùng. Theo Quyết định 2345 của NHNN có hiệu lực từ ngày 1/7 tới quy định, chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực khuôn mặt để ngăn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản. Theo thống kê, có đến 70% giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng. Do vậy NHNN đã đưa ra mức này với mục tiêu là cân đối xác thực giao dịch mạnh nhưng cũng phải đảm bảo trải nghiệm của người dùng.
“NHNN đưa ra ngưỡng 20 triệu đồng/ngày để tránh trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần, chẳng hạn chuyển 9,9 triệu đồng/lần. Giới hạn này đủ để phòng chống kẻ gian lợi dụng, mục đích hướng tới là nhằm bảo vệ cho người dùng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trong trường hợp không may người dân bị lấy mất thông tin, tội phạm có thể chiếm quyền kiểm soát thiết bị điện thoại. Thế nhưng với việc áp dụng sinh trắc học khi giao dịch phải so khớp, xác thực khuôn mặt thì không thể so sánh khuôn mặt trên hồ sơ gốc. Như vậy, tội phạm không thể lấy được tiền của chủ tài khoản.
Bên cạnh đó, khi chiếm đoạt được thông tin thì kẻ gian thường thực hiện cài đặt sang máy khác để chiếm đoạt tiền của chủ tài khoản. Nhưng vì các ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học nên với yêu cầu này, tội phạm không thể cài sang máy khác để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, khi thực hiện giao dịch thông thường thì phải xác thực sinh trắc học nên người đi thuê tài khoản, người cho thuê tài khoản không thể sử dụng được tài khoản giao dịch.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc NAPAS chỉ ra “chiêu” lừa đảo phổ biến hiện nay là kẻ gian thường đánh vào tâm lý, lòng tham hay nỗi sợ hãi để người dân thực hiện các giao dịch thanh toán thật và chuyển tiền cho kẻ gian. “Người dùng đôi lúc phải quyết định chậm một tí trước khi thực hiện thao tác chuyển tiền để cảnh giác”, ông Long nói.
Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Chỉ áp dụng với giao dịch thông thường
Lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN) nhấn mạnh, thời gian áp dụng quy định này bắt đầu từ 1/7, chỉ áp dụng với giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng. Theo ông Tuấn, tất cả giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông... tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.
“Không phải khi thực hiện 20 triệu đồng mà đến giao dịch 100.000 đồng sau giao dịch 20 triệu đồng phải làm sinh trắc học, mà ở mức 20 triệu đồng chúng ta xác thực xong sau đó chúng ta không phải xác thực nữa, cho đến tận 20 triệu đồng tiếp theo. Nguyên tắc không làm gián đoạn việc trải nghiệm của khách hàng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Một tuần trước khi quyết định áp dụng quy định chuyển tiền phải xác thực khuôn mặt có hiệu lực, các ngân hàng, ví điện tử và người dùng đang chạy đua xác thực tài khoản. Theo hướng dẫn, người dùng có thể chủ động thực hiện trên smartphone theo 3 bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; Quét NFC trên CCCD gắn chíp; Quét gương mặt và xác thực OTP. Đa số người dùng cho biết, quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, trên các hội nhóm công nghệ, nhiều người phản ánh tình trạng gặp khó khăn phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD.
Ông Tuấn cho biết, khi gặp vấn đề này, chủ tài khoản ngân hàng vẫn được hỗ trợ bằng cách ra trực tiếp chi nhánh để được xác thực lần đầu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua CCCD gắn chíp trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC.
Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng còn khó khăn, vướng mắc trong xử lý dữ liệu, chi phí triển khai… Các ngân hàng cũng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng.
“Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào 1/7/2024, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu CCCD và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng”, ông Hùng nói thêm.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()