Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:24 (GMT +7)
Chuyện nghề địa chất mỏ
Thứ 6, 24/12/2021 | 15:20:37 [GMT +7] A A
Có một vị lãnh đạo ngành than đã từng ví: “Nếu thợ mỏ là chiến sĩ khai thác than, thì người thợ địa chất là trinh sát dẫn đường”. Cách ví von này đã phần nào nói lên vai trò quan trọng trong công việc của những người làm nghề thăm dò địa chất mỏ. Để tìm được nguồn than phục vụ nền kinh tế đất nước, những người thợ địa chất mỏ của TKV đã không quản ngại khó khăn, vượt núi, băng rừng, đến những nơi chưa ai đến và chỉ trở về khi sứ mệnh khai thác của mỏ đã hoàn thành. Trong suốt bề dày lịch sử hình thành và phát triển của ngành than, dấu chân người thợ địa chất đã in lên mọi nẻo hành trình chinh phục từ lòng đất.
Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty CP Địa chất mỏ - TKV, ông Hà Minh Thọ đã hơn 20 năm làm công việc của một kỹ sư địa chất mỏ. Bản thân ông cũng không thể nhớ được hết những vùng đất mà mình từng đặt chân đến, bao nhiêu mũi khoan đã găm sâu vào lòng đất để tìm kiếm và đánh thức tiềm năng khoáng sản. Nhưng có một điều mà ông không bao giờ quên, đó là tính trung thực của người làm nghề thăm dò địa chất. “Công việc địa chất rất vất vả, chính vì thế tố chất của người thợ địa chất là phải có sức khỏe dẻo dai, kiến thức sâu rộng, lòng yêu nghề và lòng dũng cảm. Nhưng quan trọng nhất là đức tính trung thực; người địa chất phải luận giải nó để trả lời cho những định hướng về tài nguyên khoáng sản sau này. Vì vậy, nguyên tắc hàng đầu để hình thành nên một tài liệu địa chất tin cậy, quyết định đến sự thành - bại của một dự án khai thác khoáng sản là tính trung thực của người kỹ sư địa chất” – ông Hà Minh Thọ chia sẻ.
Nhưng, chỉ trung thực thì chưa đủ, thợ địa chất phải thật sự là những người có tư duy khoa học. Dựa trên các yếu tố tự nhiên, địa hình, địa mạo, địa kiến tạo, các dấu hiệu, các điểm mỏ, điểm quặng, các biểu hiện quặng hóa, những kỹ sư địa chất sẽ phán đoán các thành tạo địa chất phù hợp với từng vùng đất, từng loại tài nguyên khoáng sản. Đây là cơ sở để triển khai công tác điều tra, thăm dò và cuối cùng là xác định không gian tồn tại, chất lượng, trữ lượng... để các nhà hoạch định khai thác thiết kế một mỏ có hiệu quả.
Câu chuyện của những người thợ khoan thăm dò địa chất cũng khá đặc biệt. Đường lên công trường khoan chẳng bao giờ dễ đi, thường là những khu vực đồi núi cao, nơi chưa ai đặt chân đến. Công việc yêu cầu những thợ khoan phải sinh hoạt tạm bợ trong các lán trại, làm việc liên tục 3 ca. Một tổ khoan có khoảng 10-12 người, tùy khối lượng công việc, mỗi người làm một nhiệm vụ khác nhau. Người vận hành máy khoan, người lấy mẫu, người phân tích đánh giá mẫu… Các khâu này liên kết với nhau thành một chuỗi, làm sáng tỏ những phán đoán trong thiết đồ dự kiến địa tầng được xây dựng từ trước đó, là căn cứ để xác định trữ lượng tài nguyên cho dự án khai thác than của các mỏ.
Sau khi được lấy lên từ lòng đất, những mẫu đá và than sẽ được đánh giá, phân tích tính chất cơ lý, thạch học và đặc biệt là chất lượng than bằng hệ thống máy móc hiện đại để phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo địa chất sau này.
Đong đếm sự vất vả của những lĩnh vực trong ngành địa chất mỏ, không ai có thể "khoe" phần vất vả nhiều hơn. Nếu vất vả của những người thợ làm công tác khoan thăm dò là điều kiện thi công, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn; thì những người trắc địa còn phải đối mặt với cả hiểm nguy. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác trắc địa, như sử dụng máy bay không người lái, công nghệ đo vẽ ảnh số, bản đồ số 3D… nhưng người thợ trắc địa TKV vẫn phải trực tiếp đến những khu vực núi cao hiểm trở hay xuống hầm lò, nơi mà rủi ro luôn thường trực. Có những vị trí thợ trắc địa phải đi bộ cả chục cây số, hay xuống tận mức -300m của mỏ hầm lò để khảo sát thi công mốc khống chế và quan sát dịch động. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng những tấm bản đồ trắc địa phục vụ cho sản xuất.
Những năm gần đây, TKV đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác thăm dò khoáng sản. Sự đầu tư đó đã giúp Công ty CP Địa chất mỏ nâng cao trình độ công nghệ, đáp ứng yêu cầu thi công những công trình khó khăn, phức tạp trong và ngoài ngành than. Trước đây, với một công trình chiều sâu một nghìn mét, Công ty Địa chất mỏ phải thi công cả năm trời, nhưng giờ đây thời gian triển khai chỉ từ 3,5 - 4 tháng, chất lượng nâng lên rõ rệt. Việc thành lập các báo cáo địa chất, báo cáo chuyên đề được ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai trên hệ thống phần mềm nên rút ngắn được thời gian và nâng cao độ chính xác, tin cậy của tài liệu địa chất.
Cán bộ địa chất như người trinh sát dẫn đường cho thợ mỏ, là những người có trách nhiệm đánh giá, tính toán về trữ lượng và điều kiện khai thác một cách khách quan nhất, độ chính xác đến xấp xỉ 100% thì mới hình thành được mỏ. Ngược lại, sẽ rất rủi ro cho các dự án. Chính vì thế, việc tiếp tục phát triển nguồn nhân lực và công nghệ trong ngành địa chất sẽ tiếp tục được TKV quan tâm hơn nữa để vươn tới những mục tiêu thăm dò và phát triển bền vững của ngành Than trong tương lai.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()