Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:23 (GMT +7)
Chuyện những người đổi đời từ nghề mỏ
Thứ 2, 14/08/2023 | 07:50:04 [GMT +7] A A
Lên tầng cao, xuống lò sâu, ngày qua ngày, những người thợ mỏ ngành than cứ cần mẫn với công việc. Dẫu vất vả, nặng nhọc nhưng có rất nhiều người đã gắn bó cả đời với nghề mỏ. Có người cũng chỉ mới vào nghề vài ba năm và đã định sẽ theo mãi công việc này. Ở những người thợ mỏ ấy đều có một điểm chung, đó là sự nghiêm túc, trách nhiệm và tình yêu dành cho công việc, cho vùng đất này.
"Gieo nỗ lực, gặt thành công"
Nghề mỏ cũng cho họ nhiều thứ, chính đáng nhất là nguồn thu nhập ổn định ở mức khá so với nhiều công việc có tính chất tương tự. Những năm gần đây, câu chuyện thợ mỏ thu nhập 300 triệu đồng/năm không còn là điều quá mới lạ ở Quảng Ninh. Nhiều người nhờ bản tính cần cù chăm chỉ, lao động sáng tạo đã thu nhập cao hơn thế - 400 triệu đồng, thậm chí là có những điển hình thu nhập đến 500 triệu đồng/năm. Bằng nghề mỏ, thợ mỏ xây được nhà, mua được phương tiện đi lại, sắm được tiện nghi sinh hoạt, lo được cho con cái ăn học nên người. Từ những miền quê xa xôi, họ tìm về đất mỏ Quảng Ninh và đã đổi đời nhờ nghề mỏ.
Thào A Bái là người huyện Đầm Chấu, tỉnh Yên Bái. Cũng như hàng nghìn thanh niên thoát ly vùng quê nghèo khó xuống Quảng Ninh tìm kiếm việc làm, Thào A Bái chọn nghề mỏ. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, Bái chia sẻ rằng, anh đã bị hấp dẫn từ câu chuyện về nghề mỏ của một người đồng hương. Với mong muốn thoát cảnh nghèo, Bái đã nhanh chóng đưa ra quyết định thử sức với công việc “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Từ đó, anh trở thành thợ lò của Phân xưởng Khai thác 5, Công ty Than Quang Hanh - TKV.
Vừa chân ướt chân ráo vào nghề, Thào A Bái được phân công về phân xưởng khai thác than lò chợ áp dụng công nghệ giá khung phân thể ZH. Đây là công nghệ chống giữ hiện đại, an toàn, lò chợ khai thác năng suất cao, công nhân làm việc bớt nặng nhọc. Bái cũng nhanh chóng gây chú ý với lãnh đạo phân xưởng khi thể hiện sự chăm chỉ và thái độ làm việc chỉn chu, trách nhiệm.
Với Thào A Bái, chỉ cần chăm chỉ đi làm đủ công, tích cực lao động và biết phân bổ chi tiêu hợp lý, mỗi năm có thể tiết kiệm được ít nhất 100 triệu đồng. Nếu cứ ở quê nghèo Đầm Chấu, Yên Bái, chẳng biết đến bao giờ anh mới có được khoản tiền này.
“Bình quân 1 tháng thu nhập từ 24-25 triệu đồng, với mức thu nhập đó thì tôi đã đảm bảo được cuộc sống. Trừ đi vài khoản chi phí cá nhân, mỗi tháng tôi gửi về quê cho gia đình được khoảng 15-16 triệu đồng” - Thào A Bái chia sẻ.
Rất nhiều người thợ lò khi được hỏi về bí quyết để sở hữu mức thu nhập cao đều có chung câu trả lời, đó là sự chăm chỉ.
Đến thăm gia đình anh Đồng Văn Hưng - thợ lò bậc 5/5 Công ty Than Uông Bí và lắng nghe câu chuyện 20 năm làm nghề của anh mới hiểu lý do anh luôn đứng ở vị trí top đầu phân xưởng về mức thu nhập. Những ngày mới bước chân vào nghề, công việc nặng nhọc, chủ yếu là thủ công, lương chỉ vài triệu đồng/tháng, nhưng anh Đồng Văn Hưng không nản, trái lại còn cố gắng gấp đôi mọi người để nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc dưới hầm lò. Lấy cần cù làm phương châm lao động, sau 20 năm, anh Đồng Văn Hưng đã là thợ lò bậc cao nhất của đơn vị.
