Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong hoạt động logistics
Thứ 6, 12/04/2024 | 14:45:21 [GMT +7] A A
Là ngành dịch vụ trọng yếu, có giá trị gia tăng cao, logistics đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với phát triển hạ tầng, Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động logistics nhằm khai thác hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Logistics có vai trò thiết yếu, được coi là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ số và cách mạng công nghiệp 4.0, ngành logistics đang có nhiều cơ hội bứt phá. Tại hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội cùng quyết tâm mạnh mẽ, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế qua việc đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư… Hiện các nghiên cứu cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi số trong hoạt động logistics mang lại nhiều lợi ích, như cắt giảm chi phí hoạt động, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao hơn... Vì vậy các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về logistics như Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động logistics để phát huy được hết các lợi thế về kinh tế.
Công tác chuyển đổi số trong hoạt động logistics đang được tỉnh tăng cường với việc xây dựng, triển khai nền tảng cửa khẩu số để nâng cao năng lực phối hợp quản lý của các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, phương tiện, con người phục vụ cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Cục Hải quan tỉnh hiện phối hợp với các sở,ngành, địa phương nghiên cứu, khảo sát, đề xuất mô hình, báo cáo Tổng cục Hải quan các nội dung triển khai xây dựng nền tảng cửa khẩu số.
Đến nay Cục Hải quan tỉnh đã triển khai một số công việc cụ thể: Tiếp nhận, nghiên cứu các tài liệu, dự thảo quy trình, phần mềm về nền tảng cửa khẩu số, áp dụng thí điểm tại Cầu Bắc Luân II; khảo sát thực tiễn công tác triển khai nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh thuộc tỉnh Lạng Sơn; làm việc với Tổng cục Hải quan để nắm bắt chủ trương, quan điểm của ngành Hải quan về việc xây dựng mô hình cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh; khảo sát, đối chiếu, đánh giá cụ thể các vị trí công tác của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2...
Theo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, mô hình nền tảng cửa khẩu số là mô hình mới, cần phải có sự nghiên cứu và cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc đặt ra đối với cửa khẩu số và lộ trình phát triển hải quan số, hải quan thông minh của ngành Hải quan. Cục Hải quan tỉnh đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và hoàn thiện mô hình theo định hướng mới của Tổng cục Hải quan. Dự kiến việc thống nhất mô hình, lên phương án thiết kế, tổ chức thực hiện cần có thêm thời gian. Căn cứ vào tình hình thực tiễn triển khai, Cục Hải quan tỉnh đã báo cáo đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh tiến trình triển khai nền tảng cửa khẩu số giai đoạn 2024-2025.
Tăng cường công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ logistics hướng tới logistics thông minh, vận hành khai thác cảng, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng vận tải cũng đang được các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện. Điển hình, Sở GT-VT tuyên truyền đến các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động vận tải, dán thẻ ETC để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình điện tử không dừng, ứng dụng phần mềm gọi, đặt xe, ứng dụng phần mềm quản lý bến xe, phần mềm in vé điện tử, hóa đơn điện tử...
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện, tỉnh tập trung triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối liên thông với trục văn bản của Văn phòng Chính phủ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... Điều này đã góp phần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp giải quyết TTHC.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 738/17.300 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ logistics, trọng điểm là hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và 23 đại lý tàu biển; 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển.
Theo quy hoạch, Quảng Ninh trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế. Đến năm 2050 Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Cùng với đầu tư hạ tầng cứng đồng bộ, hiện đại hóa, nền tảng con người, cơ chế, thủ tục, dịch vụ logistics được đổi mới và cải cách căn bản, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động logistics, gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()