Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:18 (GMT +7)
“Chuyển mình” từ nông nghiệp sinh thái
Thứ 2, 28/02/2022 | 14:48:48 [GMT +7] A A
Quan điểm Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời tập trung phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Đây cũng là động lực để những nhà nông thế hệ 8X của Bình Phước tự tin triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế - môi trường khá rõ nét.
Từ nông nghiệp đến du lịch
18 ha là tổng diện tích khu du lịch sinh thái homestay Vườn Dừa tại ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Khu du lịch này trước đây là vùng đất bàu quanh năm ngập nước. 5 năm trước, chủ vườn đào mương, lên liếp để trồng dừa xen thơm (dứa). Nhờ có mương nước, người dân địa phương đến xin câu cá giải trí, vui chơi cuối tuần. Cảnh quan đẹp, không khí mát lành của khu vườn đã nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội như một điểm check-in thú vị. Người đến câu cá, vui chơi cuối tuần cứ tăng dần, kéo theo nhu cầu xin nước uống, mượn bếp than nướng cá tăng theo đến mức chủ vườn không thể cho không mãi.
Nắm bắt nhu cầu của khách đến vui chơi, chủ vườn Phạm Thị Hoàng Anh thuộc thế hệ 8X nảy sinh ý tưởng bán nước uống, bán than rồi dần chuyển thành khu du lịch miệt vườn homestay Vườn Dừa. “Chỉ những người yêu nông nghiệp, yêu môi trường thiên nhiên mới tìm đến đây. Thông qua du khách, em cũng học hỏi được rất nhiều trong việc làm nông. Trước đây, em không biết trồng mít đâu, du khách chỉ cho em cách tỉa cành tạo tán để cây mít phát triển bền vững. Họ còn chỉ em cách làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và cả thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp” - cô chủ trẻ thổ lộ.
Trước khi vườn dừa bước vào chu kỳ kinh doanh, vườn thơm được trồng xen trong khu du lịch sinh thái này cho thu nhập 3 tỷ đồng trong năm 2021. Chưa kể 7 phòng trọ được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bằng gỗ dừa trong khuôn viên đất nông nghiệp gắn với các chòi, thuyền câu cá phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, mỗi năm cũng giúp chủ vườn thu về cả trăm triệu đồng.
Văn hóa nông nghiệp cộng đồng
Không thể tả hết nét đẹp bình yên đến thơ mộng như tranh vẽ của đồng ruộng tại thôn Bù Cà Mau ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập với tổng diện tích hơn 200 ha. 80% người làm ruộng trên cánh đồng này là đồng bào S’tiêng. Với tập quán canh tác ngoài đồng, người S’tiêng thường mang cơm nước ra đồng từ sáng đến chiều. Đi kèm theo tập quán đó là những nhà chòi nghỉ ngơi giữa giờ lao động của người nông dân mọc lên nhan nhản giữa đồng ruộng.
Tận dụng màu xanh ngút ngàn và hương thơm ruộng lúa, chàng trai trẻ Lê Hoàng Anh Tuấn ở thôn Bù Cà Mau, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đầu tư, xây dựng khu dân cư sinh thái với tổng diện tích 10 ha ngay bên bờ ruộng. Tuấn còn sang nhượng thêm 10 ha ruộng lúa của người dân địa phương. Toàn bộ diện tích này được giao lại cho đồng bào tiếp tục trồng lúa. Phần lớn diện tích làm lúa không dùng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu nên nguồn nước trong veo hòa lẫn với hương thơm lúa non. Mục tiêu trồng lúa của chủ đầu tư là để bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước và hệ thủy sinh như ếch, nhái, cá, cò trên đồng ruộng.
“Đêm xuống, mọi tiếng kêu của các sinh vật trên đồng ruộng như một bản hòa tấu của thiên nhiên. Nhưng em thấy người dân đi chích điện bắt cá, như thế thì còn con gì sống được. Do vậy, em mới sang nhượng thêm đất để giao lại cho người đồng bào canh tác. Em phải ráng giữ môi trường trong veo ở đây” - ông chủ trẻ Lê Hoàng Anh Tuấn lý giải.
