Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:29 (GMT +7)
Chuyện tác nghiệp báo chí ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa
Chủ nhật, 19/06/2022 | 16:29:08 [GMT +7] A A
Quá trình làm báo, chúng tôi hay đến các xã, thôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để tác nghiệp. Hiện nay, đường sá vào những nơi này đã tốt và thuận tiện hơn nhiều. Thế nhưng hơn chục năm về trước, nhiều thôn bản giống như ốc đảo, cuộc sống rất khó khăn.
Thôn Tân Lập của xã Quan Lạn (Vân Đồn) một thời giống ốc đảo, gần như tách biệt với cuộc sống trên đất liền. Vì thôn thuộc xã Quan Lạn, nhưng địa giới hành chính lại nằm trên xã đảo Bản Sen (Vân Đồn). Từ năm 2007 trở về trước, 100% hộ trong thôn đều là hộ nghèo, việc đi lại bằng đường thủy hay đường bộ đều khó.
Lần đầu đến Tân Lập, tôi đi cùng anh bạn ở xã Bản Sen. Chúng tôi đi từ sáng sớm, không có đường bê tông nên phải cuốc bộ hơn chục cây số tắt qua những cánh rừng. Đến gần trưa, trước mắt chúng tôi hiện ra hai con đường, một đường to và một đường nhỏ. Do lâu ngày không đến Tân Lập nên anh bạn đi cùng tôi cũng không rõ đường nào, vậy là chúng tôi đoán: “Chắc đường to là đường liên thôn, đường nhỏ là đường ra đồng ruộng” rồi cứ chọn đường to đi, nào ngờ càng đi càng thấy rừng hun hút, leo dốc mồ hôi vã ra, nhiều khi chân không bước nổi vì mệt.
Chúng tôi mới bàn nhau hay quay lại điểm xuất phát xem sao, vì có thể mình bị nhầm đường. Lần này chúng tôi chọn con đường nhỏ để đi, một lúc thì thấy sau những bóng cây rừng thấp thoáng một mái nhà hiện lên. Chúng tôi đến ngôi nhà hỏi đường, khi nghe chúng tôi kể lại chuyện, ông chủ nhà phá lên cười, hóa ra đường to là đường bà con làm để cho trâu đi, còn đường nhỏ là đường để cho người đi. Do ở Tân Lập thời điểm đó không có ô tô, xe máy, chỉ có người đi bộ, nên chỉ làm đường nhỏ. Nhưng vì trâu kéo gỗ, nếu đường nhỏ sẽ vướng víu không đi được, nên bà con làm đường to hơn để tiện lên rừng.
Huyện Hải Hà có xã Quảng Sơn giáp biên giới, đời sống người dân hơn chục năm về trước rất khó khăn. Đến Quảng Sơn đôi khi phải cẩn thận xem dự báo thời tiết từ hôm trước, vì thời tiết mưa lũ sẽ khiến nhiều con đường bị chia cắt.
Có lần, tôi cùng anh bạn quen ở Trung tâm TT-VH Hải Hà vào bản Loong Sỉ, xã Quảng Sơn, tìm hiểu về đời sống người dân. Anh bạn kia tuy là người bản địa, nhưng chắc cũng ít khi vào nơi này nên chưa có kinh nghiệm. Đi đến bản thì trời bắt đầu mưa, nhưng đã mất công đến thì cứ phải làm. Đến chiều tối chúng tôi mới về, nào ngờ, chiếc cầu tràn trên con đường trục xã đã bị ngập tràn, nước trôi cuồn cuộn. Nghĩ nếu cứ cố qua cầu không khéo bị lũ cuốn đi, nên chúng tôi quyết định tìm chỗ trú nhờ.
Xã Quảng Sơn thời đó rất khó khăn, bà con gần như 100% là hộ nghèo và trên địa bàn xã cũng ít dịch vụ ăn nghỉ. Không muốn làm phiền đến cán bộ xã, tôi và anh bạn đồng nghiệp địa phương vào nhà một người quen, vốn là người đã có lần chúng tôi viết báo về họ, vì nghĩ rằng chắc chỉ một lúc nước rút là có thể đi. Khi ấy ở Quảng Sơn còn rất nhiều hộ ở nhà tạm, gia đình chúng tôi trú nhờ mưa cũng thuộc diện này. Trong nhà chỉ có một chiếc giường là 4 cái cọc gỗ đóng xuống đất làm chân giường, rồi bắc các thanh gỗ ngang vậy là xong.
Trời vẫn mưa to, chúng tôi chấp nhận qua đêm ở nhà anh hộ nghèo. Gia chủ hỏi chúng tôi đã ăn cơm chưa, vì ngại chúng tôi trả lời là đã ăn cơm ngoài ủy ban xã rồi. Nói vậy vì chúng tôi thấy gia đình quá nghèo, nhìn ngoài sân chỉ có một con gà, mà chỉ còn ít ngày nữa là Tết Nguyên đán, nếu họ giết gà làm cơm đãi khách thì tết họ lấy gì cải thiện. Gia chủ có ý nhường chiếc giường duy nhất cho chúng tôi nghỉ ngơi qua đêm, nhưng nếu vậy cả nhà và nhất là đứa con nhỏ của họ sẽ phải nằm dưới đất nên chúng tôi lại chối: “Buổi tối, chúng tôi còn phải làm việc nữa, cứ mặc kệ chúng tôi quen thức đêm rồi”.
Gia chủ vốn là người thật thà, nghe vậy thì yên tâm thu xếp cho chúng tôi một chỗ dưới bếp. Vì thời điểm đó Quảng Sơn không có điện lưới, không có ti vi để xem nên họ đi ngủ sớm. Đêm hôm đó, chúng tôi có buổi trải nghiệm nhớ đời, vì bụng đói, lại thêm bị muỗi cắn, mà muỗi rừng con nào cũng to, đốt rất đau. May sao đến sáng trời tạnh mưa, nước sông đã rút, cầu tràn qua được. Chúng tôi trở về nhà và càng thêm thấm cuộc sống vất vả của người dân vùng cao.
Ngày nay, thôn Tân Lập (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), bản Loong Sỉ (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) sau chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân đã được nâng cao rất nhiều. Đường giao thông liên thôn, liên xã đã được cứng hóa, không còn ai phải ở nhà tạm, người dân phát triển kinh tế rừng, biển, nhiều hộ đã trở thành hộ khá. Thôn Tân Lập còn xuất hiện các triệu phú nhờ phát triển du lịch. Tuy chỉ là thôn, nhưng Tân Lập cũng được xây dựng bến cập tàu riêng, thuận lợi cho việc đi lại bằng đường thủy... Vậy là bao khó khăn một thời về giao thông trên những mảnh đất này giờ đây chỉ còn nằm trong ký ức của chúng tôi mà thôi.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()