Tất cả chuyên mục

Chế tạo máy cạo phoi tre từ máy vò chè
Bà con xã Quảng Long (huyện Hải Hà) thường gọi anh Đỗ Xuân Thạo, thôn 5 là “nhà sáng chế nông dân”. Nghề chính của anh là trồng, chăm sóc và chế biến chè, vậy nhưng anh lại nhận Bằng chứng nhận đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật nông nghiệp nông thôn tỉnh lần thứ I - năm 2013 và Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh, Giấy khen của Sở KH&CN từ sáng chế máy cạo phoi tre. Điều tôi bất ngờ nữa là anh Thạo mới trình độ văn hoá cấp THCS chứ không phải là kỹ sư. Anh cười xoà: “Tôi nghĩ ra cái máy đó trước mắt là phục vụ cho mình, sau giúp đỡ những nông dân khác. Vậy thôi, khi làm ra nó tôi nào có tính đến chuyện giành giải thưởng gì đâu”.
Có một thời việc trồng và sao bán chè ở đất Quảng Long kém lắm, người nông dân chật vật với nghề chè. Anh Thạo thấy bên hàng xóm có nhà đã đổi sang nghề cạo phoi tre, tạo nguyên liệu trộn với hắc ín dùng khảm vào những kẽ hở của ván ghép tàu, thuyền rất hiệu quả, tránh được nước ngấm vào để bán cho các cơ sở đóng tàu thuyền. Người cạo phoi tre theo cách thông thường là đặt con dao ngược lưỡi lên rồi dùng cây tre đẩy đi đẩy lại qua lưỡi dao cho ra phoi. Anh Thạo chợt nghĩ đến chiếc máy vò chè của nhà mình đã bỏ không nhiều ngày, có thể cải tiến thành chiếc máy cạo phoi tre, vì nó cũng có những hoạt động tương tự. Sau nhiều ngày mày mò, anh Thạo đã chế tạo ra chiếc máy cạo phoi tre từ việc cải tiến chiếc máy vò chè của gia đình mình. Từ khi có máy, công việc cạo phoi tre của gia đình anh khấm khá hơn, bởi năng suất máy đạt khoảng 20kg phoi tre/công trong khi một người không dùng máy, chỉ cạo được khoảng 4kg phoi tre/công. Vậy là nhiều người đến học hỏi anh về máy, anh đều chỉ bảo tận tình, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập.
Hiện nay, các rừng tre ở Hải Hà đã thu hẹp dần, nghề cạo phoi tre không còn làm ăn tốt như trước đó nữa, trái lại ở Quảng Long nghề trồng và chế biến chè lại lên ngôi. Người trồng chè sống được với nghề và nhiều người còn làm giàu được từ chè. Anh Thạo trở lại với nghề cũ, anh bảo: “Dẫu sao, sáng kiến của tôi vẫn còn được áp dụng ở những xã vẫn còn các hộ làm nghề cạo phoi tre ở các xã Quảng Thịnh, Quảng Chính của huyện Hải Hà…”.
![]() |
Anh Phạm Văn Khiêm (bên phải) vận hành chiếc máy sàng chè - một phát minh trước đây của anh. (Ảnh minh hoạ) |
Sáng chế máy định hình búp chè từ phế liệu
Ở xã Quảng Long còn có một “Nhà sáng chế nông dân” nữa, đó là anh Phạm Văn Khiêm, thôn 9, có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp mình, giúp người. Năm 2013, chiếc máy định hình búp chè của anh đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV.
Anh Khiêm là một trong số những người đầu tiên sản xuất chè ở Quảng Long. Thuở anh mới lập nghiệp, vốn ít không có tiền để tự mua cho mình chiếc máy sao chè, anh Khiêm tự mày mò chế tạo cho mình chiếc máy sao chè từ các vật dụng rất đơn giản trong nhà như thùng phuy, cái mô tơ cũ v.v.. Thế nhưng từ sáng chế ban đầu này lại tạo ra những sản phẩm giúp anh Khiêm cùng gia đình vượt qua thời kỳ khó khăn, để bây giờ trở thành một trong những người làm ăn phát đạt từ cây chè trên đất Hải Hà. Anh có tiền lập xưởng chế biến chè với dây chuyền sản xuất gồm máy vò, máy sấy, máy sao lăn chè trị giá hơn 1 tỷ đồng. Vào mùa vụ chè, xưởng của anh Khiêm chế biến được khoảng từ 3-8 tấn chè mỗi ngày, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với thu nhập trên dưới 6 triệu đồng/người/tháng.
Tuy đã có đủ thứ máy, nhưng trong dây chuyền sản xuất ấy vẫn có công việc phải làm thủ công, đó là việc sàng chè. Người sàng chè phải xoa tay trên lớp chè sao cho chúng giữ nguyên hình dạng búp chè, không bị vụn nát. Công việc này nhẹ nhàng, nhưng phải hít nhiều bụi chè hắt hơi, cay mắt lại tê rát lòng bàn tay nên nhiều người rất ngại. Trong đầu anh Khiêm nghĩ đến việc sáng chế chiếc máy sàng chè. Vậy là một lần nữa, từ những vật dụng cũ, anh Khiêm chế biến ra chiếc máy sàng chè sản xuất hiệu quả đặt tên là “Máy định hình búp chè”. Anh dùng miếng gang uốn thành khung tròn rồi hàn vào, cắt tôn ra làm cánh quạt và tận dụng luôn mô-tơ chiếc máy sao chè cũ kém hiệu quả để quay cánh quạt cao su, cũng là tận dụng từ các lốp xe máy cũ. Hoạt động của máy có hiệu quả như người sàng chè, nhưng có con mắt để định hình được búp chè sao cho không vụn vỡ. Máy lại đầu tư rẻ tiền vì tận dụng được các vật dụng cũ. Cũng theo anh Khiêm, nếu như trước đây một lao động khoẻ sàng chè chỉ đạt được khoảng 2-3 tạ/giờ thì nay máy có thể đạt được 8-9 tạ/giờ, tiết kiệm thời gian lại cho ra sản phẩm chè đẹp mắt hơn. Từ việc nâng cao năng suất sàng chè mà từ đó nâng cao được năng suất các máy móc khác trong dây chuyền sản xuất. Sáng kiến của anh Khiêm được rất nhiều chủ cơ sở sản xuất chè trên địa bàn đến tìm hiểu và học hỏi theo.
Công Thành
Ý kiến ()