Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:48 (GMT +7)
Chuyển đổi số y tế - Lĩnh vực ưu tiên hàng đầu
Thứ 3, 22/11/2022 | 08:44:35 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số y tế là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình chuyển đổi số Quốc gia và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp và là lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Do vậy, khi y tế số phát triển thì có thể chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc.
Quá trình chuyển đổi số y tế
Trải qua quá trình phát triển, đến nay Quảng Ninh đã có sự chuyển đổi số rất mạnh mẽ ở lĩnh vực y tế. Tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ và nền tảng khác nhau để mang lại lợi ích cho các cơ sở y tế, cũng như người bệnh.
Sau khi gọi điện thoại đặt lịch hẹn khám bệnh tại Bệnh viện Bãi Cháy, ông Phạm Văn Tùng (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) đến đúng giờ hẹn để khám bệnh tiểu đường định kỳ. Gần đây, ông Tùng không cần cầm theo giấy tờ, mà chỉ cần căn cước công dân có gắn chíp để đăng ký khám bệnh. Hay trong quá trình khám bệnh, nếu phát sinh chi phí cần thanh toán, ông cũng được hướng dẫn thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt qua QR Code động…
Đặc biệt, sau khi được bác sĩ làm các xét nghiệm, chụp X-quang xong, ông Tùng cũng không phải chờ đợi nhận kết quả, mà trở về phòng khám ban đầu để nghe bác sĩ đọc kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Bởi tất cả thông tin khám, chữa bệnh của bệnh nhân đều được tự động trả kết quả trên các phần mềm, được truyền tải lên hệ thống quản lý tổng thể của bệnh viện và các bác sĩ có thể đọc kết quả ở bất kỳ đâu. Mỗi bệnh nhân cũng được bệnh viện cung cấp mã số truy cập vào hồ sơ bệnh án điện tử cá nhân để xem kết quả online… Đây là những dịch vụ y tế tiện ích được triển khai ứng dụng, nhằm rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh cho người dân khi đến Bệnh viện Bãi Cháy.
Cùng với Bệnh viện Bãi Cháy còn có Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi là 3 bệnh viện được tỉnh đầu tư xây dựng bệnh viện thông minh, triển khai từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020. Đặc biệt, 3 bệnh viện kể trên của Quảng Ninh nằm trong số 10 bệnh viện trong cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, như kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc… Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm. Đồng thời, người bệnh cũng có thể hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Từ đó, giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, để chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Mạnh cho biết: Để tiến tới xây dựng bệnh viện không giấy tờ trong toàn tỉnh, ngành Y tế đang tiếp tục đề xuất tỉnh triển khai thí điểm phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (PACS) cho tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh chưa triển khai. Phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh giúp kết nối trực tiếp với các thiết bị để thu nhận hình ảnh chụp X-quang, cắt lớp, siêu âm; đồng thời kết nối với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS); kết nối với bệnh án điện tử. Qua đó, bác sĩ, chuyên gia của các đơn vị khám, chữa bệnh có thể sử dụng hệ thống PACS trung tâm cho công tác hội chẩn, tra cứu và làm việc từ xa. Bệnh nhân có thể tra cứu kết quả trên mạng Internet tại các cổng trả kết quả của bệnh viện.
Ưu điểm vượt trội của hệ thống PACS chính là cắt giảm quy trình khám, chữa bệnh; làm giảm tình trạng in phim khô sau chụp X-quang, cắt lớp, siêu âm, từ đó giúp bệnh nhân không phải chờ đợi kết quả chiếu chụp như trước đây, giúp các bệnh viện giảm chi phí vật tư đầu vào; đồng thời góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế.
Một trong những ứng dụng CNTT sớm nhất cả nước và tiếp tục phát huy hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số mà Quảng Ninh đã triển khai là dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là hệ thống Telemedicine). Theo đó, từ năm 2012 đến nay, ngành Y tế của tỉnh đã đầu tư và phát triển hệ thống Telemedicine với 31 điểm cầu, trong đó có 10 điểm cầu đặt tại phòng phẫu thuật.
Thông qua hệ thống Telemedicine, ngành Y tế đã tiến hành hàng trăm ca hội chẩn, tư vấn và hướng dẫn điều trị những ca bệnh khó từ các bệnh viện tuyến Trung ương cho tuyến tỉnh và từ tỉnh cho tuyến huyện; kịp thời triển khai cuộc họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn... Nhiều người bệnh ở các xã vùng sâu, xa, hải đảo đã thoát khỏi nguy kịch nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ tuyến trên thông qua hệ thống Telemedicine.
Với nền tảng sẵn có về hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng trang thiết bị công nghệ được đầu tư đồng bộ từ dự án hệ thống Telemedicine, từ tháng 6/2020, ngành Y tế đã nhanh chóng thực hiện đề án Khám, chữa bệnh từ xa (giai đoạn 2020-2025) của Bộ Y tế, tiếp tục mở rộng kết nối với Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến Trung ương. Các hoạt động chính được triển khai, như: Tư vấn sức khỏe; khám chữa bệnh ban đầu từ xa giữa các tuyến; hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hội chẩn cận lâm sàng, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, sinh hoạt khoa học trực tuyến...
