Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:16 (GMT +7)
Chuyển đổi số ở thành phố thủ phủ
Thứ 3, 18/07/2023 | 13:45:32 [GMT +7] A A
Là thành phố thủ phủ của tỉnh, Hạ Long luôn tích cực trong thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TU ngày 05/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sáu tháng đầu năm nay, thành phố tiếp tục quan tâm phát triển nhân lực số trên địa bàn thông qua tổ chức tập huấn, triển khai bộ chỉ số đo lường chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh cho hơn 150 người, gồm lãnh đạo và cán bộ phụ trách các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường; tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng một số nội dung, kỹ năng và sử dụng các nền tảng số; mở 2 lớp tập huấn số hóa hồ sơ TTHC và giải quyết trên môi trường điện tử với trên 92 học viên… Đây là đội ngũ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.
Mặt khác, thành phố luôn chú trọng đến phát triển hạ tầng tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện chuyển đổi số. Việc phủ lõm sóng được đẩy mạnh, đã hoàn thành việc nâng cấp trạm BTS tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng. Tỷ lệ khu dân cư tập trung có kết nối internet băng rộng cố định đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 87%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 95%…
Để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính, thành phố còn nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công tỉnh (hiện đạt 81%) và Cổng Dịch vụ công quốc gia (hiện đạt 48,5%). 6 tháng năm 2023, có 18.581 hồ sơ trực tuyến thực hiện tại Trung tâm hành chính công thành phố, số hồ sơ có kết quả giải quyết trả qua dịch vụ bưu chính công ích là 1.453 hồ sơ. Còn tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã, số hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến là 51.097 hồ sơ. Phần lớn hồ sơ tiếp nhận và kết quả hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công thành phố, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đã được số hóa… 90% cán bộ công chức, viên chức của thành phố đã được cấp chữ ký số để giải quyết công việc trên môi trường mạng.
Đồng thời, Hạ Long cũng đẩy mạnh việc nộp thuế điện tử; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, tỷ lệ khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn đạt tới 99%; tỷ lệ nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp, tổ chức đạt 99%; tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế bằng phương thức điện tử đạt 100%. Triển khai nộp thuế điện tử đối với cá nhân trên thiết bị di động (eTax Mobile ngành Thuế) 6 tháng đầu năm đạt trên 62 tỷ đồng.
Hạ Long tiếp tục phối hợp cùng với các ngân hàng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên diện rộng cho các phường Hồng Hà và Cao Xanh. Hiện nay, số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm tăng thêm là 2.727 điểm; trong đó số lượng các điểm thanh toán không dùng tiền mặt ở thôn, bản là 430 điểm. Các đơn vị tư vấn (viễn thông, ngân hàng) đã phối hợp và triển khai “Chợ 4.0” tại các chợ: Hạ Long 1, Hạ Long 2, Chợ Cái Dăm, Chợ phường Giếng Đáy, Chợ Cột 3 và Chợ Hồng Hà. UBND các xã, phường tích cực chủ động hướng dẫn, tuyên truyền triển khai mã QR cho các tiểu thương tại các chợ để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Chu Thị Hương (TP Hạ Long) cho biết: Việc đẩy mạnh các điểm thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân thuận tiện rất nhiều trong giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa. Bản thân tôi hiện nay rất ít khi có tiền mặt trong người mà chủ yếu thanh toán qua chuyển khoản cho người bán hàng.
Các đơn vị trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số. Các nhà mạng viễn thông và các đơn vị điện, nước đã đưa hợp đồng điện tử vào thực hiện giao dịch. Hiện Bệnh viện Đa khoa Hạ Long đang triển khai thí điểm bệnh án điện tử; 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp theo quy định. 45% người dân có sổ sức khỏe điện tử được đưa vào sử dụng trong khám chữa bệnh; 41,6% người dân trưởng thành sử dụng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Tất cả dữ liệu dân cư của thành phố thu thập được đã thực hiện làm sạch đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”…
Tất cả các sản phẩm OCOP Thành phố được đưa lên sàn thương mại điện tử; các sản phẩm nông sản, thủy sản khi đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm đều được triển khai truy xuất nguồn gốc.
Những chuyển biến trong thực hiện chuyển đổi số ở TP Hạ Long góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()