Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:45 (GMT +7)
Chuyên gia lý giải 'cơn sốt' vàng và lời khuyên với người mua
Thứ 3, 05/12/2023 | 14:45:47 [GMT +7] A A
Giá vàng trong nước và thế giới gần đây liên tục tăng “dữ dội”, có thời điểm lập mốc kỷ lục lịch sử. Rất nhiều người quan tâm: Thời điểm này nên mua hay nên bán vàng? Dự báo giá vàng SJC trong thời gian tới sẽ ra sao?
Tăng “nóng” theo giá vàng quốc tế; bất ổn tại Trung Đông kéo dài
Trong phiên ngày 4/12, giá vàng SJC bán ra ở mức 74,4 - 74,7 triệu đồng/lượng, vượt đỉnh của thời đại 74,6 triệu đồng/lượng được ghi nhận sáng 29/11. Cuối giờ chiều cùng ngày, giá vàng SJC có chút hạ nhiệt, giảm 200.000 đồng/lượng.
Trước đó, Công ty Bảo Tín Minh Châu (BTMC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 73,13 - 74,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 73 - 74,4 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 73,1 - 74,32 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận bán ra là 74,7 triệu đồng/lượng, vượt mốc lịch sử 74,6 triệu đồng/lượng được ghi nhận vào sáng 29/11.
Tới cuối giờ chiều 4/12, giá vàng SJC mua vào - bán ra dao động từ 73 đến 74,22 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với phiên sáng cùng ngày.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Giá vàng Việt Nam tăng mạnh theo đà của quốc tế. Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục do chỉ số chứng khoán giảm sút; lạm phát tương đối cao trong khi lãi suất cao, giá trị đồng USD và bất động sản giảm. Không chỉ vậy, xung đột tại Trung Đông kéo dài; dự báo lãi suất giảm càng hỗ trợ thị trường khiến vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn”.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, tại Việt Nam, kinh tế vẫn khó khăn. Nếu như trước đó kỳ vọng 2 tháng cuối năm, tăng trưởng sẽ bật lên thì chỉ số kinh tế tháng 11/2023 của nhiều lĩnh vực cũng chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, đầu tư khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang ít đơn hàng, hoạt động co cụm lại. “Do đó dòng tiền có xu hướng chảy sang kim loại quý là vàng. Tâm lý ‘mua vàng còn giữ được giá’ khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn”, PSG TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, do đang cận dịp cuối năm, nhu cầu mua vàng trang sức phục vụ đám cưới, đám hỏi tăng, nhu cầu cao khiến giá vàng tăng mạnh. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất khan hiếm, nguồn cung vàng miếng SJC bị hạn chế.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Cơn sốt” vàng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới. Tại Việt Nam, kinh tế vĩ mô mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng nhìn chung còn khó khăn nên các nhà đầu tư đang tìm kiếm một kênh đầu tư để sinh lời cao.
“Thị trường chứng khoán ‘lình xình’, bất động sản hoạt động trầm lắng, trong khi lãi suất huy động của ngân hàng càng ngày càng giảm, chỉ có ngoại tệ và vàng tăng cao. Khi mà nhà đầu tư không nhìn thấy cơ hội đầu tư nhiều, có lợi nhuận tốt, họ sẽ tìm đến vàng., TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Vàng thế giới tăng mạnh kéo theo giá vàng trong nước tăng theo. Theo phân tích của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) là do: Trong cuộc họp tháng 11/2023, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu có thể không tăng lãi suất. Dự báo tháng 12/2023 và những tháng tiếp theo, lãi suất có thể giữ nguyên và FED có thể giảm lãi suất từ giữa năm 2024 bởi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu trì trệ. FED không tăng lãi suất, thậm chí giảm, sẽ khiến giá USD đi xuống. Trong khi đó, giá đồng USD và vàng luôn diễn biến trái chiều.
“Tình hình bất ổn địa chính trị thế giới đã giúp vàng tăng giá. Xung đột giữa Nga - Ukraine đã diễn ra trong thời gian dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bên cạnh đó, gần đây lại xảy ra xung đột tại Trung Đông. Căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến giá dầu và nền kinh tế. Điều này khiến các nhà đầu tư kinh tế sẽ tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn tài sản. Bên cạnh đó, nhu cầu vàng cuối năm thường tăng mạnh”, đại diện VGTA cho biết.
Vào cuối quý IV/2023 và đầu quý I/2024, nhu cầu về vàng nữ trang và vật chất tăng cao vì rơi vào mùa cưới và mùa lễ hội ở nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam… Ngoài ra, các ngân hàng Trung ương tăng dự trữ vàng.
