Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 10:45 (GMT +7)
Chuyện mua bán giải ở các cuộc thi hoa hậu Việt
Thứ 6, 11/11/2022 | 09:29:25 [GMT +7] A A
Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 chia sẻ, bà và các thí sinh khác phải bỏ hàng tỷ đồng cho cuộc thi; ngoài phí đăng ký còn đóng thêm tùy danh hiệu muốn có.
Gần 50 cuộc thi sắc đẹp diễn ra ở Việt Nam trong năm 2022. Hàng nghìn cô gái từ khắp mọi miền đất nước đã ghi danh tại các sân chơi hoa hậu, hoa khôi.
Những con số kể trên là minh chứng cho giấc mơ danh hiệu hoa hậu của nhiều người đẹp trong nước. Không ít cô gái đã nổi tiếng và đổi đời sau đêm đăng quang.
Các cuộc thi hoa hậu diễn ra đáp ứng nhu cầu quan tâm và theo dõi giải trí của nhiều khán giả, đặc biệt là fan sắc đẹp. Ngoài ra, không ít cuộc thi cũng mang lại giá trị về tinh thần thiện nguyện, hòa bình, gắn kết thí sinh mọi miền.
Tuy nhiên, con đường đi đến vương miện hoa hậu không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhiều cuộc thi cũng vướng ồn ào về giải thưởng và người chiến thắng. Và nhiều người giới hoa hậu cũng đã tiết lộ về sự tồn tại của việc mua giải ở một số cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam.
Mua bán giải đã và đang tồn tại ở một số cuộc thi hoa hậu, hoa khôi
Trao đổi với Zing mới đây, bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch công ty Sen Vàng, đơn vị nắm bản quyền và tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu - chia sẻ sự việc Nam Em từng bị lừa gạt, đòi tiền mua giải khi thi Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà Dung, một nhóm đối tượng lừa đảo đã đã tiếp cận Nam Em trước cuộc thi và nói có thể sắp xếp được giải thưởng hoa khôi.
Không tự tin vào bản thân, Nam Em đã thỏa hiệp với nhóm đối tượng này. Sau cuộc thi, cô liên lạc với ban tổ chức về sự việc khi bị nhóm đối tượng trên đòi tiền mua giải. Nhóm đường dây mua giải đã chuyển hướng tiếp cận sang mẹ của người đẹp và quấy rối gia đình. Đến khi ban tổ chức cuộc thi quyết liệt vào cuộc và muốn đưa sự việc trình báo lên công an khu vực, các đối tượng lừa đảo mới dừng lại.
“Tôi thường dặn những thí sinh trẻ tuổi tham gia các cuộc thi sắc đẹp phải có niềm tin vào bản thân, ban tổ chức, không được nhận bất kỳ lời đề nghị, dụ dỗ nào. Cái sai của Thùy Tiên là ở tuổi 18, 20, cô ấy đã thỏa hiệp với những sự sắp xếp mà không biết rõ người đó là ai. Cái giá phải trả là sự đeo đẳng bao nhiêu năm qua", bà Dung nói thêm.
Trên thực tế, nạn mua danh hiệu, chạy giải đã tồn tại ở một số cuộc thi sắc đẹp, nhất là những cuộc thi không uy tín, ít được quan tâm.
Bầu show L.T (xin giấu tên) tiết lộ với Zing việc các sân chơi sắc đẹp ở Việt Nam nở rộ trong năm qua càng tạo điều kiện cho tình trạng mua bán giải hoa hậu, hoa khôi phổ biến hơn. Nhiều cô gái thậm chí chấp nhận bỏ ra tiền tỷ để có thể sở hữu vương miện hoặc chấp nhận để nhà tài trợ nào hỗ trợ kinh phí để mua giải.
Nhiều thí sinh tố cáo
Sau mỗi cuộc thi hoa hậu, dù lớn hay nhỏ, những tin đồn mua giải, đi cửa sau thu hút quan tâm, bàn luận sôi nổi từ fan sắc đẹp trên các diễn đàn, mạng xã hội. Đêm chung kết kết thúc, chuyện cô A được dọn đường để đăng quang, cô B được đại gia bỏ tiền mua vương miện… xuất hiện nhan nhản trên các group về hoa hậu.
Giữa tháng 6, Đặng Thị H. (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) lên tiếng tố cáo ban tổ chức Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022 mua bán giải. Người này cho biết ban đầu ban tổ chức thông báo chi phí để tham gia cuộc thi là 20 triệu đồng gồm vé máy bay khứ hồi, ăn, ở…
Trong quá trình tham gia cuộc thi, chị được người của ban tổ chức liên tục đề cập vấn đề mua giải. Chị H. đã chuyển 800 triệu đồng cho phó ban tổ cuộc thi. Sau khi chuyển khoản đủ số tiền trên, trước đêm chung kết, người này nhận được câu hỏi ứng xử từ ban tổ chức, kèm theo câu trả lời để học thuộc.
