Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Chuyên gia chỉ cách phân biệt nhựa độc hại, nhựa an toàn đựng thực phẩm
Thứ 6, 05/07/2024 | 22:41:49 [GMT +7] A A
Hiện nay, hộp nhựa đựng thực phẩm nhanh được nhiều các cửa hàng sử dụng để đựng thức ăn mang về vì tính tiện lợi, giá thành rẻ. Nhưng đằng sau những lợi ích đó, có rất nhiều tác hại đến sức khỏe.
Chuyên gia y tế cảnh báo về lợp bất cập hại từ những tiện ích tưởng chừng như vô hại này và những hệ lụy trực tiếp tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Phân biệt nhựa an toàn và nhựa độc hại
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Hương Dung (trú tại Đan Phượng, Hà Nội) thường xuyên mua đồ ăn sẵn sau giờ tan ca muộn.
“Là một công nhân công ty may có mức thu nhập thấp, lại hay đi làm về muộn, tôi không có thời gian nấu nướng nên mua thức ăn sẵn. Thức ăn mang về được đựng trong hộp nhựa, dù biết rằng thức ăn trong hộp nhựa không tốt nhưng vì sự tiện lợi, tôi đành phải dùng” – chị Dung chia sẻ.
Hiện nay, nhựa rất tiện dụng, được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người gây ra nhiều phản ứng có hại. Vậy loại nhựa nào độc hại, loại nhựa nào an toàn. Vậy có cách nào để phân biệt các loại nhựa độc hại và có cách nào thải độc khi cơ thể đã nhiễm vi nhựa không?
Theo TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhựa an toàn là nhựa không chứa các hóa chất độc hại (ví dụ chất độc BPA gây ung thư, béo phì, vô sinh,...).
Hiện nay, có 7 loại nhựa thông dụng thường được sử dụng. Người dân có thể phân biệt các loại nhựa dựa vào các ký hiệu được in dưới đáy vỏ chai/hộp nhựa bằng các con số từ 1-7. Các con số này biểu thị dấu hiệu phân loại nhựa và cho biết loại nào nên dùng và loại nào không nên dùng.
TS Trương Hồng Sơn cho biết, những loại nhựa có ký hiệu 1, 2, 4 và 5 là an toàn để đựng thực phẩm. Còn những loại nhựa có ký hiệu 3, 6, 7 nên tránh dùng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Do sự phổ biến của các sản phẩm nhựa trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là những vật liệu nhựa không an toàn gây ra sự nhiễm vi nhựa ở hầu hết dân số. Vi nhựa khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tích tụ tại các bộ phận trong cơ thể như gan, phổi,... và gần như không có cách nào để thải độc nhựa khỏi cơ thể” - TS Trương Hồng Sơn cảnh báo.
Theo bác sĩ Sơn, để giảm thiểu tác hại của vi nhựa đối với sức khỏe con người, người dân có thể tránh sử dụng nhựa dùng 1 lần như ống hút, cốc nhựa, hộp nhựa,... và các loại nhựa có ký hiệu 3, 6, 7 để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng, hoặc dùng để đựng thực phẩm quay trong lò vi sóng. Ưu tiên các loại nhựa có ký hiệu 1, 2, 4, 5 để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Hạn chế sử dụng đồ nhựa
Cảnh báo về tác hại của việc đựng đồ ăn bằng hộp nhựa, PGS.TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông tin, ở nhiệt độ 70 – 80 độ C, một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm.
Loại hộp kém chất lượng có thể chứa chất dioctin phatalat, ảnh hưởng trực tiếp tới giới tính con người. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị “nữ tính hóa”, vô sinh, còn bé gái có thể dậy thì quá sớm. Vì thế, chỉ nên dùng hộp nhựa đựng đồ ăn nguội, không được dùng để đựng nước canh, cơm đang nóng.
Chuyên gia lo ngại, việc dùng hộp nhựa để đựng thức ăn nóng là điều tối kỵ. Đồ ăn càng nóng thì hàm lượng monostyren (một chất độc) trong nhựa PS giải phóng ra càng nhiều, gây tổn hại đến gan, gây nhiều bệnh khác. Không chỉ với nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối, axít... sẽ gây ra độc tố.
Nếu bất đắc dĩ phải dùng hộp xốp, hộp nhựa thì người dân chỉ đựng những đồ nguội, lạnh; nhưng đó là việc mang tính tạm thời, không được để kéo dài. Không dùng hộp nhựa thông thường để đựng thức ăn nóng hoặc để hâm thức ăn trong lò vi sóng mà nên thay bằng những loại hộp sử dụng nhựa đặc, có tính chịu nhiệt cao, tốt nhất là loại được đề xuất dùng cho lò vi sóng.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong trường hợp cần thiết, người tiêu dùng chỉ sử dụng hộp nhựa, hộp xốp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất.
Không chỉ vậy, người dân cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn, sử dụng đồ gia dụng nói chung. Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng, sau đó loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế. Thay vào đó, sử dụng đồ dùng được làm từ sứ, thủy tinh hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, túi mây, tre...
Theo kinhtedothi.vn
Liên kết website
Ý kiến ()