Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:32 (GMT +7)
Chuyển đổi số ở xã vùng cao Ba Chẽ
Chủ nhật, 31/07/2022 | 14:09:51 [GMT +7] A A
Không ai phủ nhận được sự hữu dụng của công nghệ số trong đời sống xã hội, rất tiện lợi, đối với nhiều người đó còn là nhu cầu không thể thiếu. Tuy nhiên, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, việc chuyển đổi số vẫn còn gặp khó khăn.
Nếu ai đó đến Ba Chẽ nhất là vào các dịp lễ hội, chúng ta có thể gặp người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số dùng điện thoại thông minh như thanh niên. Họ quay phim các cảnh lễ hội rồi chia sẻ cho bạn bè các nơi trong và ngoài tỉnh, từ đó đã thu hút nhiều du khách đến với huyện, nhất là trong Lễ hội Bàn Vương.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của công nghệ số khi người dân các xã vùng cao tiếp cận nó. Để giúp người dân tích cực vào cuộc, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Ba Chẽ đã có Chương trình hành động số 21-CTr/HU ngày 5/4/2022 về thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chúng tôi đến tìm hiểu tại xã Đồn Đạc, một lãnh đạo xã cho hay: Ở vùng trung tâm xã và khu vực xã chúng tôi giáp thị trấn người dân đã tích cực vào cuộc. Thế nhưng ở vùng xa trung tâm xã, huyện một phần do người dân còn nghèo, chưa sắm được điện thoại thông minh, nhiều người chưa bao giờ sử dụng máy tính, nên còn e ngại, mặt khác do hệ thống mạng Internet ở các thôn xa trung tâm rất yếu hoặc không có, khiến bà con cũng rất khó hòa nhập việc chuyển đổi số. Chuyện người dân do nghèo, còn e ngại và mạng Internet còn thiếu và yếu cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc đồng bộ chuyển đổi số ở các trường học trên địa bàn huyện.
Chúng tôi đến tìm hiểu tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Nam Sơn, nằm trên địa bàn xã Nam Sơn, là xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2018.
Thầy giáo Nguyễn Văn Chung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường của chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi số ở hình thức xử lý email, các văn bản đến và đi, sử dụng sổ sách điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý đội ngũ giáo viên và học sinh, sử dụng các ứng dụng để soạn giảng lưu trữ tài liệu. Còn sổ liên lạc điện tử thì chưa triển khai được vì liên quan đến việc phụ huynh không có trang thiết bị cũng như chưa có nhu cầu và kỹ năng sử dụng các ứng dụng này. Tuy nhiên, trong dịp phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhà trường cũng đã rất thành công đưa các ứng dụng số vào giảng dạy, giúp học sinh thực hiện tốt việc học trực tuyến để an toàn trong dịch bệnh.
Các xã, thị trấn ở Ba Chẽ đã tích cực vào cuộc tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng trên tất cả 66 thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, khu phố có từ 5 đến 10 thành viên là cán bộ và hội đoàn thể các thôn, khu phố. Các tổ sẽ tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; cập nhật, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số, hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số và được triển khai theo phương thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp hướng dẫn từng người dân theo cách “cầm tay chỉ dẫn”, để từ đó người dân dễ bắt nhịp hơn. Từ hoạt động này đã giúp người dân “đỡ ngại” hơn khi bắt tay vào hòa nhập chuyển đổi số.
Chị Chíu Tài Múi, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc, cho hay: Nhờ các bác ở tổ công nghệ số chỉ dẫn mà chúng tôi đỡ ngại hơn khi học. Quả thật bà con chúng tôi nhiều người chữ phổ thông đọc được là tốt rồi, chứ đâu biết tiếng Anh. Đến các cơ quan nhờ họ hướng dẫn, chắc do họ quá bận, họ chỉ nói qua bảo chúng tôi bấm vào phần có câu tiếng Anh, nhưng chúng tôi chẳng biết nó chỗ nào, quả thật chúng tôi rất ngại.
Chị Múi cho biết thêm: Chuyển đổi số đến với bà con dân tộc vùng cao là rất tốt. Nhà tôi cách trung tâm xã đến gần chục km, mỗi khi có công có việc lên ủy ban xã rất vất vả mất ngày mất buổi, nếu thực hiện được chuyển đổi số thì chúng tôi có thể làm được nhiều cái từ ở nhà cũng rất tiện hơn nhiều. Đơn giản nhất từ khi chúng tôi đăng ký gói đóng tiền điện dân dụng qua ngân hàng rất tiện lợi. Trước đây, mất nửa buổi lên rừng hoặc ra đồng ở nhà hẹn hò chờ bác thu tiền điện đến rồi nộp, hoặc phải lên phố huyện mất rất nhiều thời gian, công sức.
Như vậy, để việc chuyển đổi số trở thành đồng bộ ở các thôn, xã khó khăn, chúng ta cũng cần phải có cả cách làm và rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư mạng Internet, để người dân tích cực tham gia.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()