Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:06 (GMT +7)
Đầm Hà: Chuyển đổi số toàn diện ngành giáo dục
Thứ 6, 25/08/2023 | 11:02:37 [GMT +7] A A
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng GD&ĐT, đến nay ngành giáo dục huyện Đầm Hà đang hướng đến chuyển đổi toàn diện từ công tác giảng dạy, học tập, đến quản lý.
Dự án phòng học ứng dụng CNTT tiên tiến được triển khai áp dụng trong hoạt động giảng dạy và quản lý tại Trường THCS thị trấn Đầm Hà từ năm học 2018-2019 đã góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy và học, cũng như quản lý của nhà trường. Với việc quản lý tốt, hiệu quả trang thiết bị và ứng dụng CNTT trong dạy và học, Trường THCS thị trấn Đầm Hà đang từng bước thực hiện chuyển đổi số toàn diện.
Thầy giáo Phạm Đình Lượng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đầm Hà, cho biết: Với mục tiêu xây dựng trường học thông minh, nhà trường tăng cường công tác quản lý dựa trên nền tảng ứng dụng các công nghệ hiện đại; hỗ trợ tích cực giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng tối ưu các nguồn lực, công nghệ thông minh, nhằm phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý môi trường giáo dục thông minh.
Đến nay, giáo viên nhà trường đã sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và áp dụng bài giảng ở mức độ 1, 2 trong dạy học; bước đầu khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở; ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; kiểm tra, đánh giá trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân... 100% giáo viên sử dụng phần mềm, công cụ ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy học trên lớp; 60% giáo viên có khả năng thiết kế bài giảng có ứng dụng CNTT, sử dụng các phần mềm, thiết kế bài giảng e-learning đóng góp cho kho bài giảng dùng chung của nhà trường; 50% số tiết học có ứng dụng CNTT (ứng dụng phần mềm hỗ trợ dạy học, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm hỗ trợ thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học).
Hơn 90% học sinh được hướng dẫn sử dụng và làm quen với các tính năng của thiết bị, phần mềm, giúp tự tin, chủ động tham gia các hoạt động. 100% học sinh đã được học tập nội dung bài học qua tương tác với giáo viên thông qua bảng tương tác, qua máy tính xách tay để phục vụ việc học tập trong môi trường trực tuyến, có sách giáo khoa điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn học...
Cùng với Trường THCS thị trấn Đầm Hà, việc chuyển đổi số toàn diện đã được ngành GD&ĐT huyện Đầm Hà tích cực triển khai và đã đạt được những kết quả quan trọng. Ông Giản Mạnh Tráng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Hà, cho biết: Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các đơn vị trường học lồng ghép nội dung chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào những giờ học ngoại khóa... Đến nay, ngành GD&ĐT huyện Đầm Hà đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; chuyển đổi số trong dạy, học; chuyển đổi số trong quản trị các cơ sở giáo dục và chuyển đổi số dịch vụ hỗ trợ người học, người dân.
Hiện nay, 100% cán bộ giáo viên, nhân viên các trường học đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số. Các trường học đã từng bước đưa công các dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, các trường học thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục trên công nghệ số và dữ liệu về GD&ĐT. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, học tập và tuyển sinh; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến...
100% học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 trên địa bàn huyện có mã định danh cá nhân hợp lệ để phục vụ đăng ký thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT; 100% học sinh và học viên được cập nhật đầy đủ điểm năm học 2022-2023. Các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên có nội dung chuyển đổi số được lồng ghép, tích hợp trong chương trình giảng dạy của nhà trường và sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến; các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sử dụng phần mềm để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản; 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ sách điện tử; 100% cơ sở giáo dục chấp nhận thanh toán học phí và các khoản dịch vụ khác bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Hữu Việt
- Hạ tầng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới
- Triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông
- Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: Dạy tích hợp là vấn đề khó nhất
- Cần có nghị quyết riêng về đổi mới giáo dục
- Đảng ủy Than Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
Liên kết website
Ý kiến ()