Giao dịch tăng nhưng không đột biến; cẩn trọng “lướt sóng’
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tngày 4/12, tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, vốn được coi “phố vàng” của Hà Nội, lượng khách giao dịch đông hơn nhưng không tăng đột biến. Tại các cửa hàng và điểm kinh doanh của BTMC, dù giá vàng ở mức cao song lượng khách mua vào vẫn lớn hơn, với tỷ lệ mua vào và bán ra là 55% và 45%.
Ông Nguyễn Hữu Thuyết, Phó ban Trực doanh, Công ty Vàng bạc đá quý BTMC nhận định: Sức mua vàng cuối năm theo như thông lệ khá lớn, với nhu cầu khác nhau như tích trữ, quà tặng, quà cưới, đầu tư... Theo BT-MC, trong khi giá vàng ảnh hưởng khá lớn từ những yếu tố kinh tế, chính trị, cũng như các dữ liệu kinh tế trong và ngoài nước, người dân cũng như các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ các yếu tố trên; đồng thời, lựa chọn giao dịch ở những nơi có uy tín để đảm bảo an toàn tránh rủi ro.
Hiện nay, giá vàng tăng cao, nhu cầu nhiều nên nhiều công ty kinh doanh vàng đã nới khoảng cách giữa giá mua và bán để sinh lời. Với mức giao dịch chiều 4/12, chênh lệch giá bán ra và mua vào đang ở mức 1,1 - 1,3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm tăng cao hơn. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới hiện nới rộng lên gần 13 triệu đồng/lượng. “Điều này sẽ có lợi cho các công ty kinh doanh vàng, phía người mua sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, đặc biệt giới đầu tư ‘lướt sóng’”.
TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên: “Các nhà đầu tư hết sức cẩn trọng, do giá vàng có thể biến động nhanh chóng trong thời gian ngắn. Rất khó có thể dự báo giá vàng lên hay xuống cụ thể bao nhiêu trong thời gian tới, nhưng theo cá nhân tôi, giá vàng cuối năm 2023 có khả năng tăng lên 75, thậm chí là 76 triệu đồng/lượng". Song, chuyên gia tài chính này lưu ý, dự báo về vàng chỉ mang tính tương đối, vì thị trường vàng luôn biến động khôn lường.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam cho rằng: Những ai đang nắm vàng, nếu muốn bán thì nên chờ bán ở mức giá tốt hơn. Với giới đầu tư, việc mua vàng hiện có thể rủi ro vì giá tuy đang tăng nhưng cũng có thể giảm bất cứ lúc nào, chưa kể chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang cao (có thời điểm gần 14 triệu đồng/lượng).
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, muốn mua và “chơi” vàng trong lúc này, người mua cần cập nhật diễn biến giá vàng theo từng giờ, không nên "bỏ tất cả trứng vào cùng một rổ”. Thay vào đó, nếu có tiền tiết kiệm, người mua vàng có thể dùng 1/3 số tiền đó để đầu tư, phần còn lại tiếp tục đầu tư vào kênh chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên người đầu tư vàng cần phân tích kỹ về lợi nhuận, liệu có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận 15% trên cơ sở một năm khi đầu tư vàng hay không?
“Không nên 'lướt sóng' ở thời điểm này bởi thị trường vàng biến động rất khó lường. Mình mua vàng với ý định ngày mai bán ra có lời nhưng chưa chắc ngày mai vàng đã tiếp tục tăng. Đặc biệt, người mua vàng không nên vay tiền để mua vàng bởi nếu giá vàng giảm sẽ bị lỗ, bên cạnh đó còn phải trả lãi ngân hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Nếu như hơn chục năm về trước, giá vàng tăng dữ dội sẽ khiến người dân đổ xô đi mua vàng thì hiện cơ bản không còn tình trạng đó. Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã góp phần hạn chế hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, TS Lê Đạt Chí, Giám đốc chương trình Cử nhân Tài chính ứng dụng Đại học Rennes cũng bày tỏ băn khoăn: Nghị định 24 đã hạn chế hiện tượng vàng hóa nền kinh tế, song lại làm tăng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, từ đó kích thích vàng nhập lậu.
Do vậy thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết). Nội dung này được nêu tại báo cáo Chính phủ, vừa được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội về việc thực hiện một số Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng.
Để phục vụ cho việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thời gian qua, NHNN đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền (nếu có), yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()