Tất cả chuyên mục

Đã 45 năm trôi qua, nhưng với những cựu chiến binh (CCB) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, câu chuyện về những tháng năm rực lửa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
CCB Trần Bá Đức (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) xem lại những tấm ảnh của đơn vị mình tham gia giải phóng Sài Gòn cách đây 45 năm. |
Ký ức không quên
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhớ về Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ánh mắt của CCB Trần Bá Đức (72 tuổi, phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) lại sáng lên, như sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Ông kể: "Năm 1967, khi đang làm công nhân Mỏ than Cọc Sáu, tôi lên đường nhập ngũ, được bổ sung vào Tiểu đoàn 27, Trung đoàn 31, Quân khu Trị -Thiên; đầu năm 1975 bổ sung cho Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...".
Vào tháng 3/1975, ông Đức là Chính trị viên Đại đội 23, Phòng Tham mưu, thuộc Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Quân đoàn 2 đã tham gia chiến dịch Trị -Thiên, chiến dịch Đà Nẵng, rồi hành quân thần tốc dọc tuyến duyên hải miền Trung. Ngày 23/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 triệu tập toàn bộ cán bộ chủ chốt cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn về Sở chỉ huy họp nhận lệnh quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 đảm nhận tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình, chiếm chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ và căn cứ hải quân Cát Lái, không cho địch rút ra biển theo hướng sông Lòng Tàu.
Đúng 17h ngày 26/4, quân ta đồng loạt nổ súng mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, tất cả các cánh quân đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Lúc này, Sư đoàn 325 hình thành mũi đột kích tiến đánh quân lỵ Long Thành. Địch lợi dụng địa hình bố trí hỏa lực mạnh chống trả quyết liệt, làm nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh. "Tôi đã chứng kiến nhiều đồng đội chiến đấu mưu trí dũng cảm, hy sinh, để đơn vị từng bước vượt qua các ổ đề kháng của địch. Chiều 27/4, Long Thành giải phóng. Tiếp đó, đơn vị đánh chiếm chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, tập trung lực lượng áp sát phía bắc phà Cát Lái..." - CCB Trần Bá Đức kể.
Sau khi giải phóng thành Tuy Hạ vào chiều 29/4, quân ta áp sát phía bắc phà Cát Lái. Sáng 30/4, xe tăng, tàu của quân ta có pháo binh yểm trợ, đồng loạt vượt sông đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, làm bàn đạp tiến vào nội đô Sài Gòn. Ông cùng cán bộ Tham mưu Sư đoàn 325 sang đóng quân tại căn cứ Cát Lái để hiệp đồng các đơn vị tiến vào nội đô Sài Gòn chiếm Bộ Tư lệnh hải quân Ngụy. Trưa 30/4, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng. "Nghe tin Sài Gòn giải phóng, tất cả anh em chạy ùa ra ôm nhau vừa khóc, vừa cười. Các đồng đội của tôi reo vang với nhau “hòa bình rồi mày ơi...”. Cảm giác hạnh phúc vô bờ vẫn in đậm trong tâm trí tôi tới hôm nay" - CCB Trần Bá Đức xúc động.
![]() |
CCB Trần Bá Đức (bên phải) chụp cùng Ban chỉ huy Đại đội 23, Phòng Tham mưu Sư đoàn 325, tại Lai Phước (Quảng Trị) năm 1973. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
CCB Trần Quốc Mạnh (65 tuổi, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến sĩ của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Ông kể: "Chúng tôi là lực lượng có nhiệm vụ thọc sâu, cơ động thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Trước giờ nổ súng, đơn vị được phát trang phục quần, áo, mũ mới, vũ khí đạn dược đầy đủ. Chỉ huy Trung đoàn phát động phong trào thi đua với tinh thần một ngày bằng 20 năm, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...".
Đúng 17h ngày 26/4, tất cả các loại pháo tầm xa đồng loạt trút bão lửa vào các căn cứ đề kháng địch tại Sài Sòn. Đơn vị của ông được lệnh đánh chiếm ngã ba đường số 15, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Đến 8h30 ngày 29/4, đơn vị của ông tiến đến cầu Sài Gòn. Tại đây, đơn vị đặc công và Lữ đoàn xe tăng 203 đang quyết chiến với địch. Tại phía đối diện cầu Sài Gòn, địch bố trí lô cốt, xe tăng, ca nô trên sông Sài Gòn chống trả quyết liệt. Giữa ta và địch giành giật từng vị trí. Đơn vị của ông bố trí đội hình chiến đấu ngay phía sau. Sáng 30/4, khi bổ sung thêm xe tăng, đơn vị của ông áp sát xe tăng, tiến lên cầu diệt từng ổ đề kháng địch, xe tăng địch bị ta bắn cháy khói nghi ngút.
