Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:33 (GMT +7)
Chuyện gì đã xảy ra với chương trình Android One của Google?
Thứ 5, 10/03/2022 | 14:15:35 [GMT +7] A A
Android One từng là một dự án, một chương trình đáng mong đợi, sẽ giải quyết những lộn xộn của thị trường smartphone Android. Nhưng giờ đây, có vẻ nó đã hoàn thành sứ mệnh và dần trôi vào dĩ vãng.
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone Android, nhất là ở phân khúc giá rẻ và tầm trung khiến trải nghiệm người dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên cách đây nhiều năm, sự chênh lệch về trải nghiệm người dùng giữa smartphone giá rẻ và cao cấp vẫn còn rất lớn. Thậm chí một vài model smartphone giá rẻ đời đầu cho trải nghiệm cực kỳ tệ do chip xử lý yếu và phần mềm cồng kềnh.
Vào năm 2014, Google đã khởi động chương trình Android One nhằm cải thiện trải nghiệm người dùng với Android. Kết quả là phiên bản Android One sạch và ít sự rườm rà của các tùy biến đã ra đời giúp tăng trải nghiệm cho người dùng.
Tuy nhiên tám năm sau, tất cả những gì còn lại của chương trình là một trang web “thiếu sức sống” với các model đời cũ sử dụng hệ điều hành Android One. Vậy điều gì đã xảy ra với Android One?
Android One là gì?
Khi ngày càng có nhiều hãng smartphone gia nhập thị trường, nhất là tại các nước đang phát triển, có tới hàng chục thương hiệu smartphone xuất hiện. Hãng nào cũng muốn đem tới một sản phẩm giá rẻ, dễ tiếp cận nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.
Nhưng thực tế không phải thương hiệu nào cũng thực sự mang đến cho người dùng trải nghiệm chất lượng. Để chỉ phải trả ít tiền cho một chiếc smartphone, người dùng sẽ phải đánh đổi với việc dùng một chiếc máy có phần cứng yếu, cài sẵn bloatware, giao diện thiếu thân thiện,…
Chính những chiếc smartphone như vậy vô tình đã làm lu mờ hình ảnh của hệ điều hành Android trong mắt nhiều người dùng.
Chương trình Android One được thiết kế để giải quyết vấn đề cụ thể đó. Android One đi kèm hướng dẫn về cách làm phần mềm đúng, chủ yếu bằng cách loại bỏ tất cả những bổ sung không cần thiết trên một chiếc smartphone Android. Đây là điều cần thiết vào thời điểm mà mọi nhà sản xuất đều cố gắng xây dựng một giao diện phần mềm đặc biệt.
Với Android One, Google đã tạo ra một giao diện và thiết kế nhẹ nhàng, đủ dùng cho các model smartphone giá rẻ. Trên thực tế những chiếc smartphone chạy hệ điều hành tùy biến Android One gần giống với dòng Nexus hoặc Pixel nhưng với mức giá thấp hơn nhiều.
Chương trình đã trải qua một vài lần sửa đổi. Trong khi mục tiêu ban đầu là giải quyết sự “lộn xộn” trong phân khúc giá rẻ ở các thị trường như Ấn Độ, sau đó Google đã mở rộng chương trình sang các thị trường lớn hơn bao gồm Mỹ và Nhật Bản với các model smartphone tầm trung như Nokia 5.4 và Moto One Action.
Điều gì đã xảy ra với chương trình Android One?
Hãy truy cập trang web Android One ngay bây giờ tại đây và bạn sẽ thấy trang web gần như không có thêm sự đổi mới nào.
Trang web vẫn đang quảng cáo cho Nokia 5.3, một chiếc smartphone ra mắt vào năm 2020, chạy Android 10. Một số model smartphone khác cũ hơn cũng được liệt kê trên trang web như Moto One Action.
Bức tranh trở nên phức tạp hơn khi bạn cho rằng Motorola đã ngừng xuất xưởng hoàn toàn các sản phẩm chạy Android One. Thay vào đó, công ty đã đồng chọn thương hiệu One cho dòng điện thoại của riêng mình. Hay như Xiaomi, Sharp, Infinix và Kyocera đã không còn ra mắt các thiết bị Android One sau nhiều năm.
Còn về HMD Global thì sao? Sự hồi sinh của công ty sở hữu thương hiệu Nokia và lời hứa về phần mềm sạch, an toàn, được cập nhật liên tục và chạy Android One chắc chắn khiến nhiều người có niềm tin. Trên thực tế, trải nghiệm phần mềm là trọng tâm trong chiến lược của HMD nhằm tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.
Nhưng mọi thứ không như mong đợi của HMD Global. Nhìn lướt qua dòng sản phẩm của công ty có thể thấy, họ đã không còn quảng cáo Android One như một tính năng quan trọng và thu hút trên sản phẩm từ năm 2020. Chưa kể, HMD Global còn đang cài sẵn một số ứng dụng bổ sung trên smartphone của hãng. Đó là dấu hiệu cho thấy công ty đang dần chuyển đổi hướng đi.
