Tất cả chuyên mục

Vào những năm 2000, không chịu được những khó khăn, thiếu thốn, nhiều hộ dân đã rời bỏ đảo Cái Chiên (Hải Hà) vào đất liền để sinh sống, vì thế dân cư trên đảo từ 750 nhân khẩu vào năm 2000, đến năm 2005 chỉ còn lại dưới 500 nhân khẩu. Chứng kiến bạn bè, bà con lối xóm lần lượt rời đảo vào đất liền tìm cuộc sống mới, anh Hoàng Văn Lựu, thôn Vạn Cả đã không khỏi trăn trở, suy nghĩ và anh tự nhủ với lòng mình phải làm một điều gì đó để vận động, giúp đỡ bà con, hàng xóm gắn bó với đảo, cùng nhau gìn giữ xây dựng và bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.
Anh Lựu tâm sự: “Nếu chỉ để lo cho bản thân, cho gia đình thì tôi đã chọn cách rời bỏ đảo để vào đất liền thay đổi cuộc sống, nhưng thấy đất đai của ông cha với bao tiềm năng, lợi thế và còn vấn đề chủ quyền biển đảo nữa chứ. Tại sao mình lại không thể khá lên được từ lợi thế về biển cả”. Với mong muốn bằng nỗ lực của mình và gia đình, sẽ là động lực để bà con trên đảo thấy được nếu có quyết tâm và niềm tin thì dù khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua, anh Lựu đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu cùng ngư cụ để đánh bắt hải sản gần bờ, dần dần tìm các đầu mối làm ăn với các chủ phương tiện tàu thuyền lớn ngoài ngư trường. Khi đã có được các mối làm ăn thường xuyên, anh Lựu chuyển từ đánh bắt gần bờ vươn ra đánh bắt ngoài khơi kết hợp thu mua hải sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi đã ổn định việc đánh bắt và thu mua, anh tiếp tục đầu tư thêm cơ sở sản xuất và chế biến sứa. Vào mùa sứa từ tháng Giêng đến tháng 3 cơ sở sản xuất sứa của gia đình anh nhộn nhịp, máy móc hoạt động liên tục cả ngày đêm với hàng trăm lao động chủ yếu là người dân ở xã đảo. Một vụ sứa anh sản xuất được gần 2,5 tấn thành phẩm vừa cung cấp cho thị trường nội địa vừa xuất bán sang Trung Quốc. Mỗi vụ cho thu nhập 50 đến 60 triệu đồng, nâng tổng mức thu nhập của gia đình lên 200 đến 300 triệu đồng/năm.
![]() |
Anh Hoàng Văn Lựu trong một chuyến ra khơi. |
Mặc dù có được những thành công bước đầu trong phát triển kinh tế, nhưng trong anh luôn đau đáu một câu hỏi làm thế nào để người dân nơi đây bám đảo, gắn bó với đảo, cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế quyết tâm làm giàu trên đảo. Để có được câu trả lời, sau mỗi vụ đánh bắt trở về anh thường đến thăm bà con, hàng xóm và những người dân trên đảo để trao đổi, chia sẻ cùng họ về những kinh nghiệm, cách thức làm ăn để bà con, nhân dân xã đảo biết cách và khai thác tối đa tiềm năng của biển đảo. Thấu hiểu những trăn trở và khâm phục sự nhiệt tình, cùng với cách làm kinh tế của anh, nhiều hộ dân trên đảo đã dần thay đổi suy nghĩ, họ đã bám đảo và thử sức làm giàu trên đảo. Thử rồi thành công nhiều hộ dân đã giàu lên từ việc học và làm theo cách làm của anh Lựu.
Từ việc đi tìm câu trả lời cho những trăn trở, suy nghĩ của mình anh Lựu đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của hàng trăm hộ dân trên xã đảo, tất cả đều từ bỏ ý định dời đảo mà ở lại bám biển, bám đảo, làm giàu trên đảo. Từ năm 2008 đến nay đã không còn hộ dân nào bỏ đảo vào đất liền, hàng trăm hộ nghèo trên đảo đã vươn lên làm giàu. Ông Phạm Thái Phi, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên cho biết: Đến nay, nhiều hộ gia đình đã quay trở lại Cái Chiên để làm ăn sinh sống và quyết tâm xây dựng bảo vệ biển đảo, nhờ vậy mà chương trình xây dựng nông thôn mới trên xã đảo cũng có nhiều khởi sắc, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đã ủng hộ ngày công, hiến đất và tài sản để làm đường liên thôn và các công trình phúc lợi trên đảo, ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn trên xã đảo đã có nhiều đổi mới, đường liên thôn, liên xã được bê tông hoá, các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đặc biệt xã đảo là một trong những tiềm năng mà huyện Hải Hà đang tập trung khai thác phát triển du lịch sinh thái.
Với tình yêu của một người con đã gắn gần trọn cả cuộc đời mình với đảo, anh Hoàng Văn Lựu đã làm thay đổi tư tưởng và nhận thức của người dân trên đảo bằng những việc làm cụ thể của mình. Tinh thần và nhiệt huyết của anh Lựu chính là tấm gương để người dân trên xã đảo Cái Chiên học tập và làm theo, giúp họ ngày càng yên tâm bám đảo, thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của những người con xã đảo trong việc bám biển, bám đảo xây dựng, phát triển và bảo vệ biển đảo quê hương.
Nguyễn Hằng (Đài Hải Hà)
Ý kiến ()