Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:38 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong lĩnh vực Thương mại
Thứ 6, 16/06/2023 | 06:25:37 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành Công Thương đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực được giao. Qua đó, đã mở ra cơ hội lớn để người dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo lĩnh vực ngành, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể tới các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị thuộc Sở để cụ thể hoá các nội dung, kế hoạch của tỉnh và các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch của Sở. Đến nay, Sở đã tăng cường sử dụng phần mềm Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; chữ ký số và hộp thư điện tử công vụ trong việc trao đổi văn bản điện tử. Các văn bản phát hành của Sở trên môi trường điện tử được ký số trước khi phát hành, hiện đã có trên 90% hồ sơ công việc thực hiện trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số.
Cùng với đó, để thực hiện nhiệm vụ đưa 100% các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tham gia sàn TMĐT, Sở Công Thương đã đẩy mạnh việc tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh lồng ghép các hoạt động ứng dụng TMĐT trong khuôn khổ tổ chức các kỳ hội chợ, triển lãm… Qua đó, đã từng bước định hướng, hình thành thói quen sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong thời đại công nghệ số cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 560 sản phẩm OCOP. Trong đó, 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đã cơ bản được đưa lên các sàn TMĐT. Điển hình như: Sàn TMĐT Voso 160/334 sản phẩm đạt 60%; sàn TMĐT Postmart 108/334 sản phẩm đạt 40,4%; sàn giao dịch TMĐT tỉnh đang giới thiệu 424/560 sản phẩm OCOP, trong đó có 190/334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên... Tất cả sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn TMĐT đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Về nâng cấp sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và đang triển khai thực hiện thi công các hạng mục, dự kiến hoàn thành đầu tháng 8/2023 tới đây. Đối với nhiệm vụ thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0, ngày 10/3/2023, Sở Công Thương đã ban hành văn bản số 1016/SCT-QLTM5 về việc đôn đốc UBND các địa phương xây dựng và báo cáo tình hình triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, có 11/13 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Đặc biệt, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành, công bố danh mục TTHC mới và TTHC được thay thế, sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi, chức năng quản lý và thẩm quyền giải quyết của Sở. Đến thời điểm hiện nay, số TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở là 144 TTHC được thực hiện ở 3 cấp, trong đó: Cấp tỉnh 127 TTHC, tại 16 lĩnh vực; cấp huyện 15 TTHC, tại 4 lĩnh vực; cấp xã 2 TTHC, tại 1 lĩnh vực. Các TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích theo lĩnh vực Công Thương đạt 100%; TTHC được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 đạt 100%. Qua đó, góp phần đơn giản hoá TTHC theo lĩnh vực ngành.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, việc thực hiện chuyển đổi số mặc dù đã được triển khai tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn nhất định. Điển hình như, việc thu thập các chỉ tiêu thống kê trong ngành kinh tế với các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng... còn gặp nhiều khó khăn; quản lý kinh doanh trên mạng xã hội còn bất cập do các mạng xã hội như: Zalo, facebook, tiktok, instagram, youtube... đều có trụ sở chính tại nước ngoài, không thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực TMĐT; nhiều sản phẩm đăng bán không được kiểm duyệt về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ nên hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng, video trực tuyến; một số đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, OCOP chưa quan tâm đến hình thức kinh doanh trực tuyến…
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo lĩnh vực ngành quản lý, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, định hướng cho các doanh nghiệp, HTX, người dân khắc phục những hạn chế, khó khăn còn tồn tại. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành. Đồng thời tăng cường phối hợp với UBND các địa phương, đơn vị tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP tích cực tham gia sàn TMĐT. Phấn đấu hỗ trợ 100% các sản phẩm OCOP từ 3-5 sao tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT và chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()