Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Chuyển đổi số trong giải quyết TTHC
Thứ 2, 15/08/2022 | 08:00:54 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện, một trong những nhiệm vụ được các địa phương, ngành trong tỉnh quan tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU, mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp; năm 2024 bảo đảm 100% kết quả giải quyết TTHC được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng.
Thời gian qua, các trung tâm hành chính công trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận một cửa hiện đại cấp xã tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đến nay số lượng hồ sơ TTHC nộp trực tuyến tăng mạnh.
Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022 đã có trên 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, trên 229.000/325.000 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 70% (tăng 20% so với cùng kỳ). Đây là giải pháp triển khai thực hiện tiếp nhận giải quyết các TTHC trên môi trường mạng, với phương châm “lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, là tiền đề hình thành công dân số, hướng đến Chính phủ số.
Từ khi các trung tâm hành chính công triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC qua Cổng dịch vụ công quốc gia, nhiều người dân đã áp dụng và đánh giá cao vì sự thuận tiện này. 6 tháng đầu năm 2022 đã có trên 20 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là bước đột phá trong cải cách TTHC và tiền đề cho hành trình chuyển đổi số.
Anh Nguyễn Văn Cao (phường Tràng An, TX Đông Triều) chia sẻ: "Tôi thấy giờ làm TTHC rất thuận tiện và nhanh. Tôi làm thủ tục về lĩnh vực đất đai, nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và nộp lệ phí thuế qua dịch vụ công quốc gia, không phải mất thời gian đi lại như trước, tiết kiệm chi phí".
Trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
Đặc biệt, từ ngày 1/6/2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành (GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TT&TT, Tư pháp, Y tế); từ ngày 1/7/2022 thực hiện với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 của Chính phủ. Thời gian tới, khi kho dữ liệu số hóa của tỉnh thu thập, tổng hợp được nhiều dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, liên thông, truy xuất, khai thác dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu của mình đã được số hóa thông qua tài khoản cá nhân trên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, cho biết: Lộ trình chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, thời gian tới Trung tâm đẩy mạnh triển khai các giải pháp, như thí điểm hệ thống camera thông minh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giải quyết TTHC qua tổng đài thông minh; hệ thống phần mềm đánh giá sự hài lòng của tổ chức, người dân đối với cơ quan nhà nước và cán bộ trong hoạt động giải quyết TTHC đồng bộ trong toàn tỉnh… Các giải pháp này sẽ giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết TTHC, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công chuyển đổi số của tỉnh đạt được mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy Quảng Ninh vươn lên tầm cao mới.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()