Mặc dù không thuộc tỉnh tham gia thí điểm thực hiện hồ sơ sức khỏe toàn dân, nhưng ngay từ năm 2017, Quảng Ninh đã xin Bộ Y tế được tham gia. Đến nay, hơn 96% dân số trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về vấn đề này, giúp người dân được cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng sức khỏe một cách kịp thời.
Đặc biệt, ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, trong các giải pháp mà Quảng Ninh đã triển khai thực hiện, việc khai báo, khám sức khỏe cho người dân để lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho toàn bộ cư dân biên giới ở Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và sau đó mở rộng toàn tỉnh là một trong những giải pháp rất thành công của Quảng Ninh. Có thể thấy, Quảng Ninh đã triển khai đúng thời điểm "vàng" để kịp thời chống "giặc" Covid-19 và cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện khám sàng lọc, khai báo y tế toàn dân.
Hơn nữa, thông qua việc kiểm tra, khám sàng lọc sức khỏe toàn dân đã giúp ngành Y tế Quảng Ninh cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe của từng người dân trên địa bàn. Như vậy, hồ sơ sức khỏe điện điện tử lúc này ngoài cập nhật các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số BHYT, thì đã cập nhật thêm về tiền sử bệnh, quá trình khám chữa bệnh của mỗi người dân, qua đó tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.
Tạo cơ hội để y, bác sĩ tiếp cận các tiến bộ khoa học
Một trong những trọng tâm của chuyển đổi số y tế là hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các bác sĩ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa và đưa công nghệ vào tự động theo dõi, cảnh báo, cũng như chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Nổi bật nhất hiện nay có thể kể đến phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ cuối năm 2021. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo RAPID được FDA chấp thuận cho sử dụng tại các trung tâm đột quỵ hàng đầu ở Mỹ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh là đơn vị y tế đầu tiên ở miền Bắc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID; Việt Nam là quốc gia thứ 3 ở Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia ứng dụng trí tuệ nhân tạo này.
Bác sĩ CKI Ngô Quang Chức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Phần mềm RAPID được cài đặt trực tiếp vào máy tính có tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu hình ảnh. Sau khi bệnh nhân đột quỵ được chụp CT hoặc MRI, phần mềm RAPID sẽ tính toán xử lý nhanh trong thời gian ngắn (30 giây-2 phút) và cho ra kết quả. Chúng tôi sẽ thấy được rõ vùng não đã chết và vùng thiếu máu cần cứu sống để đưa ra quyết định can thiệp chính xác, kịp thời nhất, giúp bệnh nhân thêm cơ hội sống, hạn chế di chứng về sau cho người bệnh. Phần mềm này đặc biệt hiệu quả cho nhóm bệnh nhân nhồi máu não đến trễ sau 6 giờ, hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, nhóm này hiện chiếm tỷ lệ rất lớn. Bên cạnh đó, phần mềm cũng hỗ trợ đo thể tích khối máu tụ với những trường hợp xuất huyết não, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá được chính xác để có hướng điều trị phù hợp.
Cùng với việc ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, ngành Y tế cũng ứng dụng nhiều thiết bị y tế kết hợp công nghệ số để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Từ năm 2017 đến nay, tất cả các đơn vị y tế tuyến huyện đã được đầu tư hệ thống phẫu thuật nội soi có kết hợp công nghệ số để phẫu thuật cho người bệnh hiệu quả. Đối với tuyến tỉnh, các bệnh viện đã được đầu tư phòng mổ thông minh với những thiết bị y tế kết hợp công nghệ cao, như: Hệ thống phẫu thuật nội soi 3D, hệ thống định vị Navigation, CT di động phòng mổ, hệ thống máy chụp can thiệp mạch DSA, EMO (tim phổi nhân tạo)…
Trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục phiền hà tại các cơ sở khám, chữa bệnh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Y tế Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Hiện nay, Sở Y tế đã đưa vào thực hiện 169 TTHC, với 100% thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. 9 tháng năm 2022, đã có 1.670 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Kết quả trên đã giúp giảm áp lực công việc cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc thuận tiện hơn, đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, cũng như chi phí.
Những hoạt động tích cực trong chuyển đổi số của ngành Y tế là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế, cũng như sự vào cuộc tích cực của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. Ngoài công tác chuyên môn, mỗi cán bộ, nhân viên y tế đều phải tự học tập, trau dồi kiến thức để ứng dụng công nghệ phục vụ người dân. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Mạnh, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của tỉnh về chuyển đổi số, ngành Y tế xác định con người là yếu tố quan trọng nhất. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó và mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân. Do đó, chúng tôi tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành. Từ đó giúp cho ngành Y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, giảm các TTHC; ứng dụng nhiều tiện ích của công nghệ số phục vụ nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Tin tưởng rằng, những bước đột phá quan trọng trong chuyển đổi số ngành Y tế Quảng Ninh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số y tế quốc gia và chuyển đổi số trong toàn tỉnh, đồng thời góp phần hiện đại hóa ngành Y tế nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW (25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()