Sau khi qua cầu, đơn vị cùng xe tăng được các chiến sĩ biệt động thành dẫn đường đến thẳng Dinh Độc Lập. Người dân Sài Gòn ùa ra hai bên đường, cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào quân giải phóng. 11h30 ngày 30/4, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc kết thúc, thắng lợi hoàn toàn. "Khoảnh khắc trưa 30/4 ấy không bao giờ tôi quên được. Người cầm cờ, nhiều người cầm tờ tiền 10 đồng có ảnh Bác Hồ đứng vẫy. Tất cả vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Lúc đó tôi nghĩ không biết ở ngoài Bắc, bố mẹ tôi đã biết tin chưa..." - CCB Trần Quốc Mạnh bồi hồi nhớ lại.
CCB Trần Quốc Mạnh (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) say sưa với phong trào của Hội CCB với vai trò Phó Chủ tịch Hội CCB TP Hạ Long. |
CCB Nguyễn Minh Tuấn (72 tuổi, phường Đông Mai, TX Quảng Yên) trong những ngày tháng tư lịch sử, ông là Chính trị viên Đại đội Trinh sát, Trung đoàn 41, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Ông kể: Đơn vị chúng tôi nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Tây Lào. Khi biết tin đơn vị được bổ sung cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tâm trạng cán bộ, chiến sĩ vô cùng hăng hái, chỉ muốn được xuất quân ngay. Sau khi được bổ sung lực lượng, trang bị phương tiện, từ cuối tháng 2/1975 đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân thẳng vào chiến trường miền Nam. Đơn vị thần tốc hành quân đêm ngày. Lúc này quân ta đã giải phóng Tây Nguyên và Huế, khi đơn vị tôi vào đến Đà Nẵng thì Đà Nẵng cũng vừa được giải phóng...".
Sau khi củng cố lực lượng tại Đà Nẵng, đơn vị của ông tiến thẳng vào các vị trí địch còn kháng cự. Khí thế tiến công của quân ta như chẻ tre, đánh đến đâu địch tan rã đến đó. Các địa phương vừa giải phóng, nhân dân cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào, đón bộ đội giải phóng.
Tàn quân địch bị đánh tan ở các nơi kéo về co cụm phòng thủ tại thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đơn vị của ông bố trí đội hình chiến đấu tiêu diệt địch. Đơn vị trinh sát của ông có nhiệm vụ bám sát các khu vực phòng thủ của địch, đánh giá cụ thể về bố trí hỏa lực cùng lực lượng địch, hiện trạng các cầu, cống, đường cơ động, đảm bảo an toàn cho đơn vị khi tiến công.
Sau khi Sư đoàn giải quyết các ổ kháng cự của địch tại Thủ Dầu Một, các bộ phận tiếp tục hành quân bổ sung cho các đơn vị tuyến trên. Đại đội của ông ở lại phối hợp cùng cán bộ địa phương cơ sở xây dựng chính quyền, ổn định tâm lý người dân. "Ngày 30/4/1975, khi biết tin Sài Gòn được giải phóng, chúng tôi vô cùng vui mừng, đất nước đã thống nhất, tôi và các đồng đội sẽ được trở về quê hương trong bầu không khí hòa bình mà cả dân tộc hằng mơ ước" - CCB Nguyễn Minh Tuấn nói.
![]() |
CCB Ngô Đức Nghĩa (TP Uông Bí) xúc động xem lại bức ảnh chụp ông bên chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. |
CCB Ngô Đức Nghĩa (TP Uông Bí) năm nay 68 tuổi. Hồi tưởng về chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm xưa, mắt ông sáng lên, khuôn mặt rạng ngời như sống lại thời khắc đó. Ông kể: Ông nhập ngũ năm 1971, khi mới 19 tuổi. Sau huấn luyện, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 215, Binh chủng Tăng thiết giáp.
Đầu năm 1975, đơn vị ông được lệnh vào chiến trường miền Nam tăng cường cho Đoàn tăng Thiết giáp M26 miền Đông Nam Bộ, phối thuộc cho Quân đoàn 4 tham gia giải phóng Sài Gòn. Ngày 26/4 Chiến dịch bắt đầu, đơn vị ông cùng bộ binh của Quân đoàn 4 tiến đánh Trảng Bom và Hố Nai (Đồng Nai). Lực lượng địch phòng ngự tại khu vực này rất mạnh, chúng chống trả quyết liệt nhằm bảo vệ sân bay Biên Hòa và Đông Bắc Sài Gòn.
Sau một ngày chiến đấu anh dũng, ngày 27/4, quân ta chiếm được Trảng Bom. Ngày 28/4 toàn đơn vị tiếp tục tiến về giải phóng Hố Nai. Tại đây trận đánh diễn ra rất ác liệt, xe tăng ta yểm trợ cho bộ binh tiến lên. Địch từ các điểm cao sử dụng pháo bắn thẳng, súng chống tăng kháng cự quyết liệt, làm nhiều xe tăng của ta trúng đạn bốc cháy. Trung đội trưởng Ngô Đức Nghĩa chỉ huy 2 xe tăng T54 tiến sâu trận địa. Ông tận mắt chứng kiến xe tăng của đồng đội bị súng chống tăng M72 của địch bắn trúng; đồng đội ngay lập tức bật nắp xe, cầm súng AK nhảy ra, cùng bộ binh xung phong tiêu diệt địch.
