Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:05 (GMT +7)
Chuyên gia nói gì về phát triển du lịch bền vững trên Vịnh Hạ Long?
Chủ nhật, 12/06/2022 | 06:59:40 [GMT +7] A A
Ngày 31/5/2022, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức hội thảo “Sức tải khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và quản trị phát triển du lịch bền vững”. Thông qua hội thảo, các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia trong và ngoài nước đã tiệm cận đến cái đích cuối cùng, chính là việc xác định sức tải phục vụ cho quản lý và phát triển du lịch bền vững với di sản này.
Cân bằng cung - cầu
TS Ali Kiran và TS Celal Caplan là hai chuyên gia của Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) đã thực hiện những nghiên cứu, khảo sát thực địa tại các tuyến, điểm của Vịnh Hạ Long trong nhiều thời điểm: Cao điểm đón khách tham quan vào năm 2019 và thấp điểm là vào năm 2021 khi du lịch bị tác động mạnh của Covid-19.
Trao đổi tại hội thảo, TS Ali Kiran cho hay, để tìm được sự cân bằng tối ưu giữa cung - cầu cần đánh giá được nhu cầu của khách. Và việc đó cần thực hiện theo giờ, bởi vì nếu khách chỉ tập trung vào 1-2 khung giờ nhất định thì sẽ không tìm được sự cân bằng ở đây.
Sự quá tải khi tập trung khách vào một thời điểm nào đó đang diễn ra với một số hang động của di sản như Thiên Cung, Sửng Sốt… Ông cho rằng, khi Ban Quản lý Vịnh Hạ Long có kế hoạch sử dụng những công nghệ thông minh vào việc quản lý cũng như thực tế việc sử dụng hướng dẫn viên trong các tour tham quan của du khách ngày càng thường xuyên là cơ sở để quản lý tốt việc điều tiết lượng khách, tránh quá tải cục bộ ở một số điểm nghẽn.
Ông cũng nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò quan trọng của du khách trong bảo tồn di sản, và các cơ quan chức năng cần truyền thông để họ biết về những quyền và trách nhiệm của mình đối với di sản.
TS Celal Caplan thì khuyến nghị, lượng khách thực tế thấp hơn nhiều so với sức tải, tuy nhiên qua đánh giá cho thấy, có chỗ quá tải nhưng có chỗ lại thấp tải và việc phân bố lượng khách theo giờ, tuần, tháng là không đồng đều.
Hơn nữa, lượng khách tới Vịnh Hạ Long kỳ vọng sẽ tăng trong tương lai. Vì vậy, việc tính toán sức tải cho mỗi tuyến, điểm sẽ tránh được những rủi ro, mang lại nhiều lợi ích khác nhau với mục tiêu là cả 3 bên nhà nước, doanh nghiệp và du khách cùng thắng: Nhà nước, doanh nghiệp tăng thu, du khách được gia tăng trải nghiệm. Vì vậy, ông đề nghị việc cân nhắc bán vé theo khung giờ đối với một số hang động, đảm bảo lượng khách tối đa trong ngày.
Chia sẻ thông tin qua nền tảng công nghệ
Để làm được điều này cũng như việc phân bổ lượng khách như ý kiến của TS Ali Kiran nêu trên, ông cho rằng, cần có quy định pháp lý, thẩm quyền cũng như có công cụ về mặt pháp lý, kỹ thuật, quy trình để thực hiện.
Vịnh Hạ Long rất rộng lớn, cần có sự chia sẻ thông tin và sự phối hợp giữa các bên khác nhau thông qua một nền tảng về công nghệ, để tất cả các bên, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, du khách đều có thể tham gia. Đơn cử như các chủ tàu cũng phải biết điểm đến hiện đang có bao nhiêu thuyền, và họ có cần thiết phải đi chậm lại hay không. Rồi hướng dẫn viên, bên cạnh việc cung cấp những câu chuyện sống động để cải thiện trải nghiệm của du khách, họ sẽ có thể hướng dẫn du khách tới các điểm khác để tránh những điểm đang quá tải…
Cùng với đó, các chuyên gia này cũng có nhiều đề xuất khác nhằm quản lý tốt hơn lượng khách tham quan di sản và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Đó là việc áp dụng mức giá khác nhau cho du khách mà với du khách quốc tế có thể tăng thêm và sử dụng nguồn thu này để cải thiện điều kiện vật chất, trải nghiệm của du khách. Đó là việc khuyến mãi cho những tháng thấp điểm, truyền thông về trải nghiệm tốt hơn của du khách ở những thời điểm này.
