Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Quảng Ninh tăng tốc hoàn thành xây dựng NTM
Thứ 2, 25/04/2022 | 09:54:04 [GMT +7] A A
Quảng Ninh phấn đấu trong năm 2022 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây vừa là thách thức, song cũng là quyết tâm rất lớn của hệ thống chính trị toàn tỉnh. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương đã và đang tăng tốc tất cả các phần việc, nhiệm vụ NTM. Đồng thời, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân, tạo đà để tỉnh về đích NTM.
Tập trung mọi nguồn lực
Những ngày này, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Chẽ, bà con nhân dân phấn khởi, hối hả lựa chọn những giống hoa tốt, màu sắc đẹp để trồng dọc các trục đường chính, hình thành nên những tuyến đường hoa xanh, sạch, đẹp. Những bức tường rêu mốc cũng đã được phủ bằng những bức tranh phác hoạ về cuộc sống hàng ngày của người dân trong lao động sản xuất, xây dựng NTM. Từ đó, góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi, tạo động lực để bà con nơi đây hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Đây là những việc làm thiết thực, hiệu quả góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường - một trong những tiêu chí quan trọng và khó thực hiện trong chương trình xây dựng NTM đã và đang được Ba Chẽ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, cho biết: Tiêu chí môi trường và tiêu chí chất lượng môi trường sống được xác định là một trong những tiêu chí cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân. Vì vậy, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã phân công các đồng chí thành viên phụ trách từng thôn, từng địa bàn cụ thể tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên quan tâm đến việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay, xã đã vận động xã hội hóa được hơn 12 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công của bà con nhân dân trên địa bàn để xây dựng 4 tuyến đường hoa tại các thôn: Khe Mằn, Cầu Tiên, Pắc Cáy, Làng Mô với tổng chiều dài trên 400m. Đồng thời, huy động lực lượng ĐVTN, nhân dân trên địa bàn tham gia hoạt động vẽ tranh tường NTM với diện tích hơn 100m2.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng tích cực thực hiện chỉnh trang đô thị, khu dân cư thông qua việc duy trì hiệu quả phong trào “Ngày thứ 7 nông thôn mới, Ngày Chủ nhật xanh”. Phong trào đã tạo sức lan tỏa lớn, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm; trồng hoa, cây cảnh; khơi thông cống rãnh thoát nước; xử lý các nguồn nước thải, chất thải không để gây ô nhiễm môi trường. Nổi bật như: Xã Minh Cầm cũng đã huy động bà con nhân dân tham gia cắt tỉa, trồng lại 700m đường hoa tại thôn Đồng Tán và làm kè 350m đường nội đồng thôn Khe Áng. Xã Nam Sơn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình. Đồng thời, tích cực rà soát, lựa chọn được 1 địa điểm xây dựng khu trung chuyển rác thải sinh hoạt và 24 vị trí đặt thùng rác công cộng để phân loại rác tại nguồn trên địa bàn xã…
Không những vậy, để hoàn thiện tiêu chí môi trường, Ba Chẽ đang nỗ lực triển khai xây dựng khu xử lý rác thải bằng phương pháp đốt, với công suất 500kg/giờ tại xã Thanh Sơn. Đồng thời, triển khai hiệu quả tiến độ 5 dự án chỉnh trang khu dân cư trên địa bàn các xã Đạp Thanh, Thanh lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Đồn Đạc. Đặc biệt, huyện đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nước dòng sông Ba Chẽ giai đoạn 2022-2025…
Cũng như Ba Chẽ, bước vào năm 2022, trong nhịp chuyển động xây dựng NTM toàn tỉnh, nhằm mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ninh về đích NTM, huyện Bình Liêu đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đạt chuẩn NTM. Với đặc thù biên giới, miền núi, dân tộc thiểu số, tiến trình xây dựng NTM của huyện Bình Liêu cũng gặp không ít khó khăn. Chiếu theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, toàn bộ các xã đã đạt chuẩn NTM trước đó của Bình Liêu đều cần phải nâng cấp, bổ sung các chỉ tiêu, tiêu chí NTM. Qua rà soát, bình quân các xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện Bình Liêu hiện đạt 14/19 tiêu chí, 44/57 chỉ tiêu; xã xây dựng NTM nâng cao đạt 6/19 tiêu chí, 39/75 chỉ tiêu. Các tiêu chí khó khăn nhất tập trung ở nhóm tiêu chí về hạ tầng, giáo dục, phát triển sản xuất, môi trường và chất lượng môi trường sống.
Xác định rõ thực trạng đó, để hoàn thành mục tiêu đưa huyện Bình Liêu về đích NTM, ngay từ đầu năm, UBND huyện Bình Liêu đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể, triển khai đến từng xã, thị trấn. Đặc biệt, tập trung nguồn lực xây dựng NTM thông qua việc bố trí, cân đối, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước cũng như tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa, sự vào cuộc tích cực của người dân để xây dựng NTM. Ngay trong tháng 1/2022, Bình Liêu đã phát động ủng hộ xây dựng huyện NTM tới các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân trên địa bàn, huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NTM. Hưởng ứng cuộc phát động, đông đảo cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, LLVT, các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực, tham gia ủng hộ. Nhờ vậy, huyện đã tiếp nhận hỗ trợ trên 4,3 tỷ đồng; vật tư xây dựng là 900 tấn xi măng, 24.000 viên ngói và 200.000 viên gạch.