Theo chị H., ngoài chị, nhiều thí sinh của cuộc thi cũng chuyển số tiền lên đến tỷ đồng cho ban tổ chức tùy vào danh hiệu. Các thí sinh không đồng ý chuyển khoản tiền mặc nhiên không đạt giải.
Chị bức xúc cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm nghiêm trọng do những khoản phí này là phát sinh thêm mà thí sinh tham gia cuộc thi không được phổ biến công khai, minh bạch, rõ ràng ngay từ đầu. Ngoài ra, chị H. nói ban tổ chức hứa hẹn nhiều về việc lan tỏa hình ảnh sau khi giành vương miện nhưng không thực hiện.
Vào tháng 12/2020, bà Q.H.L. - Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 chia sẻ, bà và các thí sinh khác đã phải bỏ hàng tỷ đồng cho cuộc thi. Theo bà L., mỗi thí sinh đều phải đóng 18 triệu đồng chi phí đăng ký và đóng thêm tùy danh hiệu muốn có. Bà Q.H.L. cũng thắc mắc tại sao cuộc thi đã trao vương miện hoa hậu cho bà, lại còn có thêm cả vương miện nữ hoàng.
Để có được danh hiệu hoa hậu, bà L. đã chi không dưới tỷ đồng. Bà cho hay cùng với danh hiệu hoa hậu của bà, cuộc thi trao giải cho 3 á hậu, 1 hoa hậu áo dài, 1 nữ hoàng, cùng khoảng 20 giải phụ khác. Theo bà L. tìm hiểu, danh hiệu nữ hoàng có giá 1 tỷ đồng, cao hơn giá hoa hậu.
Bà Q.L cho biết cuộc thi được tổ chức quá luộm thuộm. Ngày thi chung kết, thí sinh bị đưa từ Vũng Tàu về TP.HCM trong sự vội vã bởi Vũng Tàu không cho phép tổ chức. "Không những thế, trong đêm chung kết, khoảng 20 thí sinh trong tổng số 40 thí sinh dự đã lên sân khấu nhận vương miện", bà nói.
Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 sau đó bị xử phạt 90 triệu đồng vì hành vi tổ chức cuộc thi mà không xin giấy cấp phép.
Nhà thiết kế Việt Hùng - người có nhiều năm đào tạo, giúp đỡ các thí sinh đi thi hoa hậu - cho biết nhiều cuộc thi hoa khôi, hoa hậu vừa và nhỏ ở Việt Nam xảy ra tình trạng mua bán giải.
"Ngày trước, người ta thường đồn để có giải cao, cô A phải ngủ với người này người kia. Nhưng ngày nay, hai bên chủ yếu là trao đổi bằng tiền thôi. Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng mua giải được, còn phải tùy vào mối quan hệ của thí sinh với người đó như thế nào", NTK Việt Hùng chia sẻ.
Các cuộc thi uy tín 'nói không' với mua bán giải
Ngoại trừ những cuộc lùm xùm, bị đánh giá kém chất lượng, nhìn chung, nhiều sân chơi sắc đẹp uy tín, có thương hiệu, được tổ chức bài bản, quy mô cấp quốc gia như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam hay gần đây là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam... chưa xảy ra những ồn ào về chuyện mua bán giải.
Các cuộc thi sắc đẹp này vẫn là sân chơi uy tín lớn, thu hút nhiều thí sinh nổi bật tham gia, sự quan tâm của báo giới và khán giả.
Ở cuộc họp báo trước thềm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, ông Trần Việt Bảo Hoàng - phó trưởng ban tổ chức cuộc thi - nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề mua giải.
Trả lời thắc mắc từ truyền thông, CEO Bảo Hoàng khẳng định: "Những người dốc rất nhiều tâm sức tổ chức ra một cuộc thi lớn như thế này sẽ không dại gì đánh đổi tên tuổi, tiếng tăm của mình cho những điều như thế. Chúng tôi làm rất nhiều công tác, từ chuyện tổ chức, mời giám khảo quốc tế, mời công ty kiểm toán..., thì đương nhiên không có chuyện kết nối với ông bầu này, ông bầu kia, để cuối cùng đưa người của ông bầu đó đăng quang. Hoa hậu sẽ là người xứng đáng và phải thắng dựa trên điểm số của tất cả giám khảo".
Chung quan điểm, bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch công ty Sen Vàng, trưởng ban tổ chức Miss World Vietnam và Miss Grand Vietnam - khẳng định: "Không ai đủ tiền để mua giải hoa hậu. Bởi, nó là vô giá, là sự công nhận của cộng đồng, khán giả".
Bà Dung chia sẻ thêm trong những hoạt động bên lề của cuộc thi, bất cứ thí sinh nào đề cập tới chuyện mua giải đều bị loại trực tiếp.
"Các thí sinh trong mỗi cuộc thi hoa hậu cần chủ động để không đưa bản thân mình vào những hoàn cảnh được đặt vấn đề ngã giá trong việc mua giải. Ban giám khảo luôn làm việc khách quan, độc lập. Không một thế lực nào có thể chi phối được kết quả tại một cuộc thi hoa hậu do chúng tôi tổ chức", bà Dung khẳng định.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()