Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:06 (GMT +7)
Chuyển động kinh tế nông nghiệp ở Uông Bí
Thứ 7, 10/09/2022 | 10:15:12 [GMT +7] A A
Ở thành phố than - điện Uông Bí, nông nghiệp không được xem là lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Tuy nhiên, đây lại là hoạt động sản xuất có quan hệ mật thiết với đời sống của bộ phận không nhỏ người dân ở đây. Nông nghiệp cũng là ngành kinh tế phụ trợ quan trọng cho các ngành kinh tế công nghiệp trên địa bàn. Chính bởi vậy, những năm gần đây, Uông Bí dành sự quan tâm đầu tư đáng kể cho nông nghiệp.
HTX ổi lê và dịch vụ thương mại nông nghiệp Phương Đông được thành lập từ đầu năm 2022 trên cơ sở liên kết các hộ, nông hộ trồng ổi lê và các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh, cây xanh đô thị. Thành viên của HTX hiện có gần 30 người. Từ những đổi mới trong kỹ năng canh tác, cách giới thiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết tương hỗ nhau giữa các thành viên… đã khiến thu nhập của các thành viên HTX 8 tháng qua tăng khoảng 30%.
Liên kết sản xuất trong nông nghiệp để nâng cao trình độ canh tác, thương mại, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân… chính là một hướng đi được TP Uông Bí khuyến khích phát triển. Đây cũng là lý do để gần đây nhiều HTX nông nghiệp, tổ hợp tác trên địa bàn được hình thành và phát triển, trở thành hạt nhân trong sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Tính đến thời điểm này, cùng với HTX ổi lê và dịch vụ thương mại nông nghiệp Phương Đông, Uông Bí có 17 HTX nông nghiệp với gần 300 thành viên. Các HTX đều từng bước phát triển, trong đó có những HTX tiêu biểu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ tự động hoá vào sản xuất hoặc sản xuất theo chuỗi.
Qua thực tế sản xuất, nông nghiệp của TP Uông Bí, ưu - nhược điểm lâu nay đã được chỉ ra. Đó là diện tích canh tác nhỏ lẻ và sẽ ngày càng bị thu hẹp hơn bởi các dự án đô thị. Song thị trường tiêu thụ nông sản lại rộng mở với nhu cầu tiêu dùng tại chỗ lớn, nhất là đối với các đơn vị, doanh nghiệp ngành than và khách du lịch.
Trên cơ sở này, trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà Uông Bí tập trung triển khai từ năm 2022, địa phương này khuyến khích các mô hình nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, chủ động về quy trình sản xuất, sử dụng ít diện tích, ít nhân lực, đưa ra những sản phẩm xanh, sạch.
Hiện nay, TP Uông Bí hình thành hàng loạt các trang trại nuôi gà tiên tiến. Trại gà của anh Nguyễn Tôn Quyền tại thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công, có quy mô 40.000 con/lứa, 6 lứa/năm; thị trường tiêu thụ là hệ thống kênh phân phối CP foods (Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam); doanh thu đạt hàng tỷ đồng/lứa; lợi nhuận đạt ở mức 10-20% doanh thu.
Công nghệ nuôi gà của anh Nguyễn Tôn Quyền là công nghệ nhà lạnh, cho phép anh chủ động về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường, dịch bệnh, liều lượng thức ăn… Như vậy, hầu như toàn vòng đời 45 ngày của con gà đều sống trong môi trường an toàn, sạch bệnh, đủ chất dinh dưỡng.
Cùng công nghệ nuôi gà nói trên còn có trại gà của anh Đoàn Văn Chiến, thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công. Hiện nay, anh Chiến thả nuôi 4 chuồng, mỗi chuồng 8.000 con/lứa, một năm thả nuôi được 6 lứa. Tính ra ở quy mô hiện tại, tổng đàn gà của anh Chiến là khoảng gần 20 vạn con/năm. Theo hạch toán chi phí, tổng đàn gà này mỗi năm mang lại doanh thu 6-8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt ở mức trên dưới 30% doanh thu.
Đẩy mạnh định hướng nền nông nghiệp hiện đại, có vai trò dẫn dắt và hạt nhân của doanh nghiệp, Uông Bí ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Dự án nuôi tôm công nghệ cao của hộ kinh doanh cá thể Lê Đức Mạnh tại khu 1, phường Trưng Vương, hiện đang được đẩy mạnh thi công với các hạng mục đào đắp ao nuôi, mương gom nước mặt, đường điện, nhà điều hành, khu trồng cây… Dự án này có quy mô 20ha ao nuôi theo công nghệ tuần hoàn 2-3 giai đoạn, vốn là công nghệ nuôi tôm tiên tiến hiện nay.
Theo đại diện chủ đầu tư, nếu dự án được thi công thuận lợi, vào quý I/2023 đơn vị có thể sẽ có những mẻ tôm nuôi đầu tiên; vào cuối năm 2024, toàn bộ diện tích 20ha với 57 ao nuôi sẽ đi vào hoạt động, mang lại sản lượng tôm nuôi rất lớn, tạo doanh thu cho đơn vị và việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động.
Hiện nay, Uông Bí từng bước biến quỹ đất rừng trồng hơn 9.000ha cây keo sang các loại cây rừng gỗ lớn, kết hợp với trồng dược liệu, trồng cây dưới tán. Tính đến hết tháng 8 vừa qua, TP Uông Bí là một trong ít địa phương sớm hoàn thành kế hoạch 50ha rừng lim, lát, giổi của năm 2022. Cùng với đó nhiều chủ rừng đã năng động, sáng tạo, hình thành nên những cánh rừng đa mục đích.
3ha rừng trồng xen cây giổi, mắc ca và cây đinh lăng tại thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công của Công ty CP Kỹ thuật Hoàng Giang vừa được 5 tháng tuổi, song cả 3 loại cây này đều phát triển tốt. Với mô hình rừng này cho thấy mục tiêu là các loại cây hỗ trợ sinh trưởng và phát triển cho nhau, tạo nguồn thu lấy ngắn nuôi dài. Trong đó cây đinh lăng có thể cho thu hoạch trong 3-4 năm, cây mắc ca cho thu ổn định từ năm thứ 7 trở đi, cây giổi cho thu hạt từ năm thứ 10 trở đi…
Có thể thấy, sự chuyển động của nông nghiệp Uông Bí là rõ nét, đi đúng hướng với những mô hình canh tác thiên về công nghệ, thiết bị, về quy trình canh tác tiên tiến hơn là những điều kiện về diện tích và nhân lực. Sản phẩm nông nghiệp Uông Bí cũng hướng tới xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường tiêu thụ khó tính.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()