Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:21 (GMT +7)
Chuyện kể của chiến sĩ Điện Biên
Chủ nhật, 05/05/2024 | 13:36:40 [GMT +7] A A
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Quảng Ninh có hàng ngàn người con ưu tú tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" như lời thơ của Tố Hữu. Hiện nay, toàn tỉnh có 148 chiến sĩ Điện Biên, 28 thanh niên xung phong, 7 dân công hỏa tuyến còn sống. Nhiều người trong số họ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhắc về chiến thắng Điện Biên, họ như trở lại tuổi thanh xuân ngày nào.
Mang hào khí Bạch Đằng lên Điện Biên
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, TX Quảng Yên có hàng trăm người mang theo hào khí Bạch Đằng lịch sử lên Tây Bắc. Ông Phạm Quang Trung sinh ra và lớn lên tại xã Liên Vị (TX Quảng Yên) trong một gia đình nông dân nghèo. Cuối tháng 2/1951, ông Trung viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới tại Đại đội địa phương 915, đóng tại khu vực Nam Mẫu (thuộc xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí ngày nay), ông Trung được điều lên Tây Bắc biên chế tại Đại đội 53, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316.
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tại trận đánh bao vây sân bay Mường Thanh, ông Trung bị một quả đạn pháo bắn vào hông trái. Vết thương khá sâu ở vùng chậu và chảy nhiều máu làm ông ngất lịm đi. Đồng đội đã cõng ông về doanh trại sơ cứu rồi chuyển về Quân y Trung đoàn. Tại đây, bác sĩ phẫu thuật đã gắp mảnh đạn pháo ra và chữa trị hơn 1 tháng. Khi vết thương tạm thời ổn định, đơn vị quyết định chuyển ông Trung về tuyến sau nhưng ông một mực đòi ở lại, trực tiếp lên gặp và xin cấp trên cho trở về tiểu đội tiếp tục chiến đấu.
Ngày 6/4/1954, khi Thượng sĩ Phạm Quang Trung đang ở công sự thì chỉ huy đơn vị yêu cầu chuẩn bị mọi thủ tục, nhanh chóng để kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Trung quá bất ngờ và hạnh phúc. Vì ở chiến trường, nên buổi lễ kết nạp đó đã diễn ra nhanh chóng và gọn nhẹ. Chỉ huy đơn vị lúc đó giải thích rằng, đã theo Đảng đi chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình thì bỏ qua khâu học cảm tình Đảng. Thời gian khoét núi, ngủ hầm chiến đấu ở Điện Biên này là quá đủ thử thách. Người giới thiệu vào Đảng là hai đồng chí chỉ huy đơn vị. Ông Trung tiếp tục công tác tại đơn vị thêm mấy năm nữa, sau khi Điện Biên được giải phóng.
Từ chiến trường trở về, vì vết thương chiến tranh và gánh nặng tuổi tác, nhiều người ở TX Quảng Yên đã mang theo ký ức Điện Biên về bên kia thế giới. Trên địa bàn thị xã chỉ còn 45 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến còn sống. Họ đều đã bước qua tuổi 90, sức khoẻ đã sa sút như: Ông Lương Văn Quyết (cư trú tại thôn Cỏ Khê, xã Tiền An), ông Nguyễn Văn Khang (cư trú tại khu Tân Thành, phường Minh Thành), ông Phạm Bá Bền (ở khu Lâm Sinh 1, phường Minh Thành), bà Nguyễn Thị Tập (khu 2, phường Phong Cốc), ông Đỗ Quý Phùng (khu 6, phường Yên Giang)...
Họ đều là những người một thời từng trực tiếp mang hào khí Bạch Đằng lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trở về quê hương bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử, những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa dù tuổi cao nhưng vẫn có nhiều đóng góp tích cực, bảo ban cháu con xây dựng thị xã ngày càng đổi mới.
Người cứu thương cho Phan Đình Giót
Giống như ông Trung, ông Phạm Công Thành ở khu Chùa Bằng, phường Quảng Yên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với khí phách người trai vùng đất Bạch Đằng. Ông đi học quân y 6 tháng rồi về Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Là chiến sĩ quân y, ông Thành có nhiệm vụ băng bó, cấp cứu thương binh, chuyển về tuyến sau, chôn cất tử sĩ. Khi tập trung toàn lực lượng, ông lại cùng đơn vị đào hầm hào, tham gia kéo pháo, củng cố trận địa.
Chính năm tháng ở Điện Biên đã giúp ông Thành gặp được những anh hùng của thời đại. Ông đã trực tiếp cứu thương cho một chiến sĩ đặc biệt, sau đó mới biết là anh hùng Phan Đình Giót. Ông kể trong xúc động: “Chiều ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào cứ điểm Him Lam. Bộ đội Đại đội 58 lao lên mở đường. Hỏa lực của Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống dưới mưa bom bão đạn. Sau đó, những người lính của Đại đội 58 đã dùng phương án đánh bộc phá. Nghe nhiều người kể lại, Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi. Lúc ấy cỡ khoảng 10 giờ đêm. Tôi băng bó cho anh. Dù bị thương nhưng anh vẫn xung phong đánh tiếp”.
