Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:11 (GMT +7)
Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu để HTX phát triển bền vững
Thứ 2, 23/05/2022 | 09:34:54 [GMT +7] A A
Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại. Nắm bắt được xu thế đó, Hội Nông dân các cấp của Quảng Ninh đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX tiếp cận công nghệ, chủ động tham gia chuyển đổi số.
Ngoài bán hàng theo hình thức truyền thống, HTX Thảo mộc Tuệ Lâm (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) còn đưa các sản phẩm tinh dầu, túi thơm… lên sàn thương mại điện tử Postmart, Shopee, Sendo, Teqni.gov.vn… Dù gặp không ít khó khăn vào thời điểm ban đầu, nhưng đây chính là bước ngoặt trong chiến lược phát triển của HTX.
Ông Đỗ Đức Uyên, Giám đốc HTX Thảo mộc Tuệ Lâm cho biết: Trước đây, HTX chỉ đưa sản phẩm tới một số cửa hàng bán lẻ, siêu thị... Số lượng hàng tiêu thụ chỉ nhỏ lẻ, thậm chí bị tồn. Tuy nhiên khi đưa lên các trang thương mại điện tử, 16 sản phẩm sản xuất từ thảo mộc, trong đó có 1 số sản phẩm đạt 3 sao OCOP của HTX được tiêu thụ tốt hơn, thị trường được rộng mở. Hoạt động sản xuất của HTX từ đó cũng hiệu quả hơn. Nhờ đầu ra thuận lợi, HTX đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Còn đối với HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái), hiện các sản phẩm của đơn vị đã có mặt ở các sàn thương mại điện tử, nhờ đó, HTX đã xây dựng được các đại lý phân phối trên nhiều tỉnh, thành. Nhờ chủ động bắt nhịp với chuyển đổi số, 2 năm gần đây HTX có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phát triển bền vững, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã chủ động vào cuộc cùng các HTX thực hiện mục tiêu này. Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân là thành viên của HTX, các cấp hội cũng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho các HTX. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số để các HTX chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; giới thiệu và vận động thành viên HTX ứng dụng các mô hình chuyển đổi số nhằm cải thiện phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều HTX nông nghiệp việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị vẫn còn sơ khai. Nguyên nhân do đa số thành viên tham gia HTX nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, KHCN còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp XNK hạn chế, chưa thường xuyên; đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi hầu hết các HTX đều thiếu vốn.
Do vậy, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên HTX với hình thức "cầm tay chỉ việc". Đồng thời, khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX, từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số.
Được biết, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh dự kiến sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 24 buổi tập huấn truyền thông về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân, các thành viên của HTX, tổ hợp tác… Trong đó, tập trung hướng dẫn về cách thức tạo lập gian hàng; kỹ năng chụp hình, đăng tải hình ảnh, bài viết quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; phương thức thanh toán điện tử khi thực hiện giao dịch trên môi trường mạng…
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()