Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:36 (GMT +7)
Chuyển đổi số ở ngành Tư pháp
Thứ 3, 16/08/2022 | 13:02:51 [GMT +7] A A
Xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Sở Tư pháp thường xuyên quán triệt để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện chuyển đổi số theo chỉ đạo của tỉnh, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, qua đó nâng cao nhận thức của toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở về chuyển đổi số, các nội dung cần thực hiện trong chuyển đổi số, các yêu cầu, thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, kế hoạch số 26/KH-STP về việc chuyển đổi số ngành Tư pháp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030 gồm 4 nhiệm vụ cụ thể: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chuyển đổi số; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và xã hội số.
Căn cứ các kế hoạch đã được xây dựng, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, thành lập Ban Chuyển đổi số của Sở, rà soát triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ chuyển đổi số, triển khai Đề án 06; rà soát, đề xuất bố trí vốn thực hiện dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2022; công văn đề xuất nhiệm vụ, giải pháp triển khai chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh và Bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn đã ký kết trong năm 2022; tổ chức tập huấn phổ biến, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Sở đã hoàn thiện và trình Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định Đề cương và dự toán chi tiết triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của ngành. Cùng với đó, báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và phối hợp với các địa phương thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại địa phương nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia. Hiện Sở Tư pháp đang triển khai lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; quản lý và sử dụng nguồn kinh phí được cấp theo đúng chế độ, chính sách quy định, tổ chức thanh quyết toán kinh phí đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, Sở đã trao đổi một số vấn đề liên quan và đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt phòng tư pháp, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai các nội dung, như: Tích hợp, cung cấp các TTHC thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử) trên Cổng dịch vụ công tỉnh và thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử; rà soát bộ máy tổ chức, đồng thời rà soát trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, các điều kiện cần thiết bảo đảm triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trên Cổng dịch vụ công tỉnh theo kế hoạch của UBND tỉnh; tổ chức tập huấn phổ biến, quán triệt, hướng dẫn thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 một số TTHC thiết yếu lĩnh vực hộ tịch cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã...
Việc chuyển đổi số được triển khai phù hợp với thực tiễn và gắn với công tác cải cách hành chính. Đến nay số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Tư pháp thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 96 TTHC, đạt 90%. 100% văn bản đi, đến của Sở đều được xử lý theo hệ thống chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số, Sở Tư pháp đã phối hợp thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 1/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng; dự án số hoá, cập nhật dữ liệu hộ tịch và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()