Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:34 (GMT +7)
Chuyên gia dự đoán thế giới sẽ đối mặt với nắng nóng kỷ lục sau năm nóng lịch sử 2023
Thứ 2, 17/06/2024 | 23:28:47 [GMT +7] A A
Nhiều quốc gia sẽ chứng kiến kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ vào mùa hè này, Piers Forster, Giám đốc Trung tâm vì Tương lai Khí hậu Priestley, cảnh báo.
Khi thế giới vật lộn với một năm có nhiệt độ khắc nghiệt, các nhà khoa học khí hậu đang nêu lên mối lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với những tháng mùa hè.
Một báo cáo gần đây của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Ủy ban châu Âu cho thấy tháng 5/2024 là tháng 5 nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu, với nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn mức trung bình giai đoạn 1991-2020 là 0,65 độ C.
Báo cáo còn chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua là cao nhất được ghi nhận. Carlo Buontempo, Giám đốc C3S, trong một tuyên bố gọi chuỗi 12 tháng này là “gây sốc” nhưng không có gì đáng ngạc nhiên.
Ông nói: “Mặc dù chuỗi tháng phá kỷ lục này cuối cùng sẽ bị gián đoạn, nhưng dấu hiệu chung của biến đổi khí hậu vẫn còn và không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng đó sẽ thay đổi”.
Mùa hè bị đe dọa
Các chuyên gia cũng cảnh báo mức nhiệt kỷ lục trong 12 tháng qua có thể ảnh hưởng đến mùa hè năm nay.
Piers Forster, Giám đốc Trung tâm vì Tương lai khí hậu Priestley tại Đại học Leeds ở Anh, dự đoán nhiều quốc gia sẽ phá kỷ lục nhiệt độ vào mùa hè này.
“Ấn Độ và Trung Đông hiện đang chứng kiến nhiệt độ rất cao. Tôi cũng dự báo một mùa hè rất nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ”, chuyên gia Forster lưu ý và nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho mùa hè nóng nực.
Ông nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần phải xem xét nghiêm túc mối đe dọa của hiện tượng nóng lên toàn cầu và hành động: "Thế giới hiện đang phải hứng chịu một đợt nắng nóng cực độ, phần lớn là do phát thải khí nhà kính. Thời tiết đặc biệt nóng vào năm 2023, cũng do các yếu tố tự nhiên như El Niño, nhưng trong 10 năm nữa nhiệt độ như vậy sẽ phổ biến".
Các cơ quan khí hậu toàn cầu cũng cảnh báo về việc nhiệt độ từ năm nay trở đi cho đến 4 năm tới có thể lập kỷ lục mới, vượt qua năm 2023, hiện là năm nóng nhất được ghi nhận.
Một báo cáo gần đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình hàng năm của hành tinh có khả năng tạm thời vượt quá ngưỡng tăng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp trong ít nhất một trong 5 năm tới.
Báo cáo của cơ quan thời tiết Liên hợp quốc cho biết, nhiệt độ trung bình gần bề mặt trái đất mỗi năm từ 2024 đến 2028 được dự đoán sẽ cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,9 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1850-1900.
C3S cũng đã báo cáo rằng nhiệt độ tăng trung bình toàn cầu vào tháng 5/2024 là 1,52 độ C, cao hơn mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850–1900 và đánh dấu tháng tăng thứ 11 liên tiếp kể từ tháng 7/2023.
“Trong khi nhiệt độ dao động từ năm này sang năm khác là do sự biến đổi tự nhiên, việc vi phạm giới hạn 1,5 độ C (được thống nhất là giới hạn an toàn cho khí hậu toàn cầu ở hội nghị khí hậu Paris vào năm 2015) trong cả năm là một thời điểm mang tính bước ngoặt”, Maximilian Kotz, nhà khoa học nghiên cứu sau tiến sĩ của Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam nói.
Về phần mình, Joeri Rogelj, Giáo sư về chính sách và khoa học khí hậu, đồng thời là Giám đốc nghiên cứu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết các báo cáo và cập nhật gần đây cho thấy “tình trạng nghiêm trọng của khí hậu và hậu quả của tình trạng ô nhiễm khí nhà kính liên tục. Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra ở mức 1,3 độ C vào năm ngoái và đang tăng ở mức 0,26 độ C mỗi thập kỷ là một tốc độ kỷ lục”.
Ông Rogelj nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính: “Giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm khí nhà kính trong vòng 5 đến 10 năm tới là cách duy nhất để đảm bảo rằng hành tinh này không nóng lên thêm 0,25 độ C nữa vào năm 2035”.
Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu
Nói về mức nhiệt kỷ lục trong 12 tháng qua, nhà nghiên cứu khí hậu Kotz cho biết mặc dù các hiện tượng như El Niño là phần của nguyên nhân, nhưng phần lớn là do khí thải và hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Ông nêu rõ: “Rõ ràng, lượng nhiệt toàn cầu chưa từng có này về cơ bản là do khí thải của con người và sự nóng lên toàn cầu”, đồng thời cảnh báo cảnh báo rằng tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp tục gây ra những hậu quả to lớn trên toàn thế giới.
Điều này bao gồm các đợt nắng nóng thường xuyên và gay gắt, lũ lụt cũng như tốc độ tan chảy băng lớn hơn ở Greenland và Nam Cực khiến mực nước biển dâng cao.
Trong thời gian tới, các đợt nắng nóng và lũ lụt thường xuyên và dữ dội hơn sẽ khiến nền kinh tế của thế giới phải chịu thêm những căng thẳng.
Chuyên gia Kotz kết luận: “Với tình trạng nóng lên toàn cầu trên 1,5 độ C trong cả năm, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều tác động hơn đối với nền kinh tế của chúng ta trên toàn thế giới”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()