Tất cả chuyên mục

Để triển khai thực hiện các công trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, việc xem xét, thông qua nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và danh mục các dự án thu hồi đất là cần thiết. Tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khoá XII, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 47,51ha đất trồng lúa; 13,85ha đất rừng phòng hộ để phục vụ triển khai 38 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh và thông qua danh mục 45 dự án với tổng diện tích đất thu hồi là 233,64ha để phát triển kinh tế, xã hội. Được biết, các công trình, dự án mà UBND tỉnh đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất đợt này chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, công trình thuỷ lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng khu tái định cư, xây dựng công sở, công trình văn hoá và công trình công cộng, công trình quốc phòng - an ninh... phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư, sửa chữa, nạo vét mở rộng kênh tiêu suối Cầu Lim tại TX Đông Triều, tháng 5-2015. Ảnh: Nguyễn Huế |
Trao đổi về vấn đề này với nhiều cử tri, chúng tôi nhận thấy hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để phục vụ các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Đặc biệt là việc sử dụng nguồn lực từ quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các phương thức kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới là một chủ trương đúng đắn của tỉnh đã tạo ra một bước đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường đô thị... đóng góp quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân, tạo đà để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để việc chuyển đổi thực sự hiệu quả, tránh tình trạng chuyển đổi, thu hồi xong rồi để đấy hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất, gây bức xúc cho người dân, tỉnh cần quan tâm và có sơ chế giám sát thật chặt chẽ. Bởi trên thực tế đã có không ít dự án được giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất đã lâu nhưng đến nay vẫn để hoang hoá chưa triển khai. Ngoài ra, việc thu hồi đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để thực hiện các dự án khai thác khoáng sản cần cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường để tránh hậu quả có thể gây ra... Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân ở cơ sở về việc thu hồi đất để thi công các dự án phục vụ các mục đích nói trên. Nếu không sẽ gây ra những bức xúc cũng như dư luận không tốt ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội trên địa bàn.
Theo đó, căn cứ tờ trình của UBND tỉnh cũng như qua ý kiến của các cử tri, Ban Kinh kế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành thẩm tra, xác định nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và khảo sát thực tế tại 25/38 dự án trên địa bàn 6 địa phương (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Quảng Yên, Đông Triều và Hoành Bồ). Qua thẩm tra cho thấy có 4 dự án trong danh mục đề xuất chưa đủ điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất theo khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, dự án nhà chờ khách và bãi đỗ xe thuộc dự án du lịch làng quê Việt ở các xã Yên Đức, Yên Thọ, Hoàng Quế (TX Đông Triều) không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và chưa có quy hoạch chi tiết để xác định diện tích nên chưa đề xuất chuyển đổi mục đích. Còn đối với 3 dự án đề xuất thu hồi đất là dự án xây dựng hồ chứa nước Đầm Ván tại xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái nằm trên đất thuộc quy hoạch đất quốc phòng; dự án khu chung cư lô 4 và lô 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long có diện tích theo quy mô được duyệt lớn hơn nội dung trình và thực hiện theo quy định; dự án khu đô thị du lịch tại khu vực Ngã ba Mũi Ngọc đến Bưu điện Trà Cổ (Móng Cái) đã có văn bản đề nghị thu hồi dự án do chậm tiến độ nhiều năm. Ngoài ra, Ban cũng đề xuất 3 dự án đều thuộc TX Quảng Yên nằm trong danh mục thu hồi đất cần bổ sung vào danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hoàn thiện thủ tục triển khai thực hiện, gồm: Dự án khu dân cư tự xây thôn 2 (cạnh đường Cầu Chanh - TP Uông Bí); dự án mở rộng nghĩa trang nhân dân xã Hiệp Hoà và điểm xen cư xóm 3 xã Liên Hoà.
Như vậy, qua quá trình thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị HĐND tỉnh thông qua danh mục 35 dự án công trình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ và danh mục 32 dự án, công trình cần thu hồi đất trên địa bàn thuộc 5 địa phương là Hoành Bồ, Đông Triều, Móng Cái, Quảng Yên và Uông Bí. Đối với các dự án trên địa bàn huyện Tiên Yên và Hải Hà, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị sau kỳ họp này sẽ tiếp tục rà soát hồ sơ, khảo sát thực địa để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định để UBND tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Hoài Anh
Ý kiến ()