Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:30 (GMT +7)
Chuyên gia quốc tế đánh giá cao những thành công làm nên uy tín Việt Nam
Thứ 3, 26/01/2021 | 21:47:57 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các chuyên gia và truyền thông quốc tế đã đánh giá về những thành công làm nên uy tín của Việt Nam, cũng như những khía cạnh chính của Đại hội Đảng XIII.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn ý kiến của Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Hamburg và chuyên gia kinh tế Daniel Müller của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) nhận định yếu tố then chốt làm nên thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp giữa hành động hướng tới tương lai và có mục tiêu, tính tới thực tế và luôn nhất quán rõ ràng.
Thành công lớn nhất là lĩnh vực kinh tế. Việt Nam đã từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu trở thành thị trường mới nổi phát triển với trọng tâm là sản xuất thương mại - điều đáng được trân trọng. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể và các chỉ số xã hội đạt được tiến bộ. Những thành tựu kinh tế có được là nhờ Việt Nam đã tham gia vững chắc vào thị trường thế giới qua chính sách thương mại tự do và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên trường quốc tế, Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể: Vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) càng được nâng cao sau khi đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch năm 2020; Việt Nam đã trở thành đối tác tiềm năng tcủa một số quốc gia châu Á và phương Tây trong nhiều lĩnh vực, kể cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo hai chuyên gia trên, Đức cũng rất mong muốn làm cho “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan chiều 15/11. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Các chuyên gia Đức nhấn mạnh thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã được thế giới chú ý và khen ngợi, đáng được những nước đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như Mỹ, Brazil và các nước Tây Âu quan tâm học hỏi. Trên thế giới, có nhiều chiến lược chống dịch đạt kết quả. Điều quan trọng là các biện pháp cần được thực hiện ở giai đoạn đầu một cách nhất quán và được người dân tích cực ủng hộ. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về điều này. Thành tích chống đại dịch đã góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước, uy tín của lãnh đạo và cũng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế.
Dự báo đường hướng đối nội, đối ngoại của Việt Nam sắp tới, Giáo sư Engelbert và chuyên gia kinh tế Müller cho rằng nhờ thành công chống dịch, nên trong ngắn hạn, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi ích từ việc các hoạt động kinh tế hầu như không bị gián đoạn. Điều này cho thấy Việt Nam đang nắm giữ cơ hội rất tốt để tạo đà tiếp tục phát triển kinh tế sau khi đại dịch lắng xuống.
Hai chuyên gia nêu rõ Việt Nam cần tận dụng ưu thế hiện tại để thực hiện các chính sách cải cách và hiện đại hóa cần thiết: Xây dựng mạng lưới nhà cung cấp hiệu quả hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp trong nước; Doanh nghiệp nhà nước cũng phải hoạt động hiệu quả hơn... Những bước đi này có thể giúp Việt Nam hưởng lợi ích đáng kể từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa các điều kiện để trở thành “điểm đến công nghệ cao” (ví dụ như trong việc số hóa rộng rãi các quy trình sản xuất và các công ty Đức được xem là đối tác rất tốt cho việc này), đồng thời giảm phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị gia tăng của chính công ty. Các công ty Việt Nam cần được tạo điều kiện để tận dụng các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Cơ sở hạ tầng, cung cấp năng lượng và cảnh quan giáo dục phải bắt kịp với sự phát triển kinh tế.
Trong khi đó, tờ Strait Times của Singapore nhận định trong 9 ngày họp, các đại biểu sẽ chọn ra đội ngũ lãnh đạo mới. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán, sau Đại hội, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế, đối nội và đối ngoại hiện nay.
Theo trang Foreign Brief của Mỹ , Việt Nam được dự đoán sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng cách đa dạng hóa các đối tác thương mại và cải thiện chuỗi cung ứng trong nước trước khi định hình chiến lược trở thành cường quốc tầm trung.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()