Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 06:41 (GMT +7)
Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Thứ 6, 23/09/2022 | 11:29:23 [GMT +7] A A
Sáng 23/9, phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta có mặt ở đây hôm nay để truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thành phần kinh tế quan trọng.
Sáng 23/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề: Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; điểm cầu trực tuyến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta có mặt ở đây hôm nay để truyền tải thông điệp của tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đối với mô hình kinh tế tập thể (nòng cốt là các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã) là thành phần kinh tế quan trọng. Tinh thần đổi mới bao gồm thay đổi tư duy nhận thức và hành động để thay đổi phương thức hoạt động, quản lý sự thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực.
Như các quý vị đều biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.
Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hòi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.
Phát triển khu vực kinh tế tập thể luôn được Đảng, Nhà nước và cả các đối tác phát triển quan tâm. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 20-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể.
Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Trên tinh thần đó, Diễn đàn này với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW” để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, tạo động lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững, gắn với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian thì ngắn, các vấn đề thảo luận thì lớn, ý kiến phát biểu thì nhiều. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả, đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đủ ý, nêu trực tiếp vấn đề một cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở, xây dựng với tinh thần “quyết tâm chuyển đổi số, quyết tâm đổi mới, quyết tâm thay đổi gắn với hiệu quả” mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng gợi mở một số nội dung thảo luận sau:
Thứ nhất là phân tích cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng;
Thứ hai là những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề xuất giải pháp (đặc biệt là giải pháp thể chế, chính sách) và các giải pháp cụ thể, gắn với từng bộ, ngành cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã;
Thứ ba là đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau Diễn đàn hôm nay, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ ra thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa được những giải pháp đã được thống nhất ngày hôm nay và thực hiện các nhiệm vụ phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.
* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 1.342 hợp tác xã trồng trọt, 74 hợp tác xã chăn nuôi, 74 hợp tác xã thủy sản, 4 hợp tác xã diêm nghiệp, 223 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Các hợp tác xã tập trung áp dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực như kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản (1.490 hợp tác xã, chiếm 78,4%); áp dụng công nghệ tự động hóa (151 hợp tác xã, chiếm 12,5%); áp dụng công nghệ sinh học (60 hợp tác xã, chiếm 7,1%); ứng dụng công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp (16 hợp tác xã, chiếm 1%)… Trong tổng số 1.718 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 240 hợp tác xã ứng dụng phần mềm quản lý. Trong số 17.777 hợp tác xã nông nghiệp có 21% hợp tác xã lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% hợp tác xã bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% hợp tác xã tạo một website đơn giản; 7% hợp tác xã có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% hợp tác xã thực hiện livestream; 7% hợp tác xã thực hiện quảng cáo trên Facebook… |
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()