Từ một thợ lò làm việc tay chân như củng cố đường lò, cuốc nóc, lên xà, dựng vì chống, xúc dọn than sạch sẽ, giờ đây anh Đồng Văn Hưng đã có thể điều khiển cả một giàn máy móc trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của Than Uông Bí. Anh Hưng cũng là một trong những công nhân có thu nhập cao nhất Phân xưởng K12 - bình quân từ 25-30 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao nhất phân xưởng cũng là thành tích đáng nể của thợ lò Lê Văn Biên, Công ty Than Thống Nhất - TKV. 20 năm tuổi nghề có lẽ đã đủ nhiều để thợ lò Lê Văn Biên thấm những nhọc nhằn, vất vả của nghề khai thác mỏ. Thế nhưng, ngay cả những thời điểm gian nan nhất, thử thách nhất, anh cũng chưa từng có ý định lựa chọn công việc khác. Thậm chí, anh còn hướng nghiệp cho người em trai út của mình theo nghề mỏ. Đến nay, gia đình anh Lê Văn Biên là một trong số ít gia đình có cả 3 anh em trai đều theo nghề khai thác mỏ trong cùng một đơn vị.
Tình yêu Vùng mỏ, tình yêu hòn than và sự trân trọng nghề thợ lò là lý do gắn kết anh với mảnh đất này. Nghề thợ lò đã cho anh một cuộc sống ổn định, kinh tế vững vàng và niềm vui, niềm hạnh phúc trong lao động. "Từ một thanh niên lập nghiệp nơi xứ người với hai bàn tay trắng, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, giờ đây tôi tự hào vì mình đã có một công việc và cuộc sống ổn định. Ở quê nhà Hải Dương, tôi có nhà cửa khang trang, 3 đứa con được ăn học đến nơi đến chốn..." - thợ lò Lê Văn Biên tâm sự.
Câu chuyện về những người thợ lò như anh Thào A Bái quê Yên Bái, anh Đồng Văn Hưng ở Đông Triều, anh Lê Văn Biên quê Hải Dương cũng là câu chuyện của hàng nghìn thanh niên đã chọn Quảng Ninh làm nơi lập nghiệp, chọn nghề thợ lò để gắn bó. Công việc dẫu rất nặng nhọc, ca kíp thường xuyên, sinh hoạt bị xáo trộn, thời gian dành cho vợ con rất ít, sức khỏe cũng sẽ phải đánh đổi; nhưng nghề thợ lò đã mang lại cho họ rất nhiều thứ. Thành quả lớn nhất và cũng đáng khích lệ nhất với họ là kinh tế.
Những câu lạc bộ thợ lò giỏi, thu nhập cao
Theo TKV, số lượng thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm những năm gần đây liên tục tăng mạnh. Năm 2018, số thợ lò của 14 công ty khai thác than hầm lò trên địa bàn tỉnh có mức thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên chỉ hơn 700 người, thì năm 2019 đã lên tới hơn 2.600 người. Đến năm 2021 và 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, con số này tiếp tục tăng lên từ 3.000-3.500 người/năm. Đứng đầu trong các công ty khai thác than có số thợ lò đạt thu nhập cao là Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Mạo Khê, Than Thống Nhất, Than Uông Bí… Một số công nhân điển hình có thu nhập 500 triệu đồng/năm, tương đương với bình quân thu nhập 41 triệu đồng/tháng.
Nghề mỏ quả thực nhiều vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm độc hại nhưng qua mỗi năm, với bao nỗ lực, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ mới, điều kiện làm việc đã ngày một tốt hơn, tăng năng suất và hiệu quả gấp 3-4 lần trước kia, nâng cao thu nhập cho người thợ.
Máy móc, thiết bị cơ giới thay họ làm những công đoạn thủ công, thợ lò chỉ cần nắm vững kỹ thuật, làm chủ công nghệ, vận hành trơn tru là đã có ngày công năng suất cao. Năng suất cao sẽ quyết định giá trị sản phẩm họ làm ra trong một ca lao động. Chính vì vậy, điểm chung của những thợ lò giỏi, thu nhập cao thường là bản tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi, làm việc đúng quy trình, không làm tắt, làm ẩu.
Ở các mỏ, họ được xếp vào một nhóm lao động chất lượng cao, có mỏ thành lập câu lạc bộ thợ lò lao động giỏi - thu nhập cao. Những thợ lò này là tài sản quý với doanh nghiệp và ngày càng lao động bằng chất xám thay vì thủ công như trước. Họ cũng là lực lượng được các doanh nghiệp ngành than quan tâm, bồi dưỡng, phát triển.
Hằng ngày, sau những tiếng hô an toàn, những người thợ lò sẽ hành quân vào lòng đất. 8 tiếng làm việc mỗi ngày của họ đổi lại hàng triệu tấn than được khơi thông, đem nguồn năng lượng dồi dào đến mọi ngành kinh tế, mọi miền đất nước. Mỗi mét lò, mỗi tấn than không chỉ là thành quả của những giờ lao động miệt mài mà còn mang theo những ước mong của hàng vạn thợ lò về cuộc sống sung túc, tiếp nối tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của người thợ vùng than.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()