Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:49 (GMT +7)
Chuyên gia chỉ cách phát hiện sớm bệnh cúm và điều trị kịp thời
Thứ 7, 15/10/2022 | 13:03:03 [GMT +7] A A
Bệnh cúm có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên rất khó để phân biệt dấu hiệu bị cúm với các bệnh đường hô hấp khác. Để biết chính xác có mắc bệnh cúm hay không cần phải thực hiện xét nghiệm.
Chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm gây ra. Có 4 chủng virus cúm là A, B.C, D, trong đó cúm A (tên khoa học là Alphainfluenzavirus) là cúm mùa phổ biến nhất.
Virus cúm là tác nhân hiện diện gần như suốt cả năm ở khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ở miền Bắc, bệnh cúm thường xuất hiện nhiều vào mùa đông. Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, điều lo lắng của ông và các bác sĩ không phải tác nhân virus gây cúm nữa mà là hậu quả của cúm.
"Cúm gây ra tình trạng suy giảm sức đề kháng của cơ thể và gây ra biến chứng viêm phổi ở những bệnh nhân trên 65 tuổi, có bệnh nền chẳng hạn như tiểu đường. Cái đó là đáng sợ. Chính vì vậy chúng tôi khuyên những người lớn tuổi và có bệnh nền nên chủng ngừa cúm 100% để tránh những biến chứng của cúm gây ra bởi đó là những người rất đáng được bảo vệ", PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc khuyến cáo.
Ngoài người cao tuổi và những người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ cũng rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.
Cũng theo Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, hiện nay đã có vaccine cúm bảo vệ hiệu quả, bệnh cúm không gây tử vong với những người khỏe mạnh ngoại trừ người lớn tuổi, người có bệnh nền nguy hiểm.
Về phương pháp xác định cúm, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cho hay, đối với các bác sĩ hô hấp, điều tra về dịch tễ là rất quan trọng. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm tương đồng với nhau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngọc, "chúng ta hay dùng từ "cảm cúm" đi đôi với nhau nhưng thực ra "cảm" khác, "cúm" khác. Cảm do virus cảm, cúm do virus cúm".
Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo: Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C); cảm giác ớn lạnh; đau đầu, chóng mặt; đau nhức cơ bắp; mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực; buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn). Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
Theo Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, bệnh cúm có thể được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, tuy nhiên rất khó để phân biệt dấu hiệu bị cúm với các bệnh do các tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác. Do đó, muốn biết có chính xác mắc bệnh cúm không, chúng ta câdùng xét nghiệm. Có thể dùng các xét nghiệm đặc biệt về bệnh lý đường hô hấp giống như COVID-19. Theo đó, chúng ta có thể thực hiện test nhanh chẩn đoán cúm nhưng muốn chính xác thì phải thực hiện Real time PCR.
Cũng theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, chúng ta chỉ làm xét nghiệm cúm trong những trường hợp bệnh nhân nặng nhập viện, để phân biệt cúm hay COVID-19, bệnh nhiễm khuẩn. Những xét nghiệm này phải có chỉ định.
Về điều trị cúm, hiện tại có nhiều phương pháp điều trị. Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, uống Panadol, vitamin C, uống nước nhiều, vệ sinh mũi họng sạch sẽ. Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện để được điều trị và chăm sóc đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát.
Tương tự, bác sĩ Phạm Thái Sơn - Phó Trưởng khoa Nhiễm, Phó Trưởng khoa Điều trị COVID-19 - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, sau mùa tựu trường, số bệnh nhi ở TP.HCM có xu hướng tăng (phòng nội trú tăng 1,5 lần), đa số có triệu chứng sốt và hô hấp. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 bệnh nhi tới thăm khám do mắc các bệnh về đường hô hấp, cúm gây ra.
Theo bác sĩ Phạm Thái Sơn, đối với bệnh nhân thông thường điều trị ngoại trú, các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng. Tuy nhiên, đối với bệnh nhi viêm phổi diễn tiến nhanh thì bác sĩ cần xác định tác nhân chính xác là gì để điều trị. Nếu là virus cúm hay SARS-CoV-2 thì cần phải xác định sớm để điều trị bằng thuốc kháng virus mới có hiệu quả.
"Phụ huynh không nên lo lắng quá và nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, qua đó bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm đối với những trường hợp có nguy cơ", bác sĩ Phạm Thái Sơn khuyến cáo.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()