Ông Thành tiếp tục câu chuyện: “Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, rồi ôm bộc phá, cầm tiểu liên mở thông đường để quân ta lên đánh lô cốt đầu cầu, rồi tiến công lô cốt số 2. Lần này, anh bị thương vào vai, mất máu nhiều. Đồng đội đưa anh lùi lại phía sau. Tôi tiếp tục băng bó cho anh”.
Băng bó xong cho anh Giót được một lát, thì ông Thành nghe thấy đạn pháo từ lô cốt số 3 tiếp tục bắn mạnh. Mũi tiến công của đơn vị bị ùn lại. Lúc này, anh Giót mất máu nhiều, đã yếu nhưng vẫn nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to xung phong. Rồi sau đó, Phan Đình Giót ôm bộc phá lao cả thân mình úp vào bịt kín lỗ châu mai. Chỗ ông Thành đứng cách lô cốt của Pháp cỡ chừng hơn 200m nên quan sát khá rõ. “Tôi nghe đạn pháo bỗng im lặng đoán biết hỏa điểm của Pháp bị dập tắt. Quân ta tiếp tục xung phong. Rồi lại nghe tiếng đạn pháo bắn ra. Tôi không dám tin Phan Đình Giót đã hy sinh”- Người lính già bùi ngùi nhớ lại.
Giống như ông Thành, ông Trần Trọng Tú (ở khu 6A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) có mặt ở Điện Biên Phủ từ trước khi bắt đầu chiến dịch. Cuối năm 1953, ông đã cùng đơn vị lên Mường Phăng và tham gia xây dựng Sở Chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.
Trước đợt tiến công thứ nhất (13/3/1954), ông Tú là Đại đội phó Đại đội 277, Tiểu đoàn 279, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 (hay còn gọi là Đại đoàn Quân Tiên phong), được giao chỉ huy đơn vị khống chế hệ thống cấp nước sinh hoạt, chia cắt cứ điểm Điện Biên Phủ. Ông Tú và 27 chiến sĩ của đại đội hỗ trợ công binh xây dựng hầm hào, cắt đường ống dẫn tại các bốt địch từ khu vực Bản Kéo đến Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm.
Khác với ông Thành, ông Tú, ông Đỗ Tử Mỹ, là lính pháo binh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn pháo 120, thuộc Trung đoàn 675, Sư đoàn 351 Bộ Tư lệnh pháo binh. Tuyến đường mà tiểu đoàn của ông Mỹ bảo vệ thường xuyên bị máy bay địch oanh tạc đêm ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và sức khoẻ của các lực lượng tham gia vận chuyển quân lương, quân nhu. Tuy khó khăn chồng chất nhưng tuyến đường này sau hơn 6 tháng phục vụ chiến dịch đã vận chuyển được gần 3 vạn tấn quân lương, nhu yếu phẩm. Trong chiến dịch, đơn vị ông đã phối hợp chặt chẽ với công binh xây hầm hào để kéo pháo vào, ra. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn, ông Mỹ đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến Công hạng Nhì.
Trên địa bàn toàn TP Hạ Long có tổng số 60 người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như ông Mỹ. Trong 34 người từng là chiến sĩ Điện Biên có người từng giữ cấp bậc ở quân đội như: Ông Đặng Đình Cư (phường Hồng Hải) từng là Thiếu uý, Trung đội trưởng; ông Đào Xuân Mộc (khu Trới 1, phường Hoành Bồ) từng là Tiểu đội trưởng, ông Nguyễn Đức Khuê (khu Trới 1, phường Hoành Bồ) từng là Tiểu đội phó, ông Thái Hà (khu 6, phường Giếng Đáy) từng là thiếu uý, Trung đội trưởng, ông Đồng Xuân Luật (khu Trới 6, phường Hoành Bồ) từng là Trung đội trưởng, ông Bùi Xuân Phúc (khu 3A, phường Giếng Đáy) từng là Tiểu đội trưởng; ông Phạm Văn Ba (phường Hoành Bồ) là Trung đội trưởng.
Còn thống kê toàn tỉnh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có hàng ngàn người con ưu tú tham gia chi viện cho chiến dịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 148 chiến sĩ Điện Biên, 28 thanh niên xung phong, 7 dân công hỏa tuyến còn sống. Trong chiến đấu, những người con ưu tú của Quảng Ninh đã cống hiến sức lực, máu thịt của mình làm nên chiến thắng. Nhiều người lính Điện Biên năm ấy lại tiếp tục chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.
Trở về địa phương, họ lại tiếp tục cống hiến trong các cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế chiến đấu đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Năm tháng trôi qua, những bận rộn lo toan của cuộc sống thường nhật và cả gánh nặng tuổi tác cũng không làm lu mờ cái phần ký ức về quãng đời tuổi trẻ vẫn hiện hữu trong tâm trí những chiến sĩ Điện Biên ngày nào.
Phạm Học
- Ngày Âm nhạc Quảng Ninh 2024: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - vang mãi bản hùng ca
- Triển lãm tranh cổ động chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
- Toàn cảnh tổng duyệt diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
- Triển lãm 'Đường lên Điện Biên' kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
- 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đợt tiến công thứ hai - 30 ngày đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
- Phát hành bộ tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
- 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: 56 ngày đêm chấn động địa cầu
Liên kết website
Ý kiến ()