Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:34 (GMT +7)
Chuyện kể về những chiến sĩ tàu không số ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 26/11/2023 | 08:18:08 [GMT +7] A A
Trong suốt giai đoạn chống Mỹ cứu nước, những người lính tàu không số ở Quảng Ninh đã tham gia nhiều cuộc hải trình chi viện cho miền Nam, góp phần thống nhất đất nước. Hiện nay, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Quảng Ninh chỉ còn lại 61 hội viên. Những năm chống Mỹ, mỗi người, mỗi một chuyến tàu lại có những câu chuyện có thể chưa đưa vào sử sách nhưng đã sống mãi trong tâm trí họ.
Cùng với Hải Phòng thì Quảng Ninh cũng là nơi xuất phát của những con tàu không số. Trong suốt chiều dài hoạt động của đoàn tàu không số, nhiều người con Quảng Ninh đã đóng góp xương máu của mình cho tuyến đường chi viện đặc biệt này.
Mặc dù biết đi là có thể chết, không hẹn ngày trở về nhưng các chiến sĩ tàu không số vẫn kiên định một ý chí chiến đấu sắt đá. Để làm được điều đấy, theo các CCB, đó chính là yếu tố “sức mạnh tinh thần”. Không có sức mạnh nào lớn hơn ý chí, và ở đây là ý chí của tinh thần chính trị, một lòng vì Tổ quốc.
Ông Vũ Đăng Khoa, 81 tuổi, hiện đang ở phố Nhà Thờ, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, nguyên là chiến sĩ tàu 67 thuộc Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) nhận lệnh đi Nam vào tháng 10/1964. Theo ông Khoa, đây cũng là đợt lính nghĩa vụ đầu tiên bổ sung cho miền Nam trên tàu không số. Lần đó, tàu 67 nhận hàng ở Tuần Châu neo ở hang Trinh Nữ rồi vào Vụng Ếch, làm lễ truy điệu sống, tàu nhổ neo vào lúc nửa đêm đi qua bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) để bảo dưỡng, tu sửa rồi mới chính thức lên đường.
Trên tàu chở 70 tấn vũ khí cùng 15 cán bộ, thủy thủ và 3 cán bộ tăng cường cho chiến trường miền Nam. 20 ngày sau, do đi trong đêm tối, trời lại mưa dông nên tàu 67 bị chệch hướng và mắc cạn ở Cồn Lợi (Bến Tre). Nhằm giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển, cán bộ, chiến sĩ tàu 67 được lệnh di chuyển vào bờ, trên tàu chỉ còn 3 người, trong đó có pháo thủ Vũ Đăng Khoa.
Ngay trong đêm, quân giải phóng và người dân địa phương đã nhanh chóng chuyển 70 tấn vũ khí trên tàu vào trong căn cứ. Con tàu bị mắc cạn giữa bãi cát khổng lồ, không có cách giải cứu. Ông Khoa kể: "Lúc đó, tôi nghĩ mình xuất thân là công nhân Vùng mỏ ra đi, bố mình cũng là công nhân cũng từng tham gia cách mạng, nếu quyết định phá tàu thì mình sẽ xung phong ở lại thực hiện nhiệm vụ này".
Ông Khoa xung phong ở lại điểm hỏa 3 tấn thuốc nổ phá tàu. Khoảng 1 giờ sau thì khối bộc phá phát nổ, con tàu nổ tung không để lại dấu vết, tuyến đường được an toàn. 15 cán bộ, thủy thủ ở lại Bến Tre khoảng hai tuần, sau đó theo tàu 154 ra Bắc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Ông Khoa tiếp tục trở lại Quảng Ninh và tham gia nhiều chuyến tàu khác nữa.
Ông Khoa nhớ lại: Phía Mỹ Ngụy vẫn tự hào không để lọt qua dù một con kiến, vậy mà 3 tàu của ta vẫn vào được, mắc cạn 3 ngày, bốc hết hàng hóa lên mà đến lúc hủy tàu rồi vẫn không bị lộ. Người dân thì yêu nước, cưu mang che giấu quân giải phóng. Chỉ những điều ấy thôi đã giúp tôi mường tượng rằng địch nhất định sẽ thua và miền Nam sẽ nhanh chóng được giải phóng.
Ông Khoa và đồng đội ở Quảng Ninh còn nhiều chuyện kể rất hay về đoàn tàu không số. Đó là chuyện tàu rời bến Vạn Hoa, Vân Đồn là nơi tàu 154 xuất phát năm 1969 vào thời điểm Bác Hồ qua đời, neo ở Vịnh Hạ Long, gần hang Sửng Sốt để làm lễ truy điệu Bác; chuyện đem hàng giấu trong lòng những hòn đảo nằm rải rác trên Vịnh Hạ Long. Hay như có chuyến đi từ Hạ Long, tàu đi vòng xuống tận hải phận Indonesia, qua Malaysia "du lịch" khắp vùng biển Đông Nam Á mà không bị máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện, chuyện tàu 41 đánh lừa địch suốt hải trình để cập bến Vũng Rô, Phú Yên.
Lại có chuyện vui khi ăn Tết Canh Ngọ 1973 ở cảng Trung Quốc, chuyện Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân và Đại tá Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 4 cử tốp văn công Quân khu 4 xuống tận bong tàu 604 biểu diễn văn nghệ cho các chiến sĩ nghe; rồi đến chuyện người lính hải quân neo tàu ở Vịnh Hạ Long nhớ nhà nhưng không được về...
Có những câu chuyện đau thương, mất mát như tàu 602 bị lộ ở vùng biển phía Nam, bị Mỹ ngụy đánh chìm, tàu 603 bị trúng bom rải thảm ở sông Cấm, tàu 604 bị trúng bom ở Vịnh Hạ Long. Các tàu của Đoàn 125 phải sơ tán, ẩn tàu và người ở căn cứ cảng Hậu Thủy, đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Ông Vũ Văn Đức, nguyên là chiến sĩ điện công, hiện sinh sống ở phố Giếng Đồn, TP Hạ Long, xúc động nhớ lại chuyện tàu 604 bị trúng bom Mỹ ở Vịnh Hạ Long khi chở đạn tên lửa từ Trung Quốc về Việt Nam cuối năm 1972. Ông Đức rưng rưng lật danh sách cán bộ, chiến sĩ tàu 604. Từng dòng tên như nhòe mờ trước đôi mắt già nua theo năm tháng và những cảm xúc nhớ thương. 22 cái tên, người còn, người mất nhưng không ai và không phút giây nào ông quên họ cả.
Trong hàng ngàn chiến sĩ của đoàn tàu không số là người Quảng Ninh, tôi chỉ có thể viết được về một vài mẩu chuyện vì không ít người đã mang những câu chuyện oai hùng của thế hệ mình về bên kia thế giới. Nhưng họ vẫn sống trong tâm trí thế hệ sau, sống mãi với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó còn là câu chuyện của những con người làm chủ đại dương. Và con cháu họ hôm nay ở thế kỷ 21 - “Thế kỷ của biển và đại dương”, lại làm chủ biển đảo, góp phần đưa Việt Nam với tiềm năng, thế mạnh của mình trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()