Đó là lấy ý kiến đóng góp của du khách về trải nghiệm của họ, từ những điểm dừng chân, hướng dẫn viên, tàu thuyền… để có đánh giá đúng. Đó là việc giới hạn số lượng tàu nghỉ đêm cũng như loại hình, công suất tàu nghỉ đêm trên Vịnh… Tất cả đều nhằm đảm bảo sự hài hoà với tự nhiên, việc khai thác hiệu quả, bền vững di sản Vịnh Hạ Long cho hiện tại và tương lai.
Đầu tư tương xứng cho môi trường
Qua trao đổi tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước cũng có những đánh giá quan trọng. PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá sức tải môi trường nước của Vịnh Hạ Long tương đối tốt.
Tuy nhiên, có dấu hiệu ô nhiễm nước, rác thải, mà rõ nhất là nước thải sinh hoạt, chúng ta mới xử lý được 38% trong tổng số hơn 60.000m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra vịnh. Môi trường nước cũng như rác thải trôi vào vùng lõi di sản có thể từ ven bờ, từ các vùng lân cận vì không gian liên thông với nhau. Vậy nên, ông đề xuất là từ nguồn thu phí tham quan cần có sự đầu tư tương xứng cho việc xử lý các vấn đề về môi trường.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, nêu lên một thực trạng chung của các khu du lịch hiện nay là vào mùa cao điểm du lịch lại tổ chức hàng loạt các sự kiện, hoạt động càng làm gia tăng lượng khách vốn đã đông đúc. Vì vậy, việc giảm tải lượng khách cần có những định hướng đúng…
Hài hoà giữa bảo tồn và phát triển
Không tiếp cận từ góc độ khai thác di sản phục vụ cho phát triển du lịch mà ở chiều ngược lại, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, việc bảo tồn di sản cần được đưa lên hàng đầu khi hoàn thiện đánh giá sức tải của Vịnh Hạ Long. Số lượng du khách quá tải không chỉ ảnh hưởng tới trải nghiệm của du khách mà cần xem xét cả mức độ ảnh hưởng tới các nhũ đá (vôi hoá), xâm hại tới di sản.
Nối tiếp ý này, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh: Giá trị phổ quát, nổi bật của di sản đã làm cho Vịnh Hạ Long trở nên nổi tiếng, hấp dẫn, thu hút lượng khách rất lớn. Du lịch nhìn nhận dưới góc độ lợi ích cho người dân địa phương giống như “con gà đẻ trứng vàng”, vậy thì với Vịnh Hạ Long là một nguồn lực vô cùng quý giá, chúng ta cần duy trì, bảo vệ, chứ không thể khai thác quá mức rồi chết đi giống như con gà bị quá sức khi bắt nó đẻ trứng quá nhiều. Vậy nên, song song với kiếm tiền, phát huy thì phải bảo tồn di sản.
UNESCO còn quan tâm tới cách thức chúng ta làm du lịch. Vì vậy, trước tiên chúng ta phải hiểu được về giá trị của Vịnh Hạ Long với du lịch, từ nền tảng đó quyết định tới chính sách phát triển du lịch. Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả, mỗi di sản phải có một chiến lược, tầm nhìn cho phát triển bền vững của riêng mình.
Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất đề cao giá trị của Vịnh Hạ Long – một báu vật của tự nhiên, báu vật của thế giới. Di sản này là nguồn lực to lớn cho phát triển, vì vậy cần tháo gỡ những nút thắt, tránh việc đánh đổi giữa bảo tồn với phát triển.
Gợi ý về những giải pháp phát triển du lịch bền vững cho di sản, ông Christian Manhart khẳng định: Vịnh Hạ Long đã nổi tiếng cả thập kỷ rồi, nhưng du khách không chỉ là thưởng lãm giá trị bên ngoài mà chắc chắn còn muốn thưởng lãm những câu chuyện đằng sau nữa. Hạ Long có quá nhiều thứ để xây dựng các câu chuyện của mình, từ các núi đá vôi cho đến các hang động, các giá trị văn hoá, đời sống ngư dân, phương thức khai thác biển... Du khách sẽ muốn liên kết giữa vẻ bề ngoài với các câu chuyện, các yếu tố văn hoá đằng sau.
Việc quản trị du lịch là rất khó khăn, nó không tĩnh mà luôn động, nó nằm trong chuỗi giá trị, đằng sau nó là những câu chuyện. Vì vậy, chúng ta cần liên kết với nhau, từ các cơ quan, đơn vị, người dân, du khách, chúng tôi cũng sẽ phối hợp để bảo tồn các giá trị di sản. Đó là thông điệp chung chứ riêng nhà nước không thể ôm đồm tất cả mọi việc…
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()