Tại Hố Nai, ông Nghĩa bị sức ép của bom làm rạn cột sống, nhưng vẫn chiến đấu kiên cường. Ngày 28/4, quân ta giải phóng hoàn toàn Hố Nai, tiến vào sân bay Biên Hòa, cách Sài Gòn 30km. Tối 28/4, đơn vị ông cùng với các Sư đoàn 1, 7, 9 của Quân đoàn 4 được lệnh tiến vào giải phóng Sài Gòn theo hướng Đông Bắc. Tinh thần anh em lúc này khí thế hừng hực, mong tiến nhanh về Sài Gòn. Trưa 30/4 các đơn vị của Quân đoàn 4 đến cầu Sài Gòn. Anh em được biệt động thành dẫn đường tiến vào Dinh Độc Lập...
Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Đi qua cuộc chiến, trở về với gia đình, quê hương, mặc dù mang trong mình nhiều thương tích, nhưng các CCB vẫn thể hiện ý chí, nghị lực, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền...
![]() |
CCB Trần Quốc Mạnh nói chuyện truyền thống cho học sinh Trường TH,THCS xã Đồng Sơn (TP Hạ Long). (Ảnh Nhân vật cung cấp) |
Sau giải phóng miền Nam, ông Trần Bá Đức tiếp tục tham gia tiễu trừ phản động Fulro tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Năm 1976, ông tham gia chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng Lào non trẻ. Giai đoạn 1978-1979 ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp LLVT và nhân dân nước bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Tháng 10/1988, ông Đức là Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2), chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau nhiều năm đảm nhận các chức vụ khác nhau trong các sư đoàn và quân đoàn, đến năm 2000 CCB Trần Bá Đức nghỉ hưu ở cương vị Trưởng Ban Tuyên huấn Quân đoàn 2, quân hàm đại tá.
Trở về địa phương, ông Đức tích cực tham gia công tác xã hội. Ông làm bí thư chi bộ khu phố, từ năm 2002 là Chủ tịch Hội CCB TP Cẩm Phả 3 khóa; Phó Ban Pháp chế HĐND TP Cẩm Phả. Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các cấp ủy, chính quyền tin tưởng, hội viên CCB quý mến. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, hằng ngày ông vẫn theo dõi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và tỉnh. Ông luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến cho chính quyền cơ sở, giúp đỡ hội viên khó khăn.
CCB Trần Quốc Mạnh (thứ 4, trái qua) cùng hội viên CCB thăm mô hình phát triển kinh tế tại xã Dân Chủ (TP Hạ Long). |
Ông Trần Quốc Mạnh cũng tiếp tục ở lại quân ngũ tham gia truy kích Fulro tại Tây Nguyên. Năm 1977, ông được đơn vị cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội); năm 1980 ông về Trung đoàn 791 Đặc khu Quảng Ninh. Trước khi nghỉ hưu năm 2008 với quân hàm thượng tá, ông là Phó Ban CHQS huyện Đầm Hà.
Trở về địa phương, ông Mạnh được tin tưởng, bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 8 (thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ cũ). Năm 2012, ông được bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Hoành Bồ (cũ). Sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập về TP Hạ Long, hiện ông là Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB TP Hạ Long. Ông luôn sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên, của người dân; cùng với BCH Hội đề xuất nhiều cách giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn. Phong trào Hội CCB gương mẫu nhiều năm qua được ông xây dựng phát triển rộng khắp, là điểm sáng của Hội CCB tỉnh.
CCB Nguyễn Minh Tuấn (phường Đông Mai, TX Quảng Yên) rất tự hào khi kể về mùa xuân toàn thắng cách đây 45 năm. |
Cuối năm 1975, ông Nguyễn Minh Tuấn ra Bắc dự khóa đào tạo sĩ quan biên phòng. Cuối năm 1976, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian công tác, ông đảm nhận nhiều vị trí chức vụ. Đến tháng 6/2000 ông nghỉ hưu trên cương vị Chủ nhiệm Hậu cần, BĐBP Quảng Ninh với quân hàm thượng tá.
Trở về địa phương, ông Tuấn nhiệt tình tham gia các hoạt động. Từ năm 2011- 2017, ông là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội CCB TX Quảng Yên. Ông có vai trò quan trọng đặt nền móng cho phong trào CCB TX Quảng Yên tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thắp sáng đường quê trên địa bàn.
Ông Tuấn còn thường xuyên được mời tham gia nói chuyện chiến trường, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên tại các trường học trên địa bàn. Những câu chuyện ông kể luôn gieo ấn tượng mạnh trong thanh thiếu niên về những tấm gương chiến đấu mưu trí dũng cảm của bộ đội ta trong cuộc tiến công thần tốc giành toàn thắng năm 1975.
Dương Trường
[links()]
Ý kiến ()