Vậy điều gì đã xảy ra?
Không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về tình trạng của chương trình. Tuy nhiên không khó để nhìn thấy bức tranh toàn cảnh.
Mishaal Rahman, cây bút công nghệ kỳ cựu tại Esper và XDA đã nhắc đến số lượng các OEM sản xuất thiết bị cài Android One đã giảm đáng kể. Những quan sát của ông gợi ý rằng, Google đang yêu cầu kiểm soát chặt chẽ kiểu dáng công nghiệp của bất kỳ thiết bị nào chạy Android One.
Các hạn chế cũng mở rộng ra ngoài thiết kế phần cứng. Google chỉ cho phép tổng cộng 5 ứng dụng được cài đặt sẵn, bao gồm cả những ứng dụng của đơn vị phân phối ủy quyền. Tất cả các ứng dụng này cũng sẽ được Google kiểm tra lần cuối.
Tuy những hạn chế này có nhiều ý nghĩa vào năm 2014 nhưng hiện tại nó giống như một rào cản đối với sự sáng tạo. Khi cả phần cứng và phần mềm giữa smartphone Moto, Nokia hoặc Xiaomi về cơ bản đều giống nhau thì chắc chắn sẽ không có sự khác biệt nào để người dùng nhận ra và biết nên mua sản phẩm nào.
Điều này càng đúng hơn vào năm 2022 khi phần cứng đang trở thành điểm nhấn thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Trong khi đó nếu như tiếp tục tham gia sáng kiến Android One, đó sẽ không phải là ý kiến hay nếu các hãng muốn tiếp tục tăng doanh số. Bởi lẽ smartphone hiện nay chủ yếu thu hút khách hàng nhờ trải nghiệm phần mềm độc đáo, riêng biệt, trong khi Android One lại không thể đem lại các hãng sản xuất cơ hội tùy biến hệ điều hành theo cách riêng của họ để gây ấn tượng với khách hàng.
Ngoài ra còn một vấn đề khác liên quan đến cam kết cập nhật. Mặc dù HMD Global đã cố gắng làm tốt công việc cập nhật phần mềm của mình cho thế hệ đầu tiên hoặc hai. Nhưng sau đó mọi chuyện đã không còn được như ban đầu.
Có thể thấy hầu như không có OEM nào có thể liên tục cung cấp các bản cập nhật phần mềm nhanh chóng và liên tục. Sẽ thật đáng buồn nếu phải sở hữu một thiết bị hạn chế về phần cứng và phần mềm không có nhiều tùy biến, trong khi không còn nhận được các bản cập nhật tính năng mới.
Một yếu tố khác cần xem xét là Google cũng đã giới thiệu dòng smartphone Pixel giá rẻ của riêng mình. Bắt đầu với Pixel 3a, những chiếc smartphone này đã được đón nhận vô cùng nồng nhiệt nhờ chạy hệ điều hành Android gốc, camera chất lượng và giá cả hấp dẫn.
Rất nhiều model Pixel thậm chí còn cạnh tranh trực tiếp với cả smartphone tầm trung chạy Android One. Đó cũng là một phần lý do khiến mọi người ít có lý do để mua những chiếc smartphone khác ngoài Pixel.
Android One đã phục vụ mục đích của nó hay chưa?
Sự xuất hiện của Android One không hẳn chỉ nhằm dọn dẹp sự bát nháo của thị trường Android lúc bấy giờ mà theo nhiều người, nó được coi như một cách để “uốn nắn” các hãng smartphone.
Kể từ đó tới nay, Xiaomi, Realme và nhiều thương hiệu khác đều đã đầu tư nguồn lực đáng kể cho việc phát triển và cải tiến giao diện phần mềm. Bên cạnh đó các hãng cũng đã giảm bớt cac phần mềm bloatware và nâng cấp phần cứng tốt hơn.
Nhiều công ty trong đó có cả Xiaomi thậm chí còn hứa hẹn sẽ cập nhật nhanh hơn và lâu dài hơn, điều mà trước đây thương hiệu này chưa thể làm được.
Google dường như cũng đang hướng đến phần cứng có giá phải chăng hơn với sáng kiến Android Go. Phiên bản rút gọn của Android được thiết kế dành cho người dùng mua smartphone giá rẻ đầu tiên. Một phiên bản tùy chỉnh của Android Go đã được sử dụng trên model JioPhone của một hãng Ấn Độ.
Android One có thể đã chết một cái chết không đáng nhưng có một điều chắc chắn, di sản để lại của Android One là rất lớn vì nó thúc đẩy các hãng cải thiện trải nghiệm người dùng smartphone tốt hơn và nó dành cho tất cả mọi người, từ người dùng smartphone giá rẻ đến cao cấp.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()