Với sự tham gia tích cực, thể hiện vai trò làm chủ thể của người dân, nhiều chỉ tiêu khó trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã được thực hiện, nhiều công trình hạ tầng đã được hoàn thiện. Bà Lý Thị Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, chia sẻ: Thời gian đầu người dân còn khá hời hợt, chưa quan tâm đến việc xây dựng NTM. Nhưng khi được tuyên truyền, vận động và nhận thấy sự đổi mới, thuận lợi khi các công trình giao thông hoàn thành, ai nấy đều phấn khởi, tích cực tham gia các hoạt động và huyện, xã phát động. Tôi cũng đã vận động và cùng người dân trong xóm hiến 2.000m2 đất, nhiều cây ăn quả, cây tre và hàng trăm ngày công lao động để làm đường bê tông nối liền trong thôn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cho bà con trong thôn.
Để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, bà con nhân dân trên địa bàn còn tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; phát triển lâm nghiệp theo hướng trồng cây lâu năm phù hợp với thổ nhưỡng và cho thu nhập cao như hồi, quế, sở, thông. Năm 2022, Bình Liêu vận động nhân dân tập trung phát triển, trồng 140ha dong riềng gắn với liên kết thu mua củ dong phục vụ chế biến miến dong; chăm sóc diện tích rừng hồi, quế, sở; trồng rừng tập trung 700ha với ít nhất 200ha cây gỗ lớn như lim, giổi, lát theo chỉ đạo của tỉnh. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đưa 287 hộ nghèo, 200 hộ cận nghèo thoát nghèo, đảm bảo các xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, Bình Liêu đã đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá nguyên nhân nghèo của từng hộ trên địa bàn để có biện pháp hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, đào tạo nghề…
Gỡ khó để "cán đích" đúng hẹn
Hiện các địa phương trong toàn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo đà để tỉnh Quảng Ninh về đích nông thôn mới trong năm 2022. Văn phòng điều phối NTM tỉnh rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 98 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 – 2020 theo bộ tiêu chí mới, trung bình đạt 15/19 tiêu chí, 49/57 chỉ tiêu; 44 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân đạt 10/19 tiêu chí, 56,61/75 chỉ tiêu; 4 huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM trung bình đạt 5,5/9 tiêu chí và 25/36 chỉ tiêu. Riêng 2 huyện Tiên Yên, Đầm Hà đang xây dựng NTM nâng cao 4/9 tiêu chí, 23,5/38 chỉ tiêu. Đối với 6 thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020 (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều), rà soát 44 xã trên địa bàn, tỷ lệ đạt theo tiêu chí mới là 15/19 tiêu chí và 49,73/57 chỉ tiêu; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao so với bộ tiêu chí mới hiện chỉ đạt 10/19 tiêu chí và 56,5/75 chỉ tiêu.
Để tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đối chiếu với Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, còn 7/8 nội dung chưa đạt và 1 nội dung khi lập hồ sơ mới đánh giá được. Trong đó, có những chỉ tiêu “cứng” như: 100% số huyện, thị xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM; có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4 m2/người... Đối với chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 499 sản phẩm của 189 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Các địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo cũng đã có 116 sản phẩm tham gia chu trình của 60 cơ sở với 39 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao.
Hành trình xây dựng NTM đã bước sang một giai đoạn mới với những tiêu chí được nâng cao. Đây là những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các địa phương cũng như tỉnh. Theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025, kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn, trong đó một số tiêu chí rất khó để hoàn thành. Trong đó, phải kể đến tiêu chí liên quan đến tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp phải đạt từ 50% trở lên hoặc có các điều kiện tương đương; chỉ tiêu về tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường hay mô hình xã, thôn thông minh. Ngoài ra, các địa phương còn chậm bố trí nguồn vốn ngân sách huyện để triển khai chương trình xây dựng NTM. Công tác phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển mở rộng vùng nguyên liệu tập trung đối với sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các địa phương còn hạn chế; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi chưa được triển khai rộng tại các địa phương.
Nhận thấy rõ những khó khăn đó, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2022, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội tham gia xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021.
Các địa phương đã và đang tiếp tục rà soát tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM của các xã; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu và thực hiện phát triển sản xuất gắn với việc đẩy nhanh giải ngân vốn NTM. Song song với đó, tập trung phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển mở rộng vùng nguyên liệu tập trung đối với sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi…
Trưởng Phòng nghiệp vụ, Văn phòng điều phối NTM Đoàn Văn Khánh, cho biết: Trong quý II, Văn phòng Điều phối NTM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện các bước tiếp theo về lập đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ ban hành chỉ thị về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trình UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2021. Đồng thời, tổ chức thẩm định, công nhận các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hoàn thành năm 2021.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()