Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:15 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Tiên Yên
Chủ nhật, 18/09/2022 | 09:25:54 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030, huyện Tiên Yên đã xây dựng nhiều nhóm giải pháp thực hiện hiệu quả, trong đó có cả việc xây dựng làng thông minh đã được người dân tham gia tích cực.
Để phát triển chính quyền số, huyện Tiên Yên tích cực thực hiện rà soát, đánh giá hiện trạng và mở các lớp đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Ngay trong tháng 6/2022, huyện đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 436 học viên là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn và cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, khu phố. Đến nay, 100% công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện đã được đào tạo, được cấp chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin cơ bản.
Huyện Tiên Yên còn tổ chức học tập mô hình xây dựng Làng thông minh tại xã Yên Hoài, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Qua đó, nắm bắt được các điều kiện, quy trình, cách thức triển khai xây dựng mô hình Làng thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số, xây dựng NTM nâng cao huyện Tiên Yên. Đến nay, huyện đã lựa chọn, hướng dẫn xây dựng 2 mô hình Xã thông minh (Đồng Rui, Hải Lạng).
Đến thăm xã Hải Lạng - một trong 2 mô hình xã thông minh trên địa bàn huyện, đồng chí Tô Văn Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Chúng tôi phấn đấu năm 2022 này, 100% công việc của cơ quan được xử lý trên hạ tầng chính quyền số, 60% số hồ sơ thủ tục được xử lý trực tuyến, 100% các doanh nghiệp nhà hàng sử dụng hóa đơn điện tử, 100% các sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản, 80% sản phẩm nông sản được truy gốc giao dịch trên sàn thương mại điện tử, 85% số hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng và sóng viễn thông di động, 100% trường học trạm y tế và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã, dịch vụ điện nước, siêu thị mini sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, 100% người dân có sổ khám sức khỏe điện tử và sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Được biết, Hải Lạng là xã có nhiều hộ nuôi tôm và là xã đi đầu của huyện Tiên Yên chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang phương thức nuôi tôm công nghiệp.
Ông Đặng Văn Sáu, là hộ nuôi tôm ở thôn Hà Dong, xã Hải Lạng cho biết: Từ khi chúng tôi được tiếp cận với sử dụng công nghệ số, thuận lợi rất nhiều cho việc nuôi tôm. Trước đây thông tin rất ít, dẫu có được tập huấn nhưng không nhiều. Nay thông tin tôi được tiếp cận hàng ngày qua mạng, từ đó chúng tôi lựa chọn được cần mua giống ở đâu, khi tôm bị bệnh mua thuốc gì mua ở đâu, điều trị thế nào. Chứ trước đây các lái buôn đến tận đầm tiếp thị, giống tôm rồi thuốc nọ thuốc kia, ai mà chẳng bảo hàng của họ tốt. Ngay cả việc thanh toán tiền qua mạng của chúng tôi với các đối tác cũng thuận tiện rất nhiều khi chuyển đổi số.
Đại Dực là xã vùng cao nhưng người dân cũng vào cuộc tích cực với công nghệ số. Vừa qua, Đoàn thanh niên xã Đại Dực mới có cuộc ra quân đã hỗ trợ hàng trăm người dân cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; tuyên truyền tư vấn về thanh toán không dùng tiền mặt; bảo hiểm xã hội online… Các ĐVTN còn phối hợp với công an xã nhập dữ liệu công dân điện tử; triển khai và thực hiện app thanh niên quản lý đoàn viên trực tuyến. Để hỗ trợ tối đa cho người dân, lực lượng đoàn viên thanh niên đã chủ động hỗ trợ cài đặt ứng dụng, nhập thông tin dữ liệu và hướng dẫn sử dụng tại chỗ.
Người dân ở Đại Dực rất thích hát Soóng cọ, thường phải có đông người cùng hát mới vui, tuy nhiên không phải lúc nào cũng tổ chức được. Thế nhưng, từ việc áp dụng tốt công nghệ số mà các buổi hát Soóng cọ vẫn được diễn ra hàng ngày vào buổi tối, trong khi mọi người vẫn ngồi yên trong ngôi nhà của mình, có khi con số lên đến hàng trăm người cùng hát giao duyên với nhau
Già làng, Nghệ nhân dân gian Lỷ A Sáng, ở xã Đại Dực, đã đứng ra lập 2 nhóm zalo với gần 200 người tham gia. Họ là người Sán Chỉ và có cả người Dao sống rải rác ở các xã của các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà. Buổi tối, những người trong nhóm cùng mở điện thoại qua hệ thống gọi zalo hình ảnh rồi họ hát với nhau.
Ông Sáng cho hay: Dù là xã vùng cao, nhưng người cao tuổi chúng tôi cũng bắt nhịp tốt công nghệ số, nó giúp chúng tôi tiếp cận với xã hội văn minh hiện đại. Trước đây, chúng tôi rất ngại đi ra phố khám bệnh vì rất mất thời gian, tốn kém. Sắp tới, người cao tuổi chúng tôi còn được khám bệnh từ xa. Thật tuyệt vời, không lý do gì để chúng tôi không tiếp cận với công nghệ số cả.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()