Anh Tuấn cho biết, chỉ tính riêng tiền đầu tư cây xanh, nạo vét ao hồ của khu sinh thái này hiện đã vượt hơn 5 tỷ đồng. Mặc dù khu dân cư chưa đưa vào hoạt động nhưng du khách gần xa đã tấp nập kéo về vui chơi, thưởng ngoạn sự yên bình của đồng quê trong những ngày cuối tuần.
Giá của nông nghiệp sinh thái
Được cha mẹ cho 2 ha điều giữa mênh mông núi rừng thuộc thôn 4, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, cứ thu được khoản nào từ vườn điều, chàng trai trẻ Triệu Dương lại tái đầu tư cho ao, cảnh quan của khu vườn. Dù sống trên rừng nhưng anh lại đi mua cây rừng, xoài, sung, lồ ô, tầm vông… về trồng xung quanh ao bên vườn điều. Việc làm của anh không chỉ người thân trong gia đình không ủng hộ mà cả bà con lối xóm đều bảo “dở hơi”.
Bỏ qua những lời dị nghị, sự kiên trì đầu tư cho môi trường sinh thái của vườn điều đã dẫn dắt chàng trai trẻ Triệu Dương đến với du lịch sinh thái một cách tình cờ.
“Em đâu biết gì về du lịch sinh thái. Các thầy cô, học sinh kéo đến chơi rồi chụp hình đưa lên faebook. Sau đó có cả cán bộ huyện, tỉnh, rồi cả người dân ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến. Họ mượn nồi, mượn bếp, mượn củi để nấu ăn rồi gửi tiền. Từ đó, em có tiền đầu tư thêm chén đũa để cho mượn rồi trở thành khu vui chơi cuối tuần của du khách gần xa từ lúc nào không hay” - Triệu Dương nhớ lại.
Không phải ngẫu nhiên du khách gần xa tìm đến khung cảnh vườn điều giữa mênh mông núi rừng này. Họ đến không chỉ vì môi trường trong lành mà vì những mảnh bom đan xen trong các bụi tầm vông, tre, trúc nhắc nhớ một thời cả dân tộc đồng lòng chống Mỹ cứu nước. Những hiện vật như rìu, cuốc cũng như vật dụng bằng đá được chủ vườn sưu tầm, tập hợp trong khu vườn như gợi nhớ thuở hồng hoang của loài người từ thời kỳ đồ đá. Chưa hết, những tố, ché của người S’tiêng cũng được trưng bày không chủ đích giữa không gian đầy nắng, gió của khu vườn. Khách đến tự khám phá vẻ đẹp hoang sơ nơi núi rừng, tự tìm về giá trị văn hóa của loài người, của lịch sử dân tộc, tự đuổi gà, câu cá rồi chế biến theo cách riêng của mình để thưởng thức. Chủ vườn chỉ phục vụ nước uống, cho thuê chén đĩa dùng một lần. Nhờ vậy, dù chỉ một mình, Triệu Dương vẫn làm du khách hài lòng mỗi khi tìm đến khu vườn được xem là chốn bình yên này. Mỗi năm, nguồn thu từ kinh doanh phục vụ du khách tìm đến vui chơi, giải trí cuối tuần cũng giúp chủ vườn thu về cả trăm triệu đồng, ngoài nguồn thu từ cây điều.
Lời kết
Từ homestay Vườn Dừa đến khu dân cư trên đồng ruộng lẫn vườn điều sinh thái rõ ràng là đồng ruộng, nương đồi. Thế nhưng, nguồn thu của người nông dân trong những khu vườn này không chỉ là giá trị của các mặt hàng nông sản mà còn là giá trị của văn hóa trong lao động, sản xuất. Người dân không chỉ bán hạt điều, hạt lúa hay trái dừa, trái thơm mà còn bán cả giá trị môi trường sinh thái của đồng ruộng, bán được giá trị vô hình của nông sản sạch. Nông nghiệp sinh thái, tự thân đã hàm chứa nhiều yếu tố như văn hóa cộng đồng, văn hóa ứng xử giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người… Do vậy, nông nghiệp sinh thái không chỉ giúp nông dân nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản mà còn góp phần xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150 ngày 28-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Đông Kiểm/ Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()