Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:54 (GMT +7)
Chuyên gia Nga đánh giá về nỗ lực của Mỹ trong cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Thứ 4, 20/09/2023 | 10:03:20 [GMT +7] A A
Việc kết nạp thành viên mới được cho là sẽ tạo ra một số vấn đề liên quan đến quyền phủ quyết, cũng như làm phức tạp quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.
Theo tờ Vedomosti (Nga), chính quyền Mỹ đang bắt đầu nỗ lực cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch mở rộng HĐBA trong bài phát biểu trước kỳ họp thường niên thứ 78 của Đại hội đồng LHQ vào ngày 19/9.
Cụ thể, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các cải cách HĐBA LHQ, vốn hết sức cần thiết trong bối cảnh tình trạng bế tắc đang diễn ra khiến cơ quan này không thể thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của mình.
Ông Biden nói thêm chính quyền Mỹ đã tiến hành tham vấn nghiêm túc với nhiều quốc gia thành viên về việc mở rộng HĐBA, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình để thúc đẩy các nỗ lực cải cách.
“Chúng ta cần phá vỡ tình trạng bế tắc thường xuyên cản trở sự tiến bộ và cản trở sự đồng thuận trong HĐBA. Chúng ta cần nhiều tiếng nói hơn, nhiều quan điểm hơn tại bàn đàm phán”, ông Biden tuyên bố.
Kể từ khi thành lập năm 1945, HĐBA LHQ chỉ bao gồm 5 thành viên thường trực - Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô (Nga từ năm 1992), Anh và Pháp.
Nhận định với Vedomosti, Sergey Glandin, một chuyên gia về luật quốc tế cho biết, theo Điều 108 và 109 của Hiến chương LHQ, việc cải tổ này không dễ dàng. Các sửa đổi cần có sự phê chuẩn của 2/3 trong số hơn 190 quốc gia thành viên LHQ để có hiệu lực. Đó là lý do tại sao Mỹ đã tìm cách hợp tác với từng nước trong số họ vào mùa hè năm ngoái, nhưng khó có thể đảm bảo đủ số phiếu bầu.
Về phần mình, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov chỉ ra rằng Tổng thống Biden muốn ủng hộ sáng kiến nhằm dân chủ hóa Hội đồng Bảo an LHQ và thể hiện sự ủng hộ đối với các quốc gia ở Global South (các quốc gia đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây), chủ yếu là Brazil và Ấn Độ.
Theo ông Kortunov, việc kết nạp thành viên mới sẽ tạo ra một số vấn đề liên quan đến quyền phủ quyết, cũng như làm phức tạp quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và quyền từ chối tư cách thành viên của một số quốc gia nhất định. Ví dụ, Nga và Trung Quốc khó có thể đồng ý để Đức và Nhật Bản vào HĐBA. Ông Kortunov nói: “Ít nhất 4 thành viên Hội đồng Bảo an nữa, trong đó có Nga và Trung Quốc, cần phê duyệt các đề xuất mở rộng nhưng điều này không dễ dàng như tưởng tượng do tình hình địa chính trị hiện tại”.
Trong khi đó, Natalya Piskunova, Phó Giáo sư tại Khoa Chính trị Thế giới của Đại học Quốc gia Moskva, cho rằng việc chọn một ứng cử viên châu Phi là một trong những ưu tiên chính xung quanh việc mở rộng HĐBA LHQ. Theo bà Piskunova, kể từ năm 2015, Ai Cập, Nam Phi và Nigeria đã đi đầu về vấn đề này ở châu Phi.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()