Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:42 (GMT +7)
Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở Uông Bí
Thứ 2, 31/05/2021 | 10:23:39 [GMT +7] A A
Tháng 4 vừa qua, TP Uông Bí đã đưa 2 đoàn công tác đến Yên Bái và Thanh Hóa để khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình cây quế và cây mắc ca. Mục tiêu của Uông Bí là trồng thử nghiệm 2 loại cây này trên diện tích đất rừng sản xuất. Nếu thành công, sẽ từng bước nhân rộng để quế và mắc ca trở thành loại cây rừng giá trị cao, góp mặt trong danh mục cây lâm nghiệp mới mà TP Uông Bí khuyến khích phát triển nhằm thay thế cây keo hiện cho hiệu quả thấp.
Uông Bí có diện tích đất rừng sản xuất gần 9.000ha, hiện nay phần lớn đã được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, giá trị rừng sản xuất của Uông Bí không cao, tư liệu sản xuất đất rừng nhiều năm qua không phát huy được tác dụng, chưa được người dân coi trọng để khai thác.
Tình trạng này một phần do loại cây rừng canh tác hiện nay chủ yếu là cây keo, trồng theo dạng rừng gỗ nhỏ, giá trị trong khoảng 50-70 triệu đồng/ha/chu kỳ rừng 6 năm. Tính ra 1ha rừng keo có giá trị chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm, ở mức rất thấp so với giá trị canh tác các loại cây trồng khác.
Xác định lấy lâm nghiệp làm một trong những mũi đột phá tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gần đây, các đơn vị chức năng TP Uông Bí mạnh dạn đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất liên kết theo chuỗi gắn với chế biến, trong đó cây quế, cây mắc ca là bước thử nghiệm đầu tiên.
Theo ông Mai Văn Dự, Trưởng phòng Kinh tế TP Uông Bí, qua khảo sát thực tế cho thấy cây quế có thể cho thu tỉa ngay từ năm thứ 5, năm thứ 8 có thể thu tỉa lần 2 và sang đến năm thứ 10 trở đi có thể thu trắng. Giá trị đợt thu tỉa đầu tiên đủ bù cho tổng đầu tư ban đầu, các đợt thu sau hoàn toàn là lợi nhuận. Vì vậy, 1ha cây quế có thể đạt lợi nhuận 500-700 triệu đồng. Với cây mắc ca, bước vào năm thứ 4 đã cho quả bói, năm thứ 5 là được thu hoạch chính thức. Giá trị thu hoạch 1ha mắc ca tăng dần từ 250 triệu đồng ở năm thứ 5 lên 500 triệu đồng ở năm thứ 7. Mức thu này ổn định trong vòng cả chục năm tiếp theo. Như vậy, sau năm thứ 5, giá trị loại cây mắc ca mang lại là khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.
Thuận lợi của Uông Bí trong mô hình trồng quế, mắc ca, là hiện đã có doanh nghiệp đề xuất dự án đầu tư, trong đó cây quế có quy mô dự án lên đến 500ha. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp trồng quế, liên kết với các hộ dân để mở rộng diện tích, cung ứng giống, kỹ thuật cho các hộ liên kết, xây dựng cơ sở chế biến tại chỗ, cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng quế.
Cùng với những chuyển động trong lĩnh vực lâm nghiệp, từ năm 2016 đến nay TP Uông Bí tập trung xây dựng 7 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Nguồn lực dành cho hoạt động này là 8-10 tỷ đồng/năm, chủ yếu là mở rộng diện tích, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng KHCN và sản xuất có liên kết.
Năm 2020, vùng vải chín sớm Phương Nam có diện tích đạt 400ha, tăng 150ha so với năm 2016, tăng 50ha so với mục tiêu; sản lượng đạt 4.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với năm 2016; giá trị đạt 120 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm 2016. Các vùng nông nghiệp tập trung khác như vùng trồng thông nhựa, mai vàng Yên Tử, mơ lông Yên Tử, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, thanh long ruột đỏ... đang dần thể hiện rõ ưu thế.
Riêng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích quy hoạch trên 100ha được kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Uông Bí tới đây. Đáng mừng là gần đây ngày càng xuất hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như mô hình trồng dưa lưới, rau sạch trong nhà của HTX Hương Việt, mô hình nuôi tôm 3, 4 giai đoạn trong nhà, bán trong nhà tại phường Yên Thanh… nâng giá trị, lợi nhuận cao gấp 2-4 lần so với canh tác thông thường.
Những chuyển động của nông nghiệp Uông Bí cho thấy bước chuyển về tư duy và hành động của địa phương đối với sản xuất nông nghiệp, trong khi nông nghiệp thực tế chỉ chiếm chưa tới 6% cơ cấu kinh tế của toàn thành phố.
Thanh Bình
Liên kết